Nơi ghi dấu cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc S'tiêng

Tên More, là đội viên khố xanh rất tàn ác ở quận Bà Rá đã bị hai anh em ông Điểu Mốt, Điểu Môn - người dân tộc S'tiêng ở sóc Bù Sum dùng xà gạc chém chết. Sau khi tên này chết, thực dân Pháp đã cho xây dựng bia (nhân dân ta quen gọi là Mả thằng Tây, ở huyện Phú Riềng ngày nay). Đây là nơi ghi dấu cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc S'tiêng chống thực dân Pháp.

NƠI GHI DẤU CUỘC NỔI DẬY CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC S’TIÊNG

(Báo Bình Phước, 21-8-1999)

TRẦN TẤN NGHĨA

Bình Phước là một tỉnh có bề dày lịch sử truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nhân dân Bình Phước đã làm nên biết bao sự tích anh hùng, mỗi chiến công đều gắn liền với tên đất tên người, xóm làng quê hương thân thuộc. Bình Phước nơi “sản sinh” ra những địa danh lịch sử một thời oanh liệt đi vào lòng người cả nước như: Phú Riềng đỏ anh hùng (1929), Đồng Xoài rực lửa (1965), mùa hè đỏ lửa (An Lộc - Bình Long) năm 1972, chiến thắng Phước Long năm 1975. Đồng thời Bình Phước đã để lại nhiều di tích lịch sử, văn hóa được trung ương và địa phương ra quyết định công nhận và bảo vệ: Nhà tù Bà Rá, Mộ tập thể 3.000 người, Nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Căn cứ quân ủy miền, Tổng kho xăng Lộc Quang (VK 88), nơi ghi dấu cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc S’tiêng, Phú Riềng đỏ 1930…

Dựng lại bức tranh lịch sử của 66 năm về trước, sự kiện làm rúng động tâm hồn đồng bào các dân tộc thiểu số và người Việt đồng thời làm hoang mang và khiếp sợ cho bọn thực dân Pháp, đó là ông Mốt, ông Môn chém tên More - Quận trưởng ở Phú Riềng.

Tên More khét tiếng gian ác đối với công nhân và đồng bào dân tộc vùng Bà Rá. Hắn thi hành nhiều chính sách thâm độc như dùng người Việt đàn áp người Việt, áp dụng chế độ lao dịch cưỡng bức từ 5 đến 6 tháng trong năm đối với đồng bào dân tộc… Hắn còn có những hành vi rất tàn bạo như bắt gái đẹp về hãm hiếp hoặc bắt làm tôi tớ, bắt dân làng khiêng kiệu cho hắn ngồi.

Không chịu nổi những thủ đoạn tàn bạo của tên More, hai ông Mốt và ông Môn ở sóc Bù Sum là người được dân làng tin cậy nhất, quyết định đứng ra vận động lập đội nghĩa quân và hợp cùng 200 dân trong các làng Bù Na, Bù Kế, Bù Có, Bù Sum… tìm cách chống lại hắn.

Sau một thời gian xây dựng lực lượng và tìm hiểu kẻ địch, vào giữa tháng 10-1933 nghĩa quân bố trí một trận địa phục kích trên đoạn đường 14 gần sóc Bù Na (nay là xã Phú Riềng - Bù Đăng) nghĩa quân chờ địch 2 ngày liền nhưng chúng không đến, mọi người bèn giải tán. Riêng hai ông Mốt và Môn vẫn kiên trì ở lại phục kích vì hai ông có quyết tâm và nắm được quy luật vận động của địch.

Ngày 25-10-1933, tên More cùng mấy tên lính hộ vệ lọt vào trận địa phục kích của nghĩa quân, khi tên quận trưởng vừa đi đến, ông Mốt dùng mưu xin lửa đốt thuốc lá buộc tay này dừng lại, lập tức ông dùng xà gạc chém tên cò Tây trọng thương ở tay phải khiến tên này bị ngã ngựa. Hắn liền rút súng bằng tay trái định bắn nhưng không kịp, thủ lĩnh nghĩa quân nhanh tay hơn đã dùng thanh lồ ô vót nhọn kết liễu cuộc đời tên cướp nước.

Hành động anh hùng của các thủ lĩnh nghĩa quân Phú Riềng đỏ đã trở thành truyền thuyết yêu nước “Hai ông Mốt và Môn giết tên cò Tây More” là một tín hiệu kinh hoàng đối với bọn thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai.

Cuộc nổi dậy chống Pháp của ông Mốt và ông Môn cùng bà con người S’tiêng là bài ca tuyệt vời của lòng yêu nước, chí căm thù giặc và ý thức dân tộc của người Việt Nam.

Ngày nay đến sóc Bù Sum, xã Minh Hưng quê hương ông Mốt, ông Môn người S’tiêng kể về hai ông như kể về một truyền thuyết anh hùng. Trong ánh lửa bập bùng, trẻ con S’tiêng quây quần nghe chuyện quê hương tinh thần ông Mốt, ông Môn ăn sâu vào lòng người dân S’tiêng như dòng suối không bao giờ cạn.

Sự kiện chém Tây của hai ông Mốt, ông Môn ngày nay đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia số 608.VHQĐ ngày 29-5-1989 và đã được Sở VH-TT cùng Bảo tàng Bình Phước xây dựng trùng tu, tôn tạo ngay trên mảnh đất Phú Riềng nhằm lưu lại một sự kiện lịch sử có tính chất giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số như lời hai ông Mốt và ông Môn ngày nào: “Nếu có chết phải chết như người S’tiêng, không khuất phục kẻ thù”.

Sự kiện nổi dậy của đồng bào dân tộc S’tiêng năm 1933 là dấu ấn của đồng bào dân tộc trong truyền thống đấu tranh chống xâm lược của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/171425/noi-ghi-dau-cuoc-noi-day-cua-dong-bao-dan-toc-s-tieng