Nội dung trọng tâm và cách khắc phục lỗi sai của 3 môn thi lớp 10

Hơn 106.000 sỹ tử chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 tại Hà Nội đang trong giai đoạn ôn tập nước rút trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Các giáo viên giàu kinh nghiệm lưu ý thí sinh một số cách thức để làm bài đạt kết quả tốt nhất.

Học sinh lớp 9 quận Ba Đình thực hiện bài khảo sát chất lượng

Học sinh lớp 9 quận Ba Đình thực hiện bài khảo sát chất lượng

Môn toán

Cô Bùi Thị Phương Dung (giáo viên toán Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình) cho biết, từ đề minh họa môn toán kỳ thi lớp 10 do Sở GD&ĐT công bố cùng đề thi năm trước, học sinh lưu ý một số nội dung trọng tâm như: biểu thức đại số, tính giá trị biểu thức đại số, rút gọn biểu thức đại số, tìm giá trị lớn nhất - giá trị nhỏ nhất, tìm x thỏa mãn điều kiện cho trước, ứng dụng toán học vào thực tế, giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình; các khối hình trong không gian, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn, hàm số bậc nhất, hàm số bậc hai, hình học, bất đẳng thức, phương trình vô tỉ…

Khi làm bài thi môn toán, thí sinh thường mắc các lỗi: tính toán sai do cẩu thả, thiếu điều kiện, không so lại điều kiện để mất hoặc dư nghiệm; đọc sai hoặc thiếu ý của đề, trình bày vắn tắt, không đủ bước làm, chữ viết khó đọc, vẽ hình sai, vẽ thiếu nét hoặc thiếu tên điểm.

Để khắc phục các lỗi trên, thí sinh cần chuẩn bị dụng cụ đầy đủ (bút viết, thước, compa, thước đo độ,…) để vẽ hình chính xác. Khi bắt đầu tính giờ làm bài, học sinh đọc đề cẩn thận, đánh dấu các câu dễ, quen thuộc, gạch các từ khóa quan trọng, câu dễ làm trước, khó làm sau, làm sớm bài hình, câu nào không làm được trọn vẹn vẫn viết vào bài thi; đọc soát lại bài làm trước khi nộp…

Môn ngữ văn

Cô Lê Ngọc Diệp (giáo viên môn ngữ văn, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình) tư vấn: học sinh nên ôn tập theo từng chủ đề như: hoàn cảnh sáng tác; đề tài - chủ đề của các tác phẩm; bố cục - mạch cảm xúc trong thơ; ngôi kể; tình huống; nhân vật chính trong các tác phẩm truyện đã học… Các em có thể lập bảng tổng hợp hoặc sơ đồ tư duy; chú trọng ôn tập Tiếng Việt, thành thạo trong việc phát hiện/nhận biết các biện pháp nghệ thuật, hiểu và trình bày được tác dụng của mỗi biện pháp nghệ thuật. Cùng với đó nên làm nhiều đề luyện để rèn nhiều kỹ năng làm bài, kỹ năng đọc hiểu yêu cầu của đề bài, tránh tình trạng lạc đề.

Khi làm bài cần lưu ý: dạng câu hỏi thuộc nhớ chỉ cần trả lời đúng, đủ, diễn đạt ngắn gọn. Dạng câu hỏi đọc hiểu về hiệu quả của biện pháp nghệ thuật hay lý giải nội dung ý nghĩa của chi tiết, vấn đề trong văn bản cần rõ ràng, chi tiết, cụ thể; có thể tách ý, xuống dòng, trả lời từng ý; diễn đạt bằng các câu văn nối tiếp nhau; không nên chỉ trả lời vài từ, cụm từ sơ sài. Nếu đề bài yêu cầu phát hiện, chỉ ra biện pháp tu từ thì cần phải gọi chính xác tên biện pháp và nêu chi tiết có sử dụng biện pháp đó.

Dạng bài viết đoạn văn nghị luận văn học: đọc hiểu đề, gạch chân từ khóa trong đề và viết nháp; cần rèn luyện để tránh viết đoạn văn nghị luận nhưng sa vào kể chuyện hoặc chỉ diễn xuôi lại ý thơ, quên phân tích biện pháp nghệ thuật tương ứng mỗi nội dung trong từng đoạn thơ, quên nhận xét nghệ thuật nổi bật sau khi phân tích truyện.

Dạng bài viết nghị luận xã hội cần hiểu yêu cầu của đề bài, xác định đúng hướng chủ đề bàn luận là yêu cầu căn bản. Bài viết có hệ thống luận điểm rõ ràng, nhấn mạnh vào luận điểm quan trọng, có dẫn chứng thuyết phục; đáp ứng hai yêu cầu, diễn đạt rõ ràng, ít mắc lỗi diễn đạt. Bài viết tránh đưa ra nhận định, suy nghĩ theo hướng tiêu cực, quy chụp và sa vào chê bai, phê phán người khác. Trước những mặt trái, tiêu cực còn tồn tại trong cuộc sống thì rút kinh nghiệm cho bản thân, đưa ra lời khuyên, giải pháp, hướng khắc phục cho bản thân và mọi người.

Môn tiếng Anh

Cô Nguyễn Thị Mai Hương (giáo viên trường THCS Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ cách thức ôn và những lỗi sai dễ gặp phải khi làm bài thi môn tiếng Anh.

Trước hết, các em cần nắm được cấu trúc đề tiếng Anh (bao gồm: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, kỹ năng đọc, viết), những loại câu hỏi thường gặp (tìm từ có phần gạch chân phát âm khác với những từ còn lại, tìm từ đồng nghĩa, tìm từ thích hợp điền vào chỗ trống,…) và hệ thống lại nội dung kiến thức đã được học (câu bị động, câu gián tiếp, câu điều kiện…).

Thí sinh cũng lưu ý ôn kỹ các dạng bài: quy tắc phát âm đuôi “-ed” và đuôi “-s”; tìm từ đồng nghĩa/trái nghĩa; tìm lỗi sai trong câu, tìm câu đồng nghĩa.

Các thầy cô cho rằng, ngoài kiến thức, kỹ năng làm bài, kế hoạch học tập khoa học, xác định mục tiêu về điểm số…, học sinh cũng cần chuẩn bị tâm lý và sức khỏe tốt, luôn giữ tinh thần thoải mái, ăn uống, nghỉ ngơi khoa học, hợp lý để có cho mình tâm thế tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/noi-dung-trong-tam-va-cach-khac-phuc-loi-sai-cua-3-mon-thi-lop-10.html