Nỗi đau trên nóc Ông Sinh
Trong vụ sạt lở đất ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam), ngoài thiệt hại thương tâm ở xã Trà Leng, cùng thời điểm, tại thôn 1, xã Trà Vân cũng xảy ra sạt lở làm 8 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Mất mát, khó khăn… là những gì người dân nơi đây đang đối mặt.
Gia đình mất 8 người thân
Con đường liên xã từ trung tâm huyện Nam Trà My lên Trà Vân vẫn có hơn 10 điểm bị sạt lở. Những cơn mưa nặng hạt, kéo dài do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới khi bão số 10 suy yếu ngày qua, càng khiến việc thông thương thêm khó khăn.
Vụ sạt lở làm 8 người thiệt mạng xảy ra tại nóc Ông Sinh (thôn 1 Trà Vân). 1 tuần trôi qua, nơi đây vẫn một khung cảnh hoang tàn. Có hàng trăm khối đất đá từ trên ngọn đồi đổ xuống làm lấp hoàn toàn hàng chục căn nhà của người dân. Do nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, những căn nhà khác đang được các lực lượng chức năng giúp người dân tháo dỡ tôn, gỗ để di dời đến nơi ở mới.
May mắn còn giữ được tính mạng, chị Đinh Thị Thánh (SN 1989) vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị Thánh kể, sáng 28/10 trời có gió mạnh, mưa rất lớn đã làm đổ nhà nên Đinh Văn Thiêu (SN 1993, em ruột chị Thánh) dẫn vợ và 5 đứa con sang nhà chị mới làm kiên cố hơn trú bão. Đến trưa, chị nghe tiếng nổ ầm… ầm trên ngọn đồi gần nhà mà cứ nghĩ tiếng sấm. Lát sau chị thấy căn nhà bị rung chuyển, mở cửa ra xem, chị thấy căn nhà em chồng Vũ Văn Nam (SN 1989) đã bị đất vùi lấp đổ sập. Quá hoảng sợ, chị quay lại gọi mọi người chạy, cùng vừa lúc đất đá đổ ầm xuống vùi lấp căn nhà mình.
“Tôi bị đất lấp chỉ còn lòi phần đầu, đoạn gỗ sườn nhà đè trên chân không thể thoát được. Nghe tiếng kêu cứu… cứu, anh em quanh đó chạy đến kéo tôi ra. Lát sau, lực lượng dân quân, người dân chạy đến đào, kiếm những người còn lại trong gia đình. Do bị vùi lấp lâu trong đất, đứa con trai 7 tuổi của tôi đã tử vong. Vợ chồng em trai tôi và 2 đứa con nhỏ đã không qua khỏi. Cùng lúc đó, gia đình em Nam cũng được người dân đào đất tìm thấy, nhưng em Nam và 2 đứa con gái đã chết, còn vợ Hồ Thị Phượng (SN 1985) bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện huyện Nam Trà My.
Tại một ngôi làng khác ở nóc Ông Sinh cũng xảy ra sạt lở nghiêm trọng vùi lấp 7 ngôi nhà dân vào chiều 28/10. Rất may thời không có thiệt hại về người.
Cuộc sống phía trước nhiều khó khăn
Nóc Ông Sinh có 55 hộ dân với hơn 200 người đồng bào dân tộc Ca Dong, ngoài 8 người chết còn có 12 người bị thương. Sau sự cố tang thương đó, những người còn sống của 3 gia đình có 8 người chết không còn chỗ ở, được chính quyền và nhân dân bố trí ở các nhà dân trong làng.
Tạm trú ở nhà Trưởng Công an xã Trà Vân, chị Thánh nghẹn ngào: “Chỉ trong phút chốc tôi đã mất 8 người thân. Không chỉ vậy, mọi tài sản của gia đình cũng bị hư hỏng hết, không biết sau này cuộc sống sẽ thế nào”.
Cháu Đinh Thị Kim Hằng (11 tuổi, học sinh lớp 6 Trường THCS Trà Vân, con vợ chồng anh Thiêu) những ngày qua chỉ nằm trên chiếc chiếu ở góc căn nhà lánh nạn. Cháu Hằng mất bố, mẹ và 2 em ruột (1 em học mẫu giáo và em út 8 tháng tuổi). Hằng và 2 em còn lại thoát nạn, bị thương. Hằng bị thương nhẹ nhất nên còn ở lại. Em trai Đinh Hoàng Thái (6 tuổi) và em trai Đinh Vũ Thượng Thiên (2 tuổi) được đưa đi bệnh viện cấp cứu, điều trị. Cháu Thái bị gãy chân… Cháu Thiên đã ổn định sức khỏe và đang được giáo viên, y tế xã Trà Vân nuôi dưỡng. Những ngày qua, Hằng và bà nội Hồ Thị Hiền (63 tuổi) nương tựa nhau sống qua ngày trong nỗi đau khổ, mất mát quá lớn. Tương lai của Hằng sẽ mịt mù khi không còn bố mẹ và 2 em, 2 em khác bị thương tật và còn quá nhỏ bé; bà nội cũng đã già yếu.
Ngồi trong căn lều tạm cùng với hàng chục hộ dân mất nhà khác, ông Thống Quốc Tuấn (SN 1962) nghẹn ngào: “Sau khi nhiều hộ có nhà bị sạt và nguy cơ sạt lở cao tại khu vực, địa phương đã dựng tạm căn lều ở sân bóng đá của thôn ở tạm. Hàng ngày, hơn 50 người dân chen chúc sinh hoạt, ăn uống tại đây nên cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn.
“Nhà tôi bị sập, tất cả tài sản gia đình dành dụm bấy lâu nay cũng đã bị vùi lấp, mất hết cả. Nếu sự việc xảy ra vào ban đêm sẽ có rất nhiều người chết. Có 7 căn nhà gần núi bị đất vùi lấp làm hư hỏng hoàn toàn, còn 45 hộ khác nằm trong diện sạt lở phải di dời gấp. Chúng tôi ở tạm tại nhà người dân khu vực không sạt lở, sau đó được chính quyền địa phương dựng lều ở tạm đây. Chúng tôi mong muốn có được nơi ở mới an toàn, mong Nhà nước và các nhà hảo tâm giúp đỡ, chúng tôi không còn gì cả...”, ông Tuấn bộc bạch.
Ông Hồ Văn Huyện, Chủ tịch UBND xã Trà Vân cho biết: “Ngoài 10 ngôi nhà bị vùi lấp, tại nóc Ông Sinh còn có hơn 40 hộ đang nằm trong diện nguy cơ bị sạt lở phải di dời gần 200 nhân khẩu. Hiện, UBND xã đã tiến hành họp dân để thống kê thiệt hại và tìm địa điểm di dời và tìm nơi tái định cư an toàn. Sau khi lấy ý kiến, nguyện vọng của người dân, chính quyền xã sẽ họp và báo cáo lên cấp trên sớm có biện pháp giải quyết. Trước mắt, người dân ở tạm trong lều và những nhà dân kiên cố xung quanh”, ông Huyện thông tin.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/noi-dau-tren-noc-ong-sinh-554603.html