Nói 'đủ rồi' với du lịch
Vào cuối tháng 5, viện bảo tàng Louvre đóng cửa; công nhân đình công để phản đối tình trạng du khách đến chiêm ngưỡng các kiệt tác như bức họa Mona Lisa hay tượng nữ thần Venus de Milo đông nghẹt làm nơi này hết đường thở. Năm ngoái nơi này đón 10,2 triệu khách.
Tờ Atlantic dùng tin này để mở đầu cho một bài viết về tình trạng du khách bùng nổ ở nhiều nơi trên thế giới làm chính quyền lẫn người dân sở tại bắt đầu “dị ứng” với du lịch khi nhận ra lợi ích do ngành này đem lại không bù đắp nổi những thiệt hại cũng do du lịch gây ra.
Có thể kể hàng loạt ví dụ tương tự Louvre: Bãi biển ở Thái Lan, Mexico và Philippines bị tàn phá bởi du lịch; các di tích lịch sử ở Campuchia, Ấn Độ hay Rome bị hư hại; ngay chính đỉnh núi Everest cũng đông cứng người muốn chinh phục ngọn núi này dù phải đổi bằng tính mạng.
Điều lạ là xu hướng bão hòa với du lịch như thế bỗng diễn ra ở nhiều địa điểm, có thể do tình hình kinh tế sau khủng hoảng tạo điều kiện cho nhiều người đi du lịch hơn trước. Cũng có thể du khách chen nhau đến những địa điểm nổi tiếng quen thuộc, như Barcelona, dân số chỉ 1,6 triệu mà hàng năm phải đón đến 30 triệu du khách.
Tình hình ở Venice còn tệ hơn khi 50.000 người dân ở đây phải chào đón 20 triệu du khách hàng năm. Dẫn đầu trong lượng du khách đông đảo này là khách Trung Quốc, năm 2000 chỉ mới có 10,5 triệu người đi du lịch ở nước ngoài thì đến năm ngoái đã tăng lên 156 triệu lượt.
Mặc dù còn nhiều địa điểm vẫn ra sức quảng bá để thu hút khách du lịch, nhiều thành phố đã bắt đầu tìm cách hạn chế du khách. Có nơi đặt ra thuế du lịch như Amsterdam, Bali, Edinburgh, Ireland, Rome và Venice nhằm giảm lượng khách đến một địa điểm nào đó đồng thời lại tạo ra nguồn thu để cải thiện cơ sở hạ tầng giảm thiểu tác hại do ngành du lịch gây ra. Có nơi mạnh tay hơn như Rome cấm xe buýt chở du khách, Barcelona cấm rào một địa điểm tham quan để bán vé.
Riêng trường hợp Amsterdam, CNN có một bài dài về cách chính quyền thành phố này hạn chế du khách bởi họ sợ lượng du khách lên đến 18 triệu vào năm ngoái dự báo có thể tăng đến 42 triệu vào năm 2030, tức gấp 50 lần dân số nơi này. Các giải pháp gồm tìm cách hạn chế du khách “có vấn đề” bằng cách đóng cửa các địa điểm du lịch mà loại khách này nhắm đến; khuyến khích khách đến những nơi khác trên đất Hà Lan. Nói thẳng ra là Hà Lan muốn chấm dứt các tour đưa khách đến thăm khu đèn đỏ ở trung tâm Amsterdam kể từ đầu năm 2020 vì họ không muốn các cô hành nghề ở đây bị xem là “điểm đến du lịch”.
Một trong những điểm thu hút khách đến Amsterdam là hoa tulip, nhất là hoa ở vùng Bollenstreek ở ngoại ô Amsterdam. Nông dân trồng hoa ở đây phải rào chắn để ngăn du khách tràn vào vườn hoa để chụp ảnh. Thậm chí cơ quan quản lý du lịch nước này phải ra “nội quy” về cách chụp selfie với hoa tulip để ngăn các hành vi như dẫm lên hoa để chụp ảnh cho đẹp. Amsterdam cũng hạn chế cho mở các cửa tiệm chuyên phục vụ cho du khách cũng như cấm dịch vụ cho thuê nhà ngắn hạn Airbnb hoạt động ở nhiều khu đông đúc.
Quay trở lại biện pháp đánh thuế lên du lịch, tờ Business Insider cho biết hiện đang có 41 nước trên thế giới áp dụng loại thuế này. Du khách đến Nhật chẳng hạn, đóng thuế về nước 1.000 yen (hơn 200.000 đồng) kể từ đầu năm nay. Thật ra thuế này đã tính vào vé máy bay nên du khách không đóng trực tiếp.
New Zealand dự tính sẽ đánh thuế 35 đô la New Zealand (hơn nửa triệu đồng) vào nửa cuối năm nay. Nhiều nước châu Âu đánh thuế du lịch dựa trên số đêm ở khách sạn của khách. Ngay cả các nước Đông Nam Á cũng đánh thuế du lịch, như Bali ở Indonesia là 10 đô la hay Malaysia là 10 ringgit mỗi đêm.
Thư Kỳ
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/290272/noi-du-roi-voi-du-lich-.html