Nơi kết nối những người đam mê múa lân
Từ lâu, múa lân - sư - rồng là một sân chơi bổ ích cho giới trẻ và Câu lạc bộ (CLB) Lân - Sư - Rồng Búp Sen Hồng (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) trở thành nơi kết nối những người trẻ đam mê bộ môn nghệ thuật này.
Hơn 10 năm nay, CLB Lân - Sư - Rồng Búp Sen Hồng vẫn duy trì hoạt động, không chỉ tham gia phục vụ các chương trình văn hóa, nghệ thuật tại địa phương mà còn là sân chơi bổ ích dành cho những bạn trẻ đam mê nghệ thuật múa lân. Hiện nay, CLB có gần 20 thành viên, trong đó, thành viên nhỏ nhất 18 tuổi, lớn nhất 23 tuổi.
Đại đức Thích Huệ Quang - Trưởng ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam huyện Châu Thành, Trụ trì chùa Trung Thuận (xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) là người thành lập CLB Lân - Sư - Rồng Búp Sen Hồng, cho biết, những ngày đầu thành lập, CLB rất ít người tham gia, chỉ có một vài học sinh. “Qua thời gian hoạt động, số người tìm đến CLB ngày một tăng. CLB ra đời chủ yếu tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho những bạn trẻ, là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm, duy trì bộ môn nghệ thuật này” - Đại đức Thích Huệ Quang chia sẻ.
Vào các dịp lễ hội cũng là lúc các thành viên trẻ của CLB Lân - Sư - Rồng Búp Sen Hồng tăng cường tập luyện, biểu diễn để mang đến cho người xem những tiết mục đặc sắc nhất. Đại đức Thích Huệ Quang nói: “Ban đầu, các dụng cụ để tập luyện và đi biểu diễn chủ yếu được hỗ trợ từ nhà chùa. Với mong muốn duy trì và phát triển CLB, cứ sau mỗi lần đi biểu diễn, các thành viên góp tiền lại để mua dụng cụ. Hiện CLB có đầy đủ các dụng cụ chuyên nghiệp, phục vụ tốt hơn trong lúc biểu diễn múa lân”.
Anh Trần Thanh Bình (ấp Bình Trị 1, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) hiện phụ trách quản lý CLB. Anh Bình tham gia CLB năm 2014, tập luyện hơn 5 tháng thì được múa chính. Thời gian tập cố định từ 17-19 giờ nên anh sắp xếp được, không để ảnh hưởng việc học. “Mặc dù hiện tại tôi và các thành viên khác đều có công việc riêng nhưng cứ đến ngày lễ, mọi người lại tập trung về chùa để tập luyện và biểu diễn” - anh Bình bộc bạch.
Anh Châu Trần Đăng Khoa (ấp Bình An, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành) phụ trách về âm thanh khi biểu diễn múa lân. Anh Khoa tham gia CLB từ năm 2017 đến nay, ban đầu chỉ vì thích múa lân nên gia nhập CLB để học hỏi thêm kinh nghiệm nhưng đến thời điểm hiện tại, anh theo đuổi vì đam mê. “Yếu tố quan trọng quyết định sự hấp dẫn của một bài múa lân chính là âm thanh. Âm thanh hòa quyện vào từng bước di chuyển của lân sẽ góp phần mang đến cho người xem cảm nhận sống động và hấp dẫn hơn” - anh Khoa cho biết.
Hoạt động múa lân - sư - rồng của CLB Lân - Sư - Rồng Búp Sen Hồng nhằm tạo sân chơi bổ ích, thiết thực cho các bạn trẻ và giúp các bạn có thêm thu nhập. Chính những hoạt động thiết thực này đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy nghệ thuật truyền thống của dân tộc./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/noi-ket-noi-nhung-nguoi-dam-me-mua-lan-a166447.html