Nỗi day dứt của tài xế gây TNGT vì mải dùng điện thoại
Sau khi lái xe tông chết người, tài xế rời khỏi hiện trường. Trong hai ngày trốn chạy, Khải nhiều lần khóc một mình vì ân hận rồi quyết định đầu thú. Tại phiên tòa, bị cáo tỏ ra hối hận vì thói xấu dùng điện thoại, làm việc riêng trong lúc lái xe đã khiến bản thân gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Nguyễn Văn Khải (26 tuổi, quê TP Việt Trì, Phú Thọ) vừa bị TAND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Suốt quá trình xét xử, bị cáo tỏ thái độ hối hận, day dứt vì thói quen xấu trong lúc lái xe đã cướp đi tính mạng của một người.
Theo cáo trạng, Khải có giấy phép lái xe hạng C, là nhân viên hợp đồng của DN có trụ sở ở Hà Nội. Ngày 12/12/2022, Khải cùng đồng nghiệp 32 tuổi lái ô tô chở hàng thư báo đi từ TP HCM về Nam Định, luân phiên đổi lái.
Tối cùng ngày, khi qua QL1 thuộc địa bàn xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên do mải sử dụng điện thoại khi lái xe, Khải không để ý nên tông trúng ông Nguyễn Hữu Việt (49 tuổi), đang đạp xe chạy cùng chiều.
Nghe tiếng va chạm, Khải dừng xe lại thì thấy ôtô đã tông trúng người, nhưng không dừng lại trình báo cơ quan chức năng đến giải quyết mà tiếp tục điều khiển phương tiện chạy bình thường. Đi được vài trăm mét, Khải quay lại hiện trường, dù biết nạn nhân đã tử vong, song vẫn bỏ đi. Khi xe đến địa phận Nghệ An, Khải gọi đồng nghiệp dậy đổi lái rồi ra sau giường trong cabin nằm.
Sáng ngày 14/12, xe chở hàng đến Nam Định, hai tài xế nghỉ vài tiếng rồi bốc chuyến hàng mới để chở vào TP HCM. Sáng hôm sau, khi xe chạy qua tỉnh Quảng Nam, Khải kể cho đồng nghiệp biết việc gây tai nạn chết người, rồi nhờ đồng nghiệp lái ôtô chở hàng đến nơi tập kết, còn mình bắt xe khách quay trở lại trụ sở Công an huyện Cẩm Xuyên đầu thú.
Tại tòa, bị cáo khai sinh ra trong gia đình nông dân nghèo. Học hết cấp 2, bị cáo nghỉ đi làm thuê. Khi đủ 18 tuổi, bị cáo đi học bằng lái xe hạng C và tìm được công việc ưng ý. Bị cáo luôn tự hứa làm việc chăm chỉ để tích góp tiền lo cho tương lai. Thế nhưng, vụ tai nạn mà bị cáo gây ra đã khiến dự định ấy dang dở.
Khải trình bày vụ gây tai nạn chết người là ngoài ý muốn, chưa bao giờ chuẩn bị sẵn tâm lý cho tình huống xấu này. Do đó, khi thấy nạn nhân nằm bất động trên đường “nỗi sợ hãi đã lấn át lý trí” khiến bị cáo có hành vi sai là trốn khỏi hiện trường.
Bị cáo thừa nhận đó là sai lầm lớn bậc nhất cuộc đời, bởi từ đó về sau phải đối mặt với sự giằng xé nội tâm khủng khiếp. Lúc xe đến Nghệ An, dù đổi lái cho đồng nghiệp để nằm nghỉ nhưng bị cáo không thể nào chợp mắt, luôn bị ám ảnh bởi tai nạn mình đã gây ra. Đến sáng hôm sau, khi xe tới Nam Định, đồng nghiệp về nhà ngủ, bị cáo ngồi khóc một mình trên cabin. Tới bữa ăn, cầm bát cơm nhưng nuốt không trôi…
Bị cáo trình bày hai ngày trốn chạy nhưng cảm giác dài đằng đẵng như hàng năm. Sau những dằn vặt lương tri, bị cáo quyết định đối diện với pháp luật, nên bắt xe đến trình diện với cơ quan công an. Tại cơ quan điều tra, Khải đã khai nhận đầy đủ hành vi của mình và giao nộp giấy phép lái xe; chiếc USB ghi lại hình ảnh diễn biến sự việc để phục vụ cho công tác điều tra.
Tại phiên tòa, bị cáo trình bày do sự chủ quan cùng thói quen dùng điện thoại làm việc riêng trong lúc lái xe đã khiến một người tử vong, bản thân rơi vào cảnh tù tội và bố mẹ khổ tâm. Khải gửi lời xin lỗi gia đình nạn nhân, mong tòa giảm nhẹ một phần hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.
Đại diện gia đình bị hại cho hay, trước đó từng suy nghĩ sẽ không tha thứ cho hành động của bị cáo. Tuy nhiên, sau đó Khải đã nhận lỗi, đã cùng người thân khắc phục hậu quả 130 triệu đồng. Họ cảm nhận được sự chân thành nên có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng cần xem xét một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như ăn năn hối lỗi, chủ động đầu thú và bồi thường khắc phục hậu quả. Cân nhắc toàn diện vụ án, tòa tuyên phạt Khải 36 tháng tù.