Nội dung kiến thức Toán cần lưu ý từ đề tham khảo

Thầy Huỳnh Hữu Đào Vũ, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), nhấn mạnh các nội dung kiến thức môn Toán cần lưu ý qua phân tích đề tham khảo.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Cụ thể, từng chuyên đề Toán trong đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2023 như sau:

Chuyên đề Tổ hợp - Xác suất: Gồm 2 câu hỏi trong đề thi (1 câu ở mức nhận biết - thông hiểu; 1 câu ở mức vận dụng), đều là các dạng câu hỏi quen thuộc thường xuất hiện trong các đề thi thử hoặc thi tốt nghiệp THPT. Học sinh dễ dàng xác định được hướng giải.

Chuyên đề Cấp số cộng - Cấp số nhân: Gồm 1 câu hỏi thuộc cấp độ nhận biết, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là dễ dàng chọn được đáp án đúng.

Chuyên đề Ứng dụng đạo hàm - Khảo sát hàm số: Gồm 10 câu hỏi trong đề và trải dài từ cấp độ nhận biết đến vận dụng cao. Hầu hết các câu hỏi trong đề thi thuộc các dạng bài quen thuộc; học sinh chỉ cần chăm chỉ học tập và ôn luyện là nhanh chóng tìm ra hướng giải. Ngoài ra, để giải quyết các câu hỏi vận dụng - vận dụng cao trong đề thi, học sinh cần vận dụng một cách linh hoạt các kiến thức về giá trị lớn nhất-nhỏ nhất, cực trị, tương giao hàm trị tuyệt đối,…

Chuyên đề Mũ và logarit: Gồm 8 câu hỏi và không xuất hiện các câu hỏi liên quan đến bài toán thực tế. Đặc biệt, câu hỏi vận dụng cao thuộc chuyên đề này là câu hỏi về giá trị lớn nhất - nhỏ nhất liên quan đến mũ - logarit. Để giải quyết bài toán này, học sinh cần linh hoạt trong cách biến đổi biểu thức và vận dụng kiến thức về hình học phẳng.

Chuyên đề Nguyên hàm - Tích phân và ứng dụng: Gồm 7 câu hỏi về nguyên hàm-tích phân, trong đó 2 câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng - vận dụng cao là có cách ra đề khá mới lạ. Để giải quyết các câu hỏi này, học sinh cần tinh ý trong việc phân tích các dữ kiện đề bài và áp dụng các kiến thức về nguyên hàm-tích phân hàm ẩn, về hàm số để giải quyết.

Chuyên đề Số phức: Gồm 6 câu hỏi trong đó để giải quyết câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng - vận dụng cao. Học sinh không chỉ cần nắm vững các kỹ năng biến đổi đại số mà còn cần vận dụng linh hoạt các đẳng thức về mô-đun số phức.

Chuyên đề Hình học không gian: Gồm 2 câu hỏi về góc và khoảng cách trong không gian thuộc kiến thức lớp 11. Đây đều là các câu hỏi quen thuộc, thường xuất hiện trong đề thi và có phương pháp giải cụ thể. Học sinh chỉ cần nắm bắt được phương pháp là có thể giải quyết các câu hỏi này.

Chuyên đề Khối tròn xoay: Gồm 3 câu hỏi trong đề thi và đều nằm trong các dạng bài quen thuộc, học sinh không gặp khó khăn khi giải quyết.

Chuyên đề Phương pháp tọa độ trong không gian: Gồm 9 câu hỏi và hầu hết đều là các dạng bài quen thuộc, học sinh đã có phương pháp giải. Riêng với câu hỏi thuộc cấp độ vận dụng cao, học sinh cần biết các phân tích các dữ kiện của đề bài kết với với các kiến thức về hình học không gian cổ điển, mặt cầu ngoại tiếp khối đa diện và kiến thức về hình học phẳng.

Ảnh minh họa/ITN.

Ảnh minh họa/ITN.

Về cấu trúc đề thi tham khảo năm môn Toán, thầy Huỳnh Hữu Đào Vũ cho biết không có nhiều thay đổi so với đề thi chính thức năm 2022. Điều này phù hợp với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp và tính định hướng trong hoạt động ôn tập của thí sinh. Tuy nhiên, trong đề vẫn có một số câu có cách hỏi mới, cách cho dữ kiện đề bài mới lạ, đòi hỏi năng lực đọc hiểu cao nếu thí sinh muốn lấy điểm tuyệt đối.

Cụ thể, về nội dung kiến thức, có 45/50 câu hỏi thuộc chương trình khối 12 và 5/50 câu thuộc chương trình khối 11. 39 câu đầu của đề thể hiện những điều cần đạt cho mục tiêu tốt nghiệp THPT. Tính phân loại chủ yếu nằm ở 11 câu cuối.

Với các câu hỏi ở mức độ nhận biết - thông hiểu, học sinh đã được học và luyện tập, chỉ cần nắm vững kiến thức căn bản là có thể dễ dàng giải quyết.

Với các câu hỏi ở mức độ vận dụng, nhiều câu hỏi vận dụng thực tiễn ở cấp độ đơn giản, hướng học sinh đến năng lực đọc hiểu và mô hình hóa để giải quyết vấn đề.

Với các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao (câu 42, 47, 49, 50), bên cạnh các dạng bài quen thuộc (hàm số, mũ và logarit, tích phân, hình học ,…) thì câu hỏi 49 liên quan đến quỹ tích điểm thỏa mãn điều kiện cho trước là điểm hoàn toàn mới, mang tính phân loại cao. Học sinh phải huy động nhiều kiến thức: hình học thuần túy, phương pháp tọa độ,… mới có thể giải quyết được.

Tương quan ma trận đề tham khảo năm 2023 và đề chính thức 2022 môn Toán được thầy Huỳnh Hữu Đào Vũ phân tích như sau:

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/noi-dung-kien-thuc-toan-can-luu-y-tu-de-tham-khao-post628741.html