Nơi giành sự sống cho trẻ sinh non
Đến thăm Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh, được chứng kiến những thầy thuốc tại bộ phận Đơn nguyên sơ sinh ngày đêm tận tụy chăm sóc những em bé sơ sinh nằm trong lồng ấp với những ống thông, máy thở, máy theo dõi chỉ số sinh tồn, chằng chịt dây, kim truyền... mới phần nào thấu hiểu được sự vất vả trong cuộc chiến giành giật sự sống cho trẻ sinh non.
Đơn nguyên sơ sinh nằm tại tầng 2 tòa nhà C3. Bước qua cánh cửa phòng hành chính của khoa là hành lang dài với dãy 5 buồng bệnh hai bên. Đây là nơi những em bé sinh non, nhẹ cân có bệnh lý được đưa vào chăm sóc điều trị ngay sau sinh. Tại đây, yêu cầu vô khuẩn luôn được đặt lên hàng đầu để tránh nhiễm khuẩn cho bé. Bởi vậy, phòng bệnh, hành lang, máy móc, thiết bị luôn được vệ sinh sạch sẽ. Các phòng chăm sóc, điều trị cho bé luôn được đóng kín cửa. Hạn chế tối đa những tác động ảnh hưởng tiếp xúc của bên ngoài.
Dẫn chúng tôi đi thăm các buồng phòng, bác sỹ CKI Ngô Thanh Huế, phụ trách điều trị, chia sẻ: Chăm sóc trẻ sơ sinh đã khó, với trẻ sinh non lại càng khó hơn nhiều lần bởi trẻ sinh non sức đề kháng kém dễ kèm theo nhiều bệnh lý. Do đó, nhân viên y tế luôn phải sát sao nắm bắt tình trạng của trẻ từng phút, từng giờ. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, theo dõi SpO2, oxi, thân nhiệt, kiểm tra dịch dạ dày cho các bé mà còn thay nhiệm vụ của mẹ, thay tã, cho ăn sữa, tắm, vệ sinh cho bé... Tất cả ai cũng cẩn thận, nâng niu, chăm sóc các bé bằng cả tấm lòng và trách nhiệm.
Những tiếng kêu ro ro phát ra từ máy cứ đều đều, đôi lúc lại tít tít báo hiệu giờ ăn, nhịp thở. Bác sĩ Ngô Thanh Huế tất tả ghi chép, rồi đem sữa vào cho các cháu ăn, đồng thời, nghe tim, phổi... Giới thiệu với chúng tôi trường hợp bé trai Lò Văn Phong, con sản phụ Lò Quỳnh Chi, bản Nà Dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu - bé là một trong rất nhiều trường hợp trẻ sinh non chỉ được 28 tuần tuổi, chỉ nặng 1.400 gram. Bé được chuyển tuyến lên Bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị do vừa quá non tháng, nhẹ cân, lại bị bệnh suy hô hấp và nhiễm trùng.
Sau hơn 1 tháng điều trị, được chăm sóc tích cực, tình trạng hô hấp của bé dần cải thiện. Từ việc phải thở máy, bé được cai dần qua thở CPAP (thở không xâm lấn, người dùng không phải đặt ống thở), thở oxy lưu lượng thấp, hiện nay bé đã tự thở hoàn toàn. Bé cũng dung nạp sữa nuôi ăn qua ống thông tiêu hóa tốt hơn và bắt đầu tự bú được.
Đón con trai được hồi sinh từ buồng đơn nguyên sơ sinh, chị Lò Quỳnh Chi không dấu nổi sự vui mừng: Sức khỏe của con tôi đã ổn định, cháu có thể tự bú mẹ như mọi trẻ sơ sinh khác. Bé tăng thêm được 400 gram, cữ bú đều, đủ điều kiện xuất viện.
Cũng sinh non khi mới 32 tuần tuổi, bé Lường Vân Anh, con của sản phụ Cà Thị Phương, bản Nà Hay, xã Nậm Ty, huyện Sông Mã, thiếu nhiều cân nặng sau sinh, lại sinh tại nhà, dẫn đến các bệnh lý kèm theo, như nhiễm trùng, suy hô hấp độ III. Sau khi tiếp nhận điều trị, các y, bác sỹ đã tiến hành cấp cứu, hồi sức sơ sinh, bé được nằm lồng ấp để giữ ấm, được hỗ trợ thở máy, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch kết hợp dùng thuốc kháng sinh và theo dõi sát sao. Nhờ chăm sóc tích cực, bé đã được cứu sống.
Hiện nay, Đơn nguyên sơ sinh đang chăm sóc, nuôi dưỡng 10 trẻ sinh non từ 28 - 36 tuần, cân nặng từ 1.400 - 2.300 gram, kèm theo các bệnh lý, như suy hô hấp, bệnh lý tiêu hóa, thiếu máu, rối loạn đông máu, vàng da, bệnh màng trong, với nhiều nguy cơ hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, xuất huyết não, nhiễm trùng. Các bé hầu hết được nuôi trong lồng ấp, được các bác sỹ, điều dưỡng của khoa thay phiên chăm sóc, theo dõi từng chuyển biến, đảm bảo duy trì tốt chế độ dinh dưỡng, nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, chống nhiễm khuẩn. Một số bé đã tự thở và được mẹ chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo (phương pháp da kề da).
Trước đây, việc nuôi dưỡng và cứu sống những trẻ sinh thiếu tháng ở Khoa Nhi chủ yếu thuộc nhóm non vừa, có cân nặng từ 1.500 gram. Vài năm trở lại đây, với sự hỗ trợ của nhiều trang thiết bị hiện đại, như lồng ấp, giường sưởi, máy thở, máy CPAP, máy truyền dịch, bơm tiêm điện, đèn chiếu vàng da, Monitor theo dõi, cùng nhiều thiết bị y tế hiện đại khác… Khoa đã cứu sống và nuôi dưỡng được nhiều trẻ non tháng, cân nặng rất thấp từ 1.000 gram.
Từ năm 2021 đến nay, khoa đã đề nghị Bệnh viện cử 8 bác sỹ, điều dưỡng đi học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn về cấp cứu hồi sức, chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai... Ngoài ra, còn cử y sỹ, bác sỹ tham gia lớp tập huấn kỹ thuật thở CPAP qua gọng mũi, cấp cứu ngừng tuần hoàn trên mô hình, phương pháp chăm sóc Kangaroo… Do các chuyên gia hàng đầu trong chăm sóc trẻ sinh non nhẹ cân giảng dạy tại bệnh viện.
Nhờ vậy, đơn vị đã triển khai được nhiều kỹ thuật khó mà trước đây chỉ tuyến trung ương mới thực hiện được, như: Thở máy xâm nhập, thở máy CPAP, bơm Sunfactan, chăm sóc Kanguroo, nuôi dưỡng tĩnh mạch ở trẻ sinh non, chiếu đèn vàng da, đặt catheter (ống thông) tĩnh mạch trung tâm rốn với những ưu điểm vượt trội.
Bác sĩ CKI Ngô Thanh Huế, chia sẻ thêm: Với kỹ thuật đặt catheter tĩnh mạch trung tâm rốn có thể nuôi dưỡng bé từ 7 đến 14 ngày. Việc này giúp hạn chế tối đa động chạm vào bé, nguy cơ nhiễm trùng trong quá trình chăm sóc cũng giảm đi, hiệu quả nuôi dưỡng nâng lên rõ rệt.
Chia tay các y, bác sỹ tại Đơn nguyên sơ sinh, chúng tôi được nghe thêm một thông tin vui rằng, mỗi năm, đơn vị đã tiếp nhận, nuôi dưỡng và điều trị thành công cho hơn 200 trẻ sinh non, nhẹ cân kèm bệnh lý. Mỗi bé được xuất viện khỏe mạnh đã mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia đình và cho cả các nhân viên y tế - những người vẫn đang ngày đêm nỗ lực giành lại sự sống cho các bệnh nhi.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/noi-gianh-su-song-cho-tre-sinh-non-mR6W7DuVR.html