Nội dung sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được pháp luật quy định như thế nào?

* Bạn đọc Trần Thanh Tâm ở xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết nội dung sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 181 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể như sau:

Nội dung sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa:

1. Hỗ trợ người có công hoặc thân nhân của họ khi gia đình gặp khó khăn hoặc khi ốm đau, khám, chữa bệnh.

2. Hỗ trợ địa phương có nhiều đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi người có công mà nguồn vận động ủng hộ thấp.

3. Tặng quà đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công.

4. Hỗ trợ để xây dựng và sửa chữa nhà ở đối với người có công hoặc thân nhân liệt sĩ.

5. Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ.

6. Các hoạt động phục vụ công tác quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa (mua sắm trang thiết bị, vật tư văn phòng, văn phòng phẩm, dịch vụ công cộng và các khoản chi khác), các hoạt động tuyên truyền, khen thưởng, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Các khoản chi tại khoản này không được vượt quá 5% tổng số thu hằng năm của Quỹ Đền ơn đáp nghĩa từng cấp.

* Bạn đọc Nguyễn Diệu Hoa ở phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng, hỏi: Việc thanh tra lại được thực hiện khi nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 56 Luật Thanh tra. Cụ thể như sau:

1. Việc thanh tra lại được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra;

b) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra;

c) Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra;

d) Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;

đ) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

2. Thời hiệu thanh tra lại là 2 năm kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra.

3. Kết luận thanh tra lại phải có các nội dung theo quy định của luật này và phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra của cuộc thanh tra trước đó.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/noi-dung-su-dung-quy-den-on-dap-nghia-duoc-phap-luat-quy-dinh-nhu-the-nao-732125