Nội dung thi tốt nghiệp THPT chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12

Thi tốt nghiệp THPT để đánh giá kết quả học tập của người học; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học; các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả thi để tuyển sinh.

Theo văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT Bộ GDĐT mới ban hành hôm 4/5, việc thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình GDTX cấp THPT; lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục.

Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải đảm bảo yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng.

Theo Quy chế, Kỳ thi tổ chức với 5 bài thi gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp KHTN (gồm các môn thi thành phần là Vật lí, Hóa học, Sinh học); 1 bài thi tổ hợp KHXH (gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.

Trong đó, các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Thời gian làm bài thi môn Ngữ văn là 120 phút, Toán 90 phút, Ngoại ngữ 60 phút, và mỗi môn thi thành phần của bài thi KHTN và KHXH là 50 phút.

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Ngày thi, lịch thi được quy định trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm của Bộ GDĐT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra trong 2 ngày 07-08/7 (ảnh minh họa)

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra trong 2 ngày 07-08/7 (ảnh minh họa)

Ban Chỉ đạo thi các cấp

Theo Quy chế, Bộ trưởng Bộ GDĐT thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia gồm: Trưởng ban là Thứ trưởng Bộ GDĐT, các Phó Trưởng ban là lãnh đạo các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ GDĐT, các ủy viên là lãnh đạo đơn vị liên quan thuộc Bộ GDĐT, Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh gồm: Trưởng ban là Lãnh đạo UBND; các Phó Trưởng ban là lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan của tỉnh, trong đó, Phó Trưởng ban Thường trực là Giám đốc Sở GDĐT hoặc Phó Giám đốc Sở GDĐT; các ủy viên là lãnh đạo các phòng của Sở GDĐT, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và lãnh đạo UBND cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; và các thư ký.

Mỗi tỉnh tổ chức một Hội đồng thi, do Sở GDĐT chủ trì, để tổ chức thi cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Mỗi Hội đồng thi có các Điểm thi để tổ chức khâu coi thi trong kỳ thi. Giám đốc Sở GDĐT ra quyết định thành lập Hội đồng thi và các Ban của Hội đồng thi.

Cũng theo Quy chế, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi và công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại các địa phương, trường hợp cần thiết sẽ do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định,

Chánh Thanh tra tỉnh cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cử người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại địa phương theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Chánh Thanh tra Sở GDĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT của sở GDĐT, trường hợp cần thiết, do Giám đốc Sở GDĐT quyết định.

Bộ GDĐT hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra thi theo quy định của pháp luật.

P.Anh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/noi-dung-thi-tot-nghiep-thpt-chu-yeu-nam-trong-chuong-trinh-lop-12-20210505161400159.htm