Nới hạn chế tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực logistics
Trong khuôn khổ Vietnam Expo 2022, các doanh nghiệp, chuyên gia đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm tạo điều kiện về các phương hướng để thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư trong ngành logistics nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ ngày càng hiệu quả và chuyên nghiệp.
Đó là nhận định được đưa ra tại “Tọa đàm đối thoại chính sách lĩnh vực logistics”, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA Hanoi) tổ chức ngày 14/4.
Nhiều việc phải làm
Đi thẳng vào vấn đề, Tổng Giám đốc Công ty Kukdong Logistics Kim Sam Mo - Chủ tịch KOCA đã thông tin về kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp logistics Hàn Quốc tới Chính phủ Việt Nam.
Trong đó, việc tiêu chuẩn hóa chi phí cơ sở hạ tầng logistics là vấn đề cấp thiết với doanh nghiệp. Giá dịch vụ hạ tầng không đồng bộ giữa các công ty vận tải biển gây ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính dẫn đến sự do dự trong các hoạt động hậu cần của doanh nghiệp trong tương lai.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần lưu ý về cơ hội trao đổi thường xuyên giữa doanh nghiệp logistics nội địa và doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam, xây dựng phát triển hạ tầng logistics mới, chính sách hỗ trợ cho chuỗi cung ứng lạnh...
“Chính phủ Việt Nam nên nới các hạn chế tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài vào một số lĩnh vực trong ngành logistics. Thực tế này đang kìm hãm đáng kể đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài vào ngành logistics Việt Nam”, vị này nhấn mạnh.
Hiện số lượng doanh nghiệp logistic Việt Nam đã tăng từ con số 37.000 năm 2017 lên 41.000 năm 2020 và đang tiếp tục phát triển sang các lĩnh vực vận chuyển, lưu kho, thông quan và phân phối giao nhận. Thị trường logistic của Việt Nam dự kiến tăng trưởng bình quân hơn 13%/năm đến hết năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong tương lai thông qua các xu hướng đầu tư nước ngoài, áp dụng công nghệ mới, thương mại điện tử…
Để doanh nghiệp Hàn Quốc nắm bắt được cơ hội, hợp tác cùng doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường logistic, ông Kim Sam Mo đề xuất thêm, Việt Nam cần hình thành hệ thống EDI (hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử). Trong đó, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất thì việc nhận và xử lý nghiệp vụ sẽ tiết kiệm nhiều thời gian
Ngoài ra, việc áp dụng giá cước chuẩn hóa dịch vụ hạ tầng logistics sẽ giúp nâng cao lòng tin của người tiêu dùng; nâng cao việc thống nhất hệ thống thu phí.
Đối với việc giá xăng, dầu tăng mạnh thời gian quan, ông Kim Sam Mo nhận định, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực giảm áp lực cho các DN vận tải bằng cách giảm thuế môi trường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ít nhất với dầu Diesel sử dụng cho xe tải thương mại thuế tiêu thụ đặc biệc cần được hạ thấp một cách linh hoạt hơn. Bởi, giá dầu tại Việt Nam hiện đã tăng 76% so với tháng 4/2021.
Cùng đó, cải thiện tình trạng tắc nghẽn trên các tuyến đường tại các địa phương và giảm phí bảo trì bảo dưỡng bằng cách tăng cường sử dụng đường cao tốc cho xe tải thương mại.
Coi logistics là ngành được ưu tiên
Theo báo cáo sơ bộ của 45/63 tỉnh, thành trên cả nước hiện có 69 trung tâm logistics có quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Hiện nay, một số địa phương như An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Cao Bằng… đang tập trung triển khai, kêu gọi thu hút đầu tư vào các trung tâm logistics hạng I, hạng II, các trung tâm logistics chuyên dụng.
Đồng tình với ý kiến của đại diện Hàn Quốc, Chủ tịch Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong Đinh Hữu Thạnh khẳng định, nhiều doanh nghiệp vận tải lớn của Hàn Quốc đã hiện diện tại Việt Nam. Có nhiều mô hình để doanh nghiệp hai nước hợp tác cùng phát triển như mua bán và sáp nhập, hợp tác tại nước thứ ba để gia tăng quy mô phục vụ.
Song, để thuận lợi trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp mong muốn các cơ quan quản lý Nhà nước có hướng dẫn cụ thể hơn nữa về thủ tục hành chính, giúp quá trình hợp tác đầu tư thuận lợi, tiết kiệm thời gian. “Chính phủ coi logistics là ngành công nghiệp hỗ trợ để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Thủ tục cho doanh nghiệp Việt Nam đầu ra nước ngoài được thuận lợi hơn” – ông Đinh Hữu Thạnh kiến nghị.
Cùng đó, Chính phủ tiếp tục hiện đại hóa quá trình quản lý trong lĩnh vực logistics. Cho phép doanh nghiệp gia công đóng gói, dán nhãn hàng hóa tại kho ngoại quan. Tạo sự liên kết giữa các thành tố trong chuỗi cung ứng, như: Hải quan, cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu… giúp giảm thời gian giao nhận hàng. Áp dụng công cụ quản lý mới, cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Động thái mạnh đồng hành
Lý giải về một số kiến nghị, đề xuất, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải thông tin 2 năm qua, giá cước vận tải biển tăng 4-6 lần hiện chưa có cơ chế điều tiết từ Chính phủ các nước nói chung chứ không phải riêng Việt Nam. Vấn đề phí dịch vụ nằm trong quy luật chung như vậy.
“Về vấn đề tăng giá dịch vụ, Việt Nam và Hàn Quốc đều đi theo nền kinh tế thị trường, giá cước do các DN quyết định dựa trên sự điều tiết của cung- cầu nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ logistics” - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Đối với tình hình giá xăng dầu tăng cao, Chính phủ Việt Nam đã cho phép giảm thuế môi trường. Đây là động thái mạnh nhằm hỗ trợ các ngành trong nền kinh tế, trong đó có ngành logistics.
Liên quan đến vấn đề, theo Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Nguyễn Công Bằng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan đã nỗ lực phối hợp để có sự điều chỉnh tốt nhất, giảm bớt áp lực chi phí cho doanh nghiệp, nhóm công tác liên quan đến các phương thức vận chuyển được thành lập đã đánh giá tác động của giá nhiên liệu tăng, qua đó có giải pháp thích hợp đề xuất Chính phủ và Quốc hội quyết định.
Thông tin về phí đường cao tốc, ông Nguyễn Công Bằng nhận định, so với thời điểm cách đây 3 năm các chi phí này hiện đã giảm khá nhiều. Về cơ bản, giá khai thác cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam tương đối đồng đều. Khách hàng có thể lựa chọn trên cơ sở dịch vụ và ngành nghề kinh doanh để có sự lựa chọn phù hợp các dịch vụ logistics.