Nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ

Ngoài Khu di tích Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội còn có nhiều di tích gắn với cuộc đời hoạt động của Bác, trong đó có những di tích gắn với những bước ngoặt lịch sử của dân tộc. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn trân trọng, gìn giữ những di tích này và tổ chức thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ.

Những địa chỉ đậm dấu chân Bác Hồ

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà đầu tiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23-8-1945 để ra mắt đồng bào, đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945. Đó là di tích nhà cụ Nguyễn Thị An, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). Tự hào và cảm động, ông Công Ngọc Dũng (cháu nội cụ Nguyễn Thị An) cho biết: “Theo tâm nguyện của bố và bà, tôi đã giữ gìn nguyên vẹn ngôi nhà, từ mái ngói đến bộ tràng kỷ, ghế ngồi, chậu rửa mặt... nơi có dấu ấn của Bác. Năm 1996, gia đình đã hiến tặng ngôi nhà cho Nhà nước để nơi đây trở thành di tích lịch sử phục vụ tham quan, học tập, phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới”.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở thôn Hậu Ái, xã Vân Canh (huyện Hoài Đức) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc hai lần trong năm 1946, thật trang nghiêm với những hiện vật còn vẹn nguyên. Tại đây chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Thanh Ngà, là cháu ngoại của cụ Nguyễn Thông Phúc, chủ ngôi nhà nơi Bác Hồ chủ trì Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ ngày 3-3-1946 đến 5-3-1946, bàn chủ trương "Hòa để tiến" và ký nhiều sắc lệnh quan trọng từ ngày 26-11-1946 đến 3-12-1946. Bà Ngà không giấu được niềm tự hào vì ký ức của bà đầy ắp về những dấu ấn mà Bác Hồ để lại qua từng kỷ vật và những câu chuyện mà cha, ông kể lại.

Rời Vân Canh, chúng tôi tìm về làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), nơi có Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hơn 70 năm qua, dù ngôi nhà đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo nhưng vẫn giữ nguyên kết cấu kiến trúc như những ngày Bác về ở và làm việc từ ngày 3-12-1946 đến 19-12-1946. Tại đây, Người đã soạn thảo “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, mở đầu cho 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ và vô cùng oanh liệt của dân tộc Việt Nam...

Phát huy giá trị trong giáo dục truyền thống

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hà Nội có hàng trăm di tích lịch sử ghi đậm dấu ấn Bác Hồ đã sống và làm việc. Có thể kể đến Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Di tích nhà 48 Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm); Khu di tích K9 (Ba Vì); Nhà lưu niệm Bác Hồ ở xã Cần Kiệm (Thạch Thất)… Từ lâu, những di tích này đã trở thành địa điểm diễn ra các hoạt động trưng bày, triển lãm về lịch sử, nơi giáo dục truyền thống cách mạng.

Giáo dục lịch sử, truyền lửa tinh thần cách mạng đến thế hệ trẻ, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã tổ chức cho các em học sinh đến tham quan tại những địa chỉ lưu dấu Bác Hồ từng dừng chân, sống và làm việc. Chị Đỗ Như Quỳnh, Bí thư đoàn Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ) cho biết, trường vừa tổ chức lễ dâng hương và kết nạp đoàn viên tại Di tích nhà cụ Nguyễn Thị An (quận Tây Hồ). “Đưa các em học sinh đến các di tích lịch sử là cách giáo dục truyền thống hiệu quả”, chị Quỳnh nói.

Đồng quan điểm, cựu chiến binh Nguyễn Văn Khôi, ở phố Cầu Am, phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) cho biết: "Tôi vừa cùng đồng đội vào dâng hương tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, tôi chứng kiến nhiều cháu học sinh đến tham quan đã hỏi han rất chi tiết nơi ở và kỷ vật của Bác. Đây là hình thức giáo dục truyền thống hiệu quả và cần được phát huy hơn nữa".

Còn ông Vũ Ngọc Tháp, phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, mỗi lần ra Hà Nội thăm con cháu, ông luôn đến các di tích cách mạng để tìm hiểu thêm về lịch sử, về nơi lưu dấu bước chân Bác Hồ. "Tôi nhận thấy cách trưng bày, tuyên truyền về truyền thống cách mạng ngày càng đổi mới theo hướng hiện đại… Mong rằng các dấu ấn lịch sử sẽ tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo theo hướng đổi mới bằng công nghệ số, trực quan sinh động".

Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết, những kỷ vật, tài liệu trưng bày trong các khu di tích đều ghi dấu ấn hành trình ở và làm việc của Bác Hồ, để các du khách có thể cảm nhận được đầy đủ quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam... Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã gìn giữ, tôn tạo rất tốt những di tích này, biến nơi đây thành điểm du lịch lịch sử - văn hóa, đồng thời là trường học giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ.

Theo Hanoimoi

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/van-hoa/tin-tuc/noi-giao-duc-truyen-thong-cach-mang-cho-the-he-tre-132600.html