Nơi giữ lửa nghề mây tre đan truyền thống
Giữa nhịp sống hiện đại, hối hả, những giá trị truyền thống dường như đang bị lãng quên bởi sự phát triển của sản phẩm công nghiệp tiện lợi và đại trà. Nhưng ở đâu đó giữa lòng thành phố Bắc Giang vẫn có những đôi bàn tay âm thầm, cần mẫn gìn giữ lấy văn hóa dân tộc qua những sợi mây, sợi tre.
Làng nghề Mây tre đan tại thôn Tăng Tiến, xã Việt Yên, thành phố Bắc Giang từng là niềm tự hào của vùng đất này, giờ đây lại đối diện với nguy cơ mai một, khi những nghệ nhân trẻ ngày càng thưa vắng, và chỉ còn những cụ già trong làng đau đáu với nỗi lo về tương lai của một di sản quý giá.

Các sản phẩm của làng Tăng Tiến
Làng nghề truyền thống lâu đời
Làng Tăng Tiến, thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, từ lâu đã nổi danh với nghề mây tre đan - một nghề truyền thống không chỉ là kế sinh nhai mà còn phản ánh tinh thần cần cù, sáng tạo của người dân nơi đây. Từng chiếc rổ, rá, nia hay mẹt được chế tác từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ chính là biểu tượng của sự tỉ mỉ và tinh xảo. Trong số nhiều làng nghề truyền thống của Bắc Giang, mây tre đan Tăng Tiến nổi bật nhờ kỹ thuật độc đáo và chất lượng sản phẩm cao. Nghề này từng là nguồn thu nhập chính, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân trong làng suốt nhiều năm qua.
Khoảng hơn chục năm về trước, nghề đan lát tại Tăng Tiến vẫn đang là thời kỳ phát triển rực rỡ, là nghề làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Bà Đinh Thị Nga, năm nay đã 84 tuổi chia sẻ: "Tôi không biết nghề này có tự bao giờ, chỉ biết khi còn bé tí đã thấy ông bà, bố mẹ ngồi đan lát. Khi tôi lên 5 - 6 tuổi, bố mẹ làm, tôi ngồi nhìn rồi học. Rồi lớn lên thì vừa làm ruộng vừa đan, nhưng chủ yếu thu nhập đến từ cái nghề đan này, nó nuôi sống cả gia đình".
Đối với người dân tại xã Tăng Tiến, để nói những câu chuyện và niềm tự hào về nghề đan lát này có lẽ không bao giờ là đủ. Họ yêu mến và trân quý cái nghề ông cha truyền lại, để đến khi có cơ hội chia sẻ, ai cũng rất vui vẻ và hào hứng, bà Đinh Thị Tình nhớ lại: “Ngày xưa cả làng làm nghề đan lát, hàng loạt sản phẩm như rổ, rá, mẹt được hoàn thành mỗi ngày và mang ra chợ bán”. Khách vào mua đều bảo “con nhà nghề” vì thấy bọn trẻ con tầm 5 - 6 tuổi là đã biết đan thành thạo rồi, ban đầu chỉ nhìn ông bà bố mẹ làm thôi, sau đứa nào đứa nấy cũng tay đan thoăn thoắt, thế là mỗi ngày khoán cho chúng nó làm mấy cái rổ, không xong thì không được ăn cơm” (cười).

Bà Đinh Thị Nga - người đã gắn bó với nghề gần hết đời người
Cứ như thế, nghề mây tre đan tại xã Tăng Tiến gắn liền với làng quê, gắn liền với từng thế hệ. Tiếng cười nói rộn rã của những người thợ và sự náo nhiệt của chợ quê từng là hơi thở của làng nghề, len lỏi trong từng ngõ nhỏ và gắn liền với cuộc sống thường ngày của người dân. Đó không chỉ là những thanh âm sôi động mà còn là biểu tượng của một cộng đồng lao động chăm chỉ, đoàn kết và tràn đầy sức sống. Những hình ảnh ấy in sâu trong ký ức của những người nghệ nhân già, như một lời nhắc nhở về thời kỳ rực rỡ, khi nghề truyền thống không chỉ mang lại sinh kế mà còn giữ vững giá trị văn hóa lâu đời, là niềm tự hào về một thời kỳ vàng son của cả làng quê.
Theo thời gian, nghề mây tre đan dần lụi tàn. Sự phát triển của công nghệ và thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng khiến các đồ dùng làm từ nhựa, inox chiếm ưu thế hơn hẳn. Lúc này, khách hàng đã không còn mặn mà với sản phẩm truyền thống như trước. "Ngày trước, làm mây tre đan có thể xây được nhà. Còn bây giờ làm chỉ đủ tiền mua mớ rau, miếng thịt thôi, coi như làm cho vui. Bởi để mà nói, thì vật dụng làm từ nhựa hay inox giờ bán tràn lan, vừa rẻ vừa nhiều mẫu mã, màu sắc. Hơn nữa để mà làm thì công nghệ nó nhanh hơn, máy nó làm một lúc bằng người dân mình đan cả mấy ngày. Mà người tiêu dùng thì họ không chờ mình được. Đấy nên là dần dần, cũng chẳng ai còn làm nghề này nữa, chỉ còn mấy người già đan túc tắc thôi”, bà Tình chia sẻ.
Sự phát triển của công nghệ cũng như xu hướng tiêu dùng thay đổi khiến cho những người con của làng nghề mây tre đan thôn Tăng Tiến lựa chọn hướng đi khác cho mình. Hiện nay, hầu hết người trẻ đều làm việc ở những khu công nghiệp, hoặc đi làm việc tại các công ty. Gần như không thể thấy được hình ảnh một người trẻ tuổi ngồi đan lát như những năm về trước nữa.
"Nghề này rồi sẽ mất. Bọn trẻ đi làm công ty hết vì công việc nhàn hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Còn tôi giờ chỉ ngồi đan cho vui, chán thì lại đi chơi thôi", bà Đinh Thị Nga giãi bày.
Mặc dù nghề đang dần mai một, những người thợ lớn tuổi vẫn tiếp tục gìn giữ nghề với tất cả tình yêu và niềm đam mê. Hình ảnh các bà, các cụ miệt mài đan lát, đôi tay thoăn thoắt tạo nên từng chiếc rổ, rá là minh chứng cho sự bền bỉ của nghề thủ công truyền thống này. Vừa đều tay hoàn thiện chiếc rá, bà Nga vừa tâm sự: "Tôi yêu nghề này lắm. Hôm nào ốm không làm được là tiếc. Trước đây, khi còn trẻ, tôi cũng đã từng nghĩ tìm công việc khác, nhưng rồi quay đi quẩn lại vẫn gắn bó với cái nghề này. Giờ đã già, ngồi đan lâu thì đau lưng, mỏi gối, con cái bảo tôi nghỉ ngơi, nhưng làm sao mà bỏ được? Đan lát đã thành thói quen rồi, không làm thì buồn lắm!”

Bà Đinh Thị Tình - một trong số ít người dân còn giữ nghề đan lát
Dường như tình yêu với nghề đan lát đã ăn vào máu của người dân nơi đây. Những người đã gắn bó cả đời với nghề mây tre đan, luôn ấp ủ mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương. Với họ, từng sản phẩm không chỉ là công cụ lao động hay vật dụng thường ngày mà còn là kết tinh của sự khéo léo, tỉ mỉ và tâm huyết của bao thế hệ. Nhìn những lớp trẻ ngày càng rời xa nghề, ông bà Xuyên Tình không khỏi trăn trở về tương lai của làng nghề, lo sợ rằng những giá trị văn hóa quý báu sẽ dần phai nhạt. Dẫu vậy, họ vẫn lạc quan tin tưởng rằng, nếu được quan tâm và hỗ trợ, nghề mây tre đan không chỉ có thể hồi sinh mà còn vươn xa, trở thành niềm tự hào của làng Tăng Tiến trên bản đồ văn hóa Việt Nam: "Sản phẩm mây tre đan tốt hơn đồ nhựa rất nhiều. Đựng đồ ăn trong rổ, rá này vừa an toàn lại bền. Mong các cháu viết bài nói về tầm quan trọng của nó, đưa báo về các vùng nông thôn, phóng viên là tiếng nói của nhân dân mà, hãy đưa nghề cùa các bác đi xa vào nhé, giờ mai một hết rồi (cười)”.
Những nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề truyền thống
Trong bối cảnh làng nghề đang đối mặt với nhiều thách thức, ông Đinh Văn Tình - một người con của làng đã tìm cách đưa nghề mây tre đan bước sang trang mới. Vào những năm 1995 - 1996, ông thành lập một xưởng sản xuất, tập trung chế tạo các sản phẩm độc đáo, mang tính ứng dụng cao để phục vụ cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Xưởng của ông sử dụng nguyên liệu từ những cây tre, cây nứa quen thuộc, kết hợp với phương pháp chẻ tay máy để tạo ra những thanh tăm đều đẹp. Sau đó, ông đưa tăm vào nhuộm màu và dệt thành các sản phẩm thủ công tinh xảo như tranh treo tường, mành ăn, quạt trang trí, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Ông Đinh Văn Tình - người tạo ra lối đi mới cho nghề mây tre đan
Khi được hỏi về hành trình phát triển xưởng, ông Tình chia sẻ: “Tôi luôn trăn trở làm sao để giữ nghề mây tre đan, nhưng không thể chỉ dựa vào cách làm cũ. Vì thế, tôi quyết định sáng tạo thêm những sản phẩm mới, vừa đẹp, vừa hữu ích, phù hợp với nhu cầu hiện đại. Dù khó khăn, nhưng mỗi khi nhìn thấy sản phẩm mình làm ra được khách hàng đón nhận, tôi lại có thêm động lực để tiếp tục”. Ông cũng tâm sự về việc tạo việc làm cho người dân: “Làng mình trước đây nhiều người bỏ nghề vì thu nhập không ổn định. Tôi hy vọng xưởng sẽ là nơi để mọi người gắn bó lại với nghề, vừa có công ăn việc làm, vừa giữ được truyền thống ông cha để lại”.

Những người công nhân miệt mài làm việc
Bằng việc kết hợp kỹ thuật truyền thống với sự sáng tạo hiện đại, ông Tình không chỉ giúp duy trì nghề mây tre đan mà còn mở ra hướng đi mới, góp phần tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trong làng. Những sản phẩm từ xưởng của ông đã chinh phục được lòng tin của khách hàng trong và ngoài nước, trở thành minh chứng sống động cho giá trị bền vững của nghề thủ công này. Thành công ấy không chỉ khẳng định vị thế của mây tre đan Tăng Tiến mà còn là niềm tự hào lớn lao của ông Đinh Văn Tình, người đã cống hiến cả đời để gìn giữ và phát triển di sản quê hương.

Ông Tình giới thiệu về những sản phẩm được làm tại xưởng
Dù đối mặt với không ít khó khăn, làng nghề mây tre đan Tăng Tiến vẫn đang nỗ lực duy trì và phát triển giá trị văn hóa truyền thống. Những người nghệ nhân lớn tuổi, với tình yêu và tâm huyết dành cho nghề, tiếp tục gìn giữ từng sản phẩm thủ công tỉ mỉ, qua đó truyền lại ngọn lửa nghề cho các thế hệ sau. Cùng với đó, sự sáng tạo và quyết tâm của những người con của làng, nghề mây tre đan không chỉ vượt qua thách thức mà còn vươn ra thị trường quốc tế, khẳng định giá trị bền vững của sản phẩm văn hóa truyền thống.
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/noi-giu-lua-nghe-may-tre-dan-truyen-thong-a28563.html