Nội dung tọa đàm 'Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc'

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu nội dung Tọa đàm 'Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc', tổ chức ngày 16/10.

Các vị khách mời tham gia Tọa đàm - Ảnh: VGP/Hải Minh

Các vị khách mời tham gia Tọa đàm - Ảnh: VGP/Hải Minh

Thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp quyết liệt cho vấn đề này, đặc biệt là Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, trong đó dành hẳn một phần quan trọng cho việc đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

Tuy nhiên, vấn đề phát triển thanh toán điện tử hiện nay vẫn còn khá nhiều rào cản. Để giúp người tiêu dùng có thể nhìn nhận rõ hơn về những lợi ích của việc thanh toán điện tử và an tâm hơn khi sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc”.

Các vị khách mời tham gia cuộc Tọa đàm trực tuyến:

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel.

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).

Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã tham gia cuộc tọa đàm ngày hôm nay!

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay?

Ông Đặng Hoàng Hải: Những con số thực tế cho chúng ta thấy các xu hướng trong xã hội đang chuyển biến rất nhanh và theo hướng không dùng tiền mặt. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước 6 tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tăng lên 30%, giá trị giao dịch không dùng tiền mặt tăng 18%. Tôi cho đó là những con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ chúng ta sẽ thấy các mảng không đồng đều trong giao dịch không dùng tiền mặt, chẳng hạn như thương mại điện tử, hiện nay phổ biến vẫn sử dụng tiền mặt (khi hàng giao đến thì trả tiền mặt cho người giao hàng), đó cũng là rào cản đáng kể cho chúng ta.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương - Ảnh: VGP/Hải Minh

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương - Ảnh: VGP/Hải Minh

Ông Phạm Trung Kiên: Trong năm 2019, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử số 1 thế giới. Con số này chưa nói lên nhiều điều lắm, nhưng bản chất chúng ta đang xuất phát từ nền rất thấp, chúng ta đi từ không có gì nhưng chúng ta đi rất nhanh. Tôi đồng ý với anh Hải, tiền mặt đang được gọi là “vua” ở Việt Nam, 90% các giao dịch là tiền mặt. Với việc phát triển hàng trăm công ty fintech (công ty về lĩnh vực công nghệ - tài chính), hàng chục công ty thanh toán trên thị trường hiện nay, thì chứng tỏ, việc phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam rất tiềm năng, tuy nhiên, chúng ta cần tập trung phát triển tính năng, ứng dụng dành cho người sử dụng. Có thể nói, hầu hết giá trị giao dịch và số lượng giao dịch tập trung vào một số loại hình đơn giản, cơ bản như: Dịch vụ chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, thanh toán tiền điện, nước, tiền truyền hình.

Thưa ông Phùng Anh Tuấn, với thực trạng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam như trên và xu hướng đẩy mạnh các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới thì hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nào sẽ chiếm được lợi thế nhất?

Ông Phùng Anh Tuấn: Nếu để nói chính xác thì không ai khẳng định được đâu là lĩnh vực phát triển nhất, lĩnh vực nào nhiều doanh thu nhất. Theo một báo cáo gần đây thì hiện tại có 154 công ty hoạt động về fintech ở Việt Nam, chủ yếu là mảng thanh toán điện tử, sau đó là lĩnh vực cho vay và có 22 công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa và các khoản nợ thanh toán. Số lượng chưa phải là quá nhiều nhưng dư địa còn lại là rất lớn và nhiều tiềm năng như cho vay ngang hàng P2P, huy động vốn từ các cộng đồng lớn qua mạng internet, qua các kênh khác nhau là ngân hàng điện tử, ngân hàng mã hóa… Đến nay, những mảng này chưa có công ty nào làm cả, có thể là do chúng ta thiếu khung pháp lý, thiếu cơ chế của cơ quan quản lý. Đó là những lĩnh vực tôi cho là còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Hiện nay, điều đáng tiếc là hệ thống pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử và thanh toán tài khoản viễn thông vẫn chưa có. Theo ông, phải bắt đầu xây dựng hệ thống chính sách này như thế nào?

Ông Đặng Hoàng Hải: Tất cả các chính sách đều bắt nguồn từ cuộc sống. Hiện nay, Cục đã có rất nhiều ý kiến tích cực về việc có thể thanh toán qua tài khoản viễn thông. Theo chỉ đạo của Chính phủ, đã có nhiều báo cáo đánh giá, đặc biệt là báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhà nước phân tích về thất bại, rủi ro cũng như hiện thực hóa thanh toán bằng tài khoản viễn thông. Gần đây nhất, Bộ Công Thương đã nhận được góp ý cho Nghị định 101 về thanh toán qua tài khoản viễn thông. Chúng tôi nghĩ với sự chuẩn bị như thế, chúng ta sẽ sớm có hành lang pháp lý tốt để thanh toán qua tài khoản viễn thông.

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) - Ảnh: VGP/Hải Minh

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) - Ảnh: VGP/Hải Minh

Ông có thể so sánh một chút với các nước trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển và các nước kém phát triển như ở châu Phi thì họ đang có những chính sách hỗ trợ dịch vụ này như thế nào?

Ông Phùng Anh Tuấn: Theo tìm hiểu sơ bộ thì các nước hoàn toàn ý thức được việc này, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, một khu vực rất năng động với các nước như: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, họ đều có bước đi sớm và mở rộng cửa để phát triển fintech, họ đã đi trước Việt Nam tương đối trong lĩnh vực này trên hầu hết các phương diện. Vì vậy, trong khu vực, chúng ta có một khoảng cách lớn cần sớm bắt kịp, tuy nhiên, chúng ta có lợi thế với dân số lớn cùng với khung chính sách của Chính phủ từ Quyết định 999/QĐ-Ttg phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ đến Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, đây là những nỗ lực rất lớn từ tầng lớp quản lý Nhà nước. Nhưng để triển khai thực hiện những chính sách đó làm sao để người chơi, doanh nghiệp cung cấp, người tiêu dùng có thể tham gia vào thì cần có những bước hiện thực hóa, quy định bằng những chính sách cụ thể.

Hiện nay, trong hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam, tỷ lệ thanh toán COD vẫn chiếm khá cao. Vậy làm thế nào để có thể chuyển đổi tỷ lệ giữa thanh toán khi giao hàng sang thanh toán điện tử, thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân, thưa ông?

Ông Đặng Hoàng Hải: Tôi nghĩ ngoài việc chúng ta tuyên truyền cũng như làm người dân hiểu lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt thì chúng ta phải tạo ra trải nghiệm cho người dân thấy rằng thực sự việc thanh toán không tiền mặt đem lại nhiều lợi ích, những trải nghiệm đó phải dễ dàng, bảo vệ lợi ích của người dân, đặc biệt là bảo đảm sự an toàn. Khi nói đến thanh toán điện tử thì độ phủ của nó lớn hơn rất nhiều, đặc biệt trong những vùng sâu, vùng xa, khi mà người dân chưa có tài khoản ngân hàng, thì đấy là một trong những phương tiện rất tốt để giúp ích cho người dân ở những vùng như vậy.

Có ý kiến cho rằng: Nếu dùng tài khoản viễn thông sẽ giúp 100% người dân thanh toán không dùng tiền mặt nhưng lại là thách thức với ngân hàng. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào? Ngân hàng cần phối hợp với các nhà mạng như thế nào để cùng phát triển?

Ông Phạm Trung Kiên: Tôi nghĩ là đánh giá việc triển khai sử dụng viễn thông để thanh toán và mua bán hàng hóa dịch vụ giá trị nhỏ là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng, bản chất cái tên của Đề án có một chữ là giá trị nhỏ. Giá trị nhỏ chúng tôi đang hiểu là những thứ như uống cốc trà đá, cái vé gửi xe, mua bánh xà phòng, mua cái bánh mỳ hay cốc cà phê…, những thanh toán nhỏ lẻ trong cuộc sống hằng ngày từ xưa đến nay chưa ai sử dụng tài khoản ngân hàng. Khi có thói quen không dùng tiền mặt, có thói quen rút điện thoại ra để trả tiền thì khi người dân đã quá quen với cuộc sống hằng ngày sử dụng tiền điện tử, sử dụng phương tiện thanh toán điện tử thì khi họ tiêu khoản tiền lớn hơn như mua cái xe máy, mua cái xe đạp hay cần một khoản tiền làm ăn thì khi đó, họ sẽ điện tử hóa, cách duy nhất chính là sử dụng ngân hàng điện tử. Theo nghiên cứu hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 30% dân số tuổi trưởng thành có tài khoản ngân hàng, vậy 70 % còn lại khi đã tạo được thói quen đủ cho người dân thì không chỉ là 30% mà sẽ là 70% người dân có tài khoản ngân hàng, vì họ đã quá quen với mobile money, với sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán.

Thưa ông Phạm Anh Tuấn, làm thế nào để chúng ta thay đổi thói quen tiêu dùng của người Việt Nam hiện nay?

Ông Phùng Anh Tuấn: Theo quan sát của tôi, cuộc chơi đang thay đổi nhanh chóng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở quốc tế nên chúng ta sẽ ảnh hưởng bởi những công nghệ mới, những thay đổi mới trên thế giới. Xu hướng mới trên thế giới có rất nhiều dạng ngân hàng chứ không chỉ là ngân hàng truyền thống như trước nữa, bên cạnh đó là ngân hàng điện tử và các đơn vị trung gian thanh toán, có những đơn vị không phải ngân hàng cũng đứng ra thực hiện nhiệm vụ ngân hàng, người ta có công nghệ để làm chuyện đó. Điều đó làm cho độ phổ biến của thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng hoặc qua các phương tiện khác trở nên cực kỳ dồi dào và phát triển. Đây không chỉ là quyết định của một cá nhân, một công ty mà là xu hướng toàn cầu, vì vậy chúng ta phải xem xét làm thế nào để bắt kịp xu hướng đó, bởi cuộc chơi thanh toán không chỉ dừng ở trong biên giới quốc gia mà là quốc tế. Nếu chúng ta muốn phát triển, đủ khả năng cạnh tranh thì phải chơi cuộc chơi theo quy luật quốc tế.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel - Ảnh: VGP/Hải Minh

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel - Ảnh: VGP/Hải Minh

Quan điểm của ông như thế nào về các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và nếu Chính phủ đồng ý triển khai thanh toán bằng tài khoản viễn thông thì ông có kì vọng như thế nào vào chính sách này?

Ông Phạm Trung Kiên: 2 - 3 năm trở lại đây, xuyên suốt từ Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng cũng như các hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực thanh toán điện tử này đã có sự quan tâm hơn nhiều, các điều kiện pháp lý cũng thuận lợi hơn rất nhiều để tạo đà cho phát triển các dịch vụ mới, các dịch vụ hiện đại theo chủ trương đẩy mạnh Cách mạng 4.0 của Chính phủ. Tôi kỳ vọng việc Thủ tướng đồng ý chủ trương thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ bằng tài khoản viễn thông sẽ là điểm bùng phát cho thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Nếu mobile money được triển khai rộng rãi thì Bộ Công Thương và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số có những chính sách gì để cùng phối hợp phát triển với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông?

Ông Đặng Hoàng Hải: Tôi nghĩ là có rất nhiều việc để chúng tôi cùng làm với nhau. Tôi muốn nhắc lại, trong giao dịch ngày nay, tiền mặt vẫn là phổ biến và phải nhìn nhận đó không có gì là xấu cả bởi thanh toán tiền mặt đã tạo ra sự bùng nổ của phát triển thương mại điện tử trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, việc thanh toán nhiều bằng tiền mặt sẽ làm xói mòn niềm tin giữa người tiêu dùng và các nhà kinh doanh, nó là rào cản đối với thương mại điện tử. Với việc thanh toán bằng mobile money, chúng tôi nghĩ rằng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, những tranh chấp trong thương mại điện tử sẽ được giải quyết rất dễ dàng, độ tin cậy rất cao và các trải nghiệm của người tiêu dùng sẽ nói lên lợi ích khi người dân tham gia không dùng tiền mặt.

Một số vụ việc mà cơ quan quản lý phát hiện vừa qua cho thấy vẫn có thể có rủi ro trong việc thúc đẩy, phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó có kênh thanh toán bằng tài khoản viễn thông? Theo ông phải xử lý rủi ro đó như thế nào?

Ông Phùng Anh Tuấn: Tôi nghĩ là thanh toán điện tử hay thanh toán không dùng tiền mặt hoặc những giao dịch qua internet thì cái nào cũng có rủi ro, vấn đề là mình dùng như thế nào. Theo quan sát của chúng tôi, những vụ việc như đánh bạc online hoặc vụ việc từ thương mại điện tử phát sinh đều bắt nguồn từ con người chứ không phải từ công nghệ, công nghệ chỉ là công cụ cho con người sử dụng và cơ chế để con người sử dụng như thế nào mới là vấn đề. Khi người ta có công cụ và lại phát hiện ra những lỗ hổng để có thể kiếm tiền nhanh qua những con đường tắt thì người ta sẽ sử dụng. Tôi nghĩ đi cùng thanh toán điện tử, đi cùng công nghệ thanh toán qua mạng thì cũng sẽ có những cách để chống lại những giả tạo đó.

Là một đơn vị cung cấp dịch vụ, Viettel đã có sự chuẩn bị như thế nào hay có những ứng dụng gì để có thể bảo vệ người tiêu dùng, tránh những rủi ro có thể xảy ra nhất?

Ông Phạm Trung Kiên: Ở góc độ là nhà mạng, chúng tôi đã sẵn sàng. Chúng tôi đã triển khai dịch vụ thanh toán điện tử được 8 năm. Với Viettel, chúng tôi làm chủ công nghệ liên quan đến viễn thông, cổng thông tin để chủ động bảo vệ người dùng từ phía nhà mạng. Với những giải pháp này, chúng tôi khá tự hào. Hiện nay, Viettel đã sẵn sàng triển khai mobile money một cách an toàn cho hệ thống người dùng lớn chưa từng có trong lịch sử Việt Nam khi thanh toán điện tử.

Ông đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị và sự sẵn sàng về mặt kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin để mở rộng phát triển thanh toán bằng tài khoản viễn thông hiện nay của tất cả các nhà mạng trên toàn quốc?

Ông Phạm Trung Kiên: Nhìn chung, các nhà mạng đều có điểm tương đồng với nhau về sự chuẩn bị kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin. Có thể khẳng định, thanh toán sử dụng tài khoản mobile money kỳ vọng sẽ có hàng chục triệu người sử dụng. Hiện nay, số người sử dụng thanh toán điện tử trên mobile internet chỉ có vài triệu người. Lượng người sử dụng tài khoản mobile money gấp hàng chục lần. Chính vì vậy, cần có cơ sở hạ tầng vô cùng mạnh để đáp ứng lượng giao dịch khổng lồ.

Thứ hai, cần đáp ứng về mặt công nghệ để đáp ứng tính tiện dụng. Làm thế nào để về mặt công nghệ, mặt hạ tầng đáp ứng lượng giao dịch khổng lồ trong thời gian ngắn nhất thì thanh toán điện tử không dùng tiền mặt mới đi vào cuộc sống. Chính vì vậy, các nhà mạng phải chuẩn bị thay đổi về mặt hạ tầng, kiến trúc, hệ thống rất nhiều.

Trái tim của một nhà mạng là hệ thống tính cước, cộng trừ tiền trong tài khoản do chính Viettel tự sản xuất. Viettel là một trong số ít công ty ở Việt Nam có thể tự sản xuất được hệ thống này. Cho nên chúng tôi rất tự tin có thể tùy biến hệ thống này để đáp ứng cho mobile money.

Với tất cả sự chuẩn bị như vậy, tôi tin rằng các nhà mạng đã sẳn sàng cho việc triển khai diện rộng mobile money.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu Chính phủ và dịch vụ công đi đầu trong việc ứng dụng thanh toán điện tử thì cũng là một cơ sở để người dân có thiện cảm hơn với thanh toán điện tử, đồng thời xây dựng thói quen từ những hoạt động giao tiếp hằng ngày với cơ quan chính phủ. Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

Ông Đặng Hoàng Hải: Quan điểm như vậy là rất chính xác. Đây cũng là một trong những điểm mà chúng tôi đã dồn rất nhiều nguồn lực để thực hiện.

Dịch vụ công trực tuyến hiện nay là một trong những mảng có tỷ lệ thanh toán điện tử khá thấp. Một trong những vướng mắc liên quan đến chính sách về phí hiện nay. Các cơ quan hiện nay thu phí, số phí để chuyển về kho bạc ngân, chuyển về ngân sách nhà nước đúng như số phí mà các cơ quan đã thu, cho nên số phí để trả cho nhà cung cấp dịch vụ là không có.

Chính phủ đã ban hành Nghị định thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường trực tuyến, trong đó có quy định về việc trả phí cho nhà cung cấp dịch vụ để thanh toán dịch vụ công.

Hiện nay, một số bộ, trong đó có Bộ Công Thương đã sử dụng thẻ thông minh của Bộ Công Thương để thanh toán dịch vụ công. Tuy nhiên, vẫn còn gặp vướng mắc trong quá trình triển khai nên chưa phát triển nhanh. Với sự cởi trói trong chính sách, sắp tới chúng ta sẽ có nhiều cải thiện trong việc thanh toán dịch vụ công trực tuyến.

Xin ông Kiên chia sẻ thêm về vấn đề này?

Ông Phạm Trung Kiên: Tôi hoàn toàn đồng ý với anh Hải. Đây là một việc rất tốt. Khi triển khai những dịch vụ thanh toán điện tử, người dân cần phải thấy được giá trị thiết thực tạo ra cho mình. Bằng việc tiết kiệm chi phí cho nhà nước trong việc số hóa và thanh toán cũng như tiết kiệm thời gian, công sức đi lại cho người dân, họ sẽ thấy được giá trị thực sự. Việc thuyết phục người dân sử dụng thanh toán điện tử trở nên dễ dàng, đôi khi sẽ trở thành trào lưu. Cần những cú hích mạnh, những chủ trương xuyên suốt của Chính phủ như vậy.

Tôi mong rằng khi đi khám bệnh, đóng tiền học…, sẽ không còn cảnh chen chúc xếp hàng. Trong nhiều trường hợp nguy cấp, người dân vẫn phải chờ đóng tiền để được khám bệnh, cấp cứu.

Thưa ông Phùng Anh Tuấn, ông có chia sẻ gì về sự phối hợp giữa Chính phủ và các nhà mạng?

Ông Phùng Anh Tuấn: Chúng tôi thấy rằng thách thức hiện nay là làm thế nào để có sự thay đổi trong quản lý thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, những công nghệ mới. Quan điểm của chúng tôi là làm thế nào để tối ưu hóa những kênh, phương tiện cho thanh toán điện tử để người dùng có thể sử dụng, có những phương tiện thay thế cho tiền mặt và sử dụng một cách rất dễ dàng, không cần phải giấy tờ, không cần phải xếp hàng. Làm thế nào để tối đa hóa độ dễ dàng trong việc sử dụng nhằm thu hút người dùng.

Tạo điều kiện ở đây là điều kiện về thể chế, điều kiện về pháp luật, điều kiện về chính sách cho các doanh nghiệp hoạt động. Một trong những điều quan trọng chúng ta được nghe nhiều trên các phương tiện gần đây là cơ chế sandbox - cơ chế cấp phép thử cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Tuy nhiên, cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa biết nội dung cơ chế đó như thế nào, khuyến khích doanh nghiệp tham gia thanh toán điện tử ra sao. Đó phải là cơ chế mới, cắt ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục chứ không phải trở thành một giấy phép con mới.

Khi nghe chia sẻ của ông Tuấn, ông đánh giá, nhận xét như thế nào, quan trọng nhất là về cơ chế hành chính tại Việt Nam?

Ông Đặng Hoàng Hải: Tôi nhắc lại quan điểm của tôi, thực ra cuối cùng vẫn là sự trải nghiệm. Nếu người tiêu dùng trải nghiệm với những phương pháp dễ dàng, đem lại lợi ích thì sự bùng nổ là chắc chắn. Đó chính là nhiệm vụ của những người hoạch định chính sách nhà nước, các doanh nghiệp.

Viettel đã có sự chuẩn bị như thế nào về những chính sách thu hút khách hàng?

Ông Phạm Trung Kiên: Sự chuẩn bị, bước đi của marketing, truyền thông cho những sản phẩm, dịch vụ mới là khó. Chúng ta đã thuyết phục người dân nhiều năm nay, chúng ta có hơn 40 ngân hàng, hàng trăm tổ chức trung gian thanh toán đang tìm cách chuyển đổi hành vi người sử dụng từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt. Hiện nay cách làm phổ biến nhất trên thị trường là khuyến mại và giảm giá để người dân nhìn thấy rằng, thay vì rút tiền mặt hết 10 đồng, thì thanh toán điện tử mất 8 đồng. Cách làm này không sai, có lợi là khách hàng sẽ sử dụng, những tổ chức có thể sử dụng những nguồn thu từ chỗ khác để bù đắp, hoặc dùng nguồn tiết kiệm chi phí do điện tử hóa để bù đắp, khuyến khích khách hàng sử dụng thử.

Cách thứ hai, chúng ta có thể đưa ra giá trị không thể từ chối. Ví dụ, hiện nay, tiền điện không được thu tại nhà nữa chẳng hạn. Không có người thu, người dân sẽ phải tìm cách thanh toán bằng điện tử. Với các công ty viễn thông như chúng tôi, hiện có 6 đến 7 triệu khách hàng hằng tháng phải nộp tiền truyền hình, internet… Chúng tôi còn rất ít khách hàng muốn thu tại nhà. Chúng tôi cũng phải đưa ra một lợi ích, là khách hàng muốn có người đến thu tận nhà thì phải nộp thêm tiền, nếu khách hàng thanh toán điện tử, sẽ được giảm giá.

Một cách tiếp theo, ở mặt sản phẩm, nhà cung cấp dịch vụ phải tạo ra giá trị nhanh, tiện và an toàn. Điện tử là cái gì đó hơi xa vời, mông lung, khó cầm nắm. Việc an toàn, tiện dụng, tạo ra giá trị thật sự sẽ làm cho người tiêu dùng an tâm sử dụng.

Ông có lời khuyên nào đối với người tiêu dùng Việt Nam?

Ông Phùng Anh Tuấn: Trong lĩnh vực thanh toán điện tử, các dịch vụ thanh toán, điều kiện để cho các doanh nghiệp trong nước cũng như ngoài nước hoạt động, các quy định trong thương ước, có những cam kết mà Việt Nam đã cam kết rất nhiều, rất sâu, rất rộng. Đặc biệt, EVFTA và CPTPP là 2 thương ước lớn trong khối thương mại mà Việt Nam tham gia trải rộng toàn cầu, trong lĩnh vực đó thì thanh toán thương mại điện tử, dịch vụ tài chính là một cam kết giống nhau trong 2 thương ước đó. Nếu chúng ta có những quy định làm hạn chế việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì chúng ta vô hình chung vi phạm.

Tôi nghĩ vấn đề an ninh tài chính, an ninh tiền tệ là rất cần, rất quan trọng nhưng chúng ta phải lưu ý đến việc nhắm đến hướng đối tượng cụ thể chứ không chung chung hạn chế, bởi hạn chế chung chung thì đối với tất cả các nước tham gia vào 2 thương ước trên, họ có thể từ khiếu nại cho đến kiện, đến đòi bồi thường ở mức doanh nghiệp đến mức quốc gia. Đó là những lưu ý khi chúng ta xây dựng khung pháp lý, khung thể chế chính sách cho hoạt động thanh toán điện tử cần.

Ông có lưu ý nào muốn chia sẻ với người tiêu dùng không?

Ông Đặng Hoàng Hải: Tôi nghĩ rằng, trải nghiệm là rất quan trọng nên người tiêu dùng cần mạnh dạn trải nghiệm, chỉ có trải nghiệm chúng ta mới hiểu được cái tốt của công cụ cũng như các phương án thanh toán, đặc biệt là thanh toán không tiền mặt.

Sắp tới, chúng tôi có chương trình rất lớn là Online Friday đưa ra cho người tiêu dùng các trải nghiệm về mua sắm trên thương mại điện tử, đồng thời cũng đưa trải nghiệm về thanh toán không dùng tiền mặt. Đó là những trải nghiệm rất tốt cho người tiêu dùng và tôi cũng hy vọng tình hình sẽ thay đổi.

Tôi có lời khuyên là “Hãy mạnh dạn trải nghiệm”.

Thưa ông Kiên, Viettel đã có những trải nghiệm như thế nào đối với người tiêu dùng?

Ông Phạm Trung Kiên: Viettel cũng là đơn vị đồng hành cùng Online Friday, qua trải nghiệm thì chúng tôi cũng muốn làm sao để khách hàng cảm thấy có giá trị tiện dụng và mời dùng thử. Có rất nhiều thứ mà chính mình không trải nghiệm, không thấy thích, không thấy ưng thì sẽ không sử dụng được. Hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử trên thị trường hiện nay đều phải làm một việc là giáo dục khách hàng, người dùng trải nghiệm tạo thói quen bằng những chương trình khuyến mại, chương trình kích thích để người dùng quen những tính năng cơ bản, sau đó chúng ta sẽ dần dần đưa thêm những trải nghiệm mới hơn, phức tạp hơn, tinh vi hơn, hiện đại hơn cho khách hàng. Đó là cả một hành trình rất dài, có thể tính bằng năm.

Thưa quý vị và các bạn!

Thương mại điện tử là xu hướng của toàn cầu và bất kỳ một dịch vụ nào cũng có những rủi ro và lợi ích đi kèm, nhưng thương mại điện tử sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn rủi ro. Quan trọng là người tiêu dùng hãy trải nghiệm thương mại điện tử và làm chủ các ứng dụng của mình.

Cảm ơn 3 vị khách mời đã dành thời gian tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi!

Kính chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong chương trình tiếp theo!

Nhóm PV

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/khoa-hoc-cong-nghe/noi-dung-toa-dam-thuc-day-thanh-toan-dien-tu-tren-toan-quoc/377665.vgp