Nơi giống sao Hỏa, khô cằn không mưa suốt hàng triệu năm
Cách đây 90 triệu năm trước, thung lũng McMurdo từng là nơi có sự sống nhưng hiện nay đây là vùng đất khô cằn nhất thế giới, hàng triệu năm không có hạt mưa.
Thung lũng khô cằn nhất Trái Đất không có hạt mưa suốt hàng triệu năm. Ảnh: TL.
Khi nhắc về nơi khô hạn như vậy, nhiều người thường nghĩ ngay tới các sa mạc nóng bỏng. Trước hết, khái niệm "khô" không nhất thiết phải là nóng.
Sa mạc đúng là nơi không có nhiều nước, thậm chí gần như không có thực vật hay động vật sinh sống nổi. Nhưng vùng đất chúng ta đang nhắc tới, thậm chí còn khô hạn hơn cả sa mạc.
Thung lũng khô McMurdo ở Nam Cực chính là nơi như vậy. Suốt vài triệu năm qua, nơi này không có mưa. Bởi vậy, nó cũng không hề được bao phủ trong băng.
Lần cuối thung lũng McMurdo có sự sống là cách đây 90 triệu năm trước. Khi đó, nơi này còn là đầm lầy, chứa vô số côn trùng, thực vật phong phú.
Dù ở Nam Cực nhưng vùng đất này không có tuyết. Sức gió ở đây có tốc độ thổi lên tới 320 km/h. Gió thổi từ những ngọn núi xuống mang theo hơi ẩm. Tuy nhiên, điều kiện tại đây khắc nghiệt tới mức làm bốc hơi tất cả hơi nước. Bởi vậy, thung lũng khô McMurdo hoàn toàn khô ráo.
Ở khu vực này cũng có hồ nước. Đó là hồ Vida. Đây là hồ lớn nhất trong số ít các hồ tại khu vực McMurdo Dry, không có oxy, hồ gần như bị đóng băng hoàn toàn và có nồng độ nitơ oxit cao nhất so với bất kỳ một hồ nước tự nhiên nào trên Trái Đất.
Nước hồ mặn gấp khoảng 6 lần so với nước biển thấm qua môi trường băng giá có nhiệt độ trung bình -13,5 độ C (tương đương với 8 độ F). Do vậy, không sinh vật nào sinh sống nổi ngoài các vi sinh vật cực nhỏ.
Vào mùa hè, nhiệt độ ở McMurdo lạnh tới -15 độ C, còn mùa đông, mức nhiệt còn khắc nghiệt hơn, hạ xuống -67 độ C.
Dù không có nhiều sự sống, nhưng thung lũng McMurdo lại là vùng đất rất hấp dẫn đối với các nhà khoa học, giới nghiên cứu, bởi điều kiện khô ráo nơi đây thực sự rất giống môi trường trên sao Hỏa.