Nỗi khiếp sợ mang tên nhà vệ sinh trường học, giờ ra chơi 210 HS/1 phòng

Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được một số phản ánh của học sinh liên quan đến vấn đề nhà vệ sinh tại 1 số trường học .

Nhà vệ sinh và những thiết kế “khó hiểu”

Câu chuyện học sinh không dám đi vệ sinh vì nhà vệ sinh quá bẩn, thiếu nước,... tưởng như đã là chuyện quá khứ nhưng thực tế ngay giữa Hà Nội, vẫn còn có trường học, học sinh vẫn nguyên nỗi ám ảnh mang tên “nhà vệ sinh ở trường học”.

Trao đổi với phóng viên, em T. (học sinh Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn - Long Biên, Hà Nội) chi sẻ: “Trường em có nhà vệ sinh ở tầng 1 nhà A đã xuống cấp nhiều từ mấy năm nay. Có 2 buồng vệ sinh nặng đặt cạnh nhau nhưng lại không có cửa chắn hay vách ngăn, còn cửa chính thì không thể khóa được, vòi nước hay bị rỉ nên rất bẩn…”.

Nếu muốn đi vệ sinh, T. thường phải chờ đến lúc về nhà hoặc “cùng bạn trốn vào nhà vệ sinh của giáo viên. Nhưng có một lần một bạn bị cô kiểm tra camera phát hiện được, từ đó chúng em không ai dám đi nữa”.

Hai bồn vệ sinh không có cửa chắn, xếp cạnh nhau. Hai bên tường đầy vết vẽ bậy bẩn. Ảnh: Học sinh cung cấp cho phóng viên vào tháng 8. (Nhà vệ sinh ở tầng 1 nhà A Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn)

Hai bồn vệ sinh không có cửa chắn, xếp cạnh nhau. Hai bên tường đầy vết vẽ bậy bẩn. Ảnh: Học sinh cung cấp cho phóng viên vào tháng 8. (Nhà vệ sinh ở tầng 1 nhà A Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn)

Sàn nhà đen, bẩn, nước chảy rỉ lâu ngày tạo ra nhiều mảng rêu đen kịt bám đầy các rãnh tường, sàn nhà vệ sinh. Ảnh: Học sinh cung cấp vào tháng 8 (Nhà vệ sinh ở tầng 1 nhà A Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn)

Sàn nhà đen, bẩn, nước chảy rỉ lâu ngày tạo ra nhiều mảng rêu đen kịt bám đầy các rãnh tường, sàn nhà vệ sinh. Ảnh: Học sinh cung cấp vào tháng 8 (Nhà vệ sinh ở tầng 1 nhà A Trường Trung học phổ thông Thạch Bàn)

Một học sinh hài hước chia sẻ: “Chúng em thường nói vui là: Nhà vệ sinh nhưng... phải mở cửa!”.

Em A. (học sinh Trường Trung học phổ thông Nhân Chính - Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ "nỗi sợ" khi nói về nhà vệ sinh trường học. A. cho biết: “Lần nào muốn đi vệ sinh em cũng phải chờ về đến nhà. Phòng vệ sinh ở trường em không có cửa đóng, nước thì phải dùng ở cái thùng...”, A. nhắc về nhà vệ sinh với giọng đầy ngán ngẩm.

Theo A., ở trường mỗi tầng được bố trí 2 nhà vệ sinh, mỗi phòng có đủ khu vệ sinh nặng và vệ sinh nhẹ, tuy nhiên đều gặp tình trạng là cửa không đóng được. Và từ ngày vào nhà vệ sinh với những trải nghiệm không mấy thoải mái, A. rất ngại và sợ đi vệ sinh ở trường.

Một phụ huynh ở khu vực Đống Đa, Hà Nội cũng bức xúc chia sẻ với phóng viên: “Con nhà tôi bảo không bao giờ dám đi vệ sinh ở trường vì nhà vệ sinh rất bẩn. Rất mong muốn các trường học chú trọng xây dựng khu vực vệ sinh để các con được yên tâm học tập, theo tôi đây là một vấn đề rất cấp thiết”.

Học sinh phản ánh nhà vệ sinh xuống cấp, lãnh đạo các trường nói gì?

Để làm rõ thực hư thông tin phản ánh của học sinh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ trao đổi và xác minh thông tin với lãnh đạo Trường trung học phổ thông Nhân Chính (Thanh Xuân - Hà Nội) và Trường trung học phổ thông Thạch Bàn (Long Biên - Hà Nội).

Khu vực nhà vệ sinh của trường trung học phổ thông Nhân Chính. Ảnh: Doãn Nhàn

Khu vực nhà vệ sinh của trường trung học phổ thông Nhân Chính. Ảnh: Doãn Nhàn

Cụ thể, qua làm việc với lãnh đạo Trường trung học phổ thông Nhân Chính, đại diện ban giám hiệu nhà trường thừa nhận hệ thống cơ sở vật chất của trường, trong đó có khu vực nhà vệ sinh đã xuống cấp do trường xây dựng đã lâu.

“Trường trung học phổ thông Nhân Chính đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2002, đến nay đã 20 năm rồi. Năm 2015-2016, nhà trường cũng đã trình thành phố xây dựng, cải tạo lại toàn bộ các dãy nhà, tuy nhiên dự án vẫn đang được tiến hành. Theo chủ trương của thành phố, giai đoạn 2021-2023 sẽ cho xây dựng, cải tạo lại.

Trường xây dựng lâu năm rồi nên sự xuống cấp là điều không tránh khỏi, tuy nhiên nhà trường vẫn cố gắng đảm bảo sự an toàn, sạch sẽ cho học sinh. Khu vực nhà vệ sinh đúng là đã có sự xuống cấp tuy nhiên không phải ở mức quá xập xệ, có thể tường không được mới tuy nhiên vấn đề vệ sinh luôn được đảm bảo. Sau mỗi giờ học đều có đội vệ sinh lau dọn đầy đủ”, đại diện ban giám hiệu nhà trường khẳng định.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đỗ Đức Thắng - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Về vấn đề nhà vệ sinh xuống cấp, để cải tạo thì hiện nay nhà trường không thể đảm bảo kinh phí, trình lên lãnh đạo để cải tạo thì cũng rất lãng phí vì sang năm tới sẽ sửa chữa lại toàn bộ. Hiện tại đã là năm 2022, do đó giải pháp trước mắt để khắc phục vấn đề nhà vệ sinh xuống cấp trong giai đoạn này là sửa chữa thường xuyên khi có phát hiện ra hỏng hóc”.

Cô Nguyễn Phương Lan - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm: “Mỗi ca vệ sinh nhà trường có 2 nhân viên vệ sinh. Nhìn chung, về cơ bản vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, khu vực vệ sinh công cộng sẽ không thể bằng với các thiết bị vệ sinh trong gia đình của các em học sinh được. Do đó, có thể một vài em học sinh khi so sánh với thiết bị vệ sinh của gia đình mình sẽ có đôi chút hụt hẫng”.

Mỗi nhà vệ sinh gồm 3 bồn tiểu tiện, 1 gian vệ sinh nặng và 1 bồn rửa tay. Ảnh: Doãn Nhàn

Mỗi nhà vệ sinh gồm 3 bồn tiểu tiện, 1 gian vệ sinh nặng và 1 bồn rửa tay. Ảnh: Doãn Nhàn

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có khảo sát thực tế phòng vệ sinh của nhà trường. Theo đó, tại trường trung học phổ thông Nhân Chính có 4 tầng, tại mỗi tầng học được bố trí 1 khu vực vệ sinh, chia ra 2 phòng dành cho nam và nữ, được đặt cạnh nhau.

Trong mỗi phòng vệ sinh có 1 gian vệ sinh có cửa, tuy nhiên qua ghi nhận thực tế có một số cửa không thể đóng được do hỏng chốt gài.

Ngoài 1 gian vệ sinh có cửa, mỗi phòng cả nam và nữ đều có 3 bồn vệ sinh. Tuy nhiên, xét tổng thể việc thiết kế hiện tại không đảm bảo tính riêng tư, khi các bồn vệ sinh được xây dựng sát nhau, không có vách ngăn, các khóa vòi nước đã bị rỉ sét.

Cửa ra vào hầu hết các phòng vệ sinh cả nam và nữ đều đã bị hỏng. Ánh sáng các phòng vệ sinh khá tối. Phòng vệ sinh nam tầng 3 bị hỏng bóng đèn, hiện chưa được thay mới.

Rất nhiều cửa chính các phòng vệ sinh đều đã bị hỏng chốt khóa, cánh cửa chỉ có thể khép lại nhưng không thể chốt kín. Ảnh: Doãn Nhàn

Rất nhiều cửa chính các phòng vệ sinh đều đã bị hỏng chốt khóa, cánh cửa chỉ có thể khép lại nhưng không thể chốt kín. Ảnh: Doãn Nhàn

Rất nhiều cửa chính các phòng vệ sinh đều đã bị hỏng chốt khóa, cánh cửa chỉ có thể khép lại nhưng không thể chốt kín. Ảnh: Doãn Nhàn

Rất nhiều cửa chính các phòng vệ sinh đều đã bị hỏng chốt khóa, cánh cửa chỉ có thể khép lại nhưng không thể chốt kín. Ảnh: Doãn Nhàn

Giờ ra chơi 210 học sinh/một nhà vệ sinh

Qua trao đổi với lãnh đạo nhà trường, hiện trường trung học phổ thông Nhân Chính có khoảng hơn 1.700 học sinh. Trường có 8 phòng vệ sinh, trung bình mỗi dãy phòng học có 2 nhà vệ sinh nam và nữ, sức chứa khoảng 5 người mỗi phòng. Như vậy, trung bình mỗi ca học có khoảng hơn 210 học sinh/nhà vệ sinh.

Chia sẻ với phóng viên, cô Lan cho biết: “Hiện nay nhà trường vẫn đang chờ cấp trên sửa chữa cải tạo lại. Mới đây thành phố đã phê duyệt nguồn vốn và kinh phí thực hiện, đây là điều đáng mừng và hy vọng việc sửa chữa sẽ sớm được triển khai.

Một trong những cái khó của trường là đơn vị công lập, vì vậy trường không thể tự ý muốn chi gì là chi được. Do đó, trong thời gian chờ đợi cải tạo lại, nhà trường cố gắng trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp vẫn đảm bảo công năng phục vụ tối thiểu và cơ bản cho các em học sinh.

Ngoài ra, vấn đề giữ gìn vệ sinh còn liên quan tới ý thức của học sinh, một số em ý thức giữ gìn vệ sinh chung còn chưa tốt nên nhà trường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, trường luôn cố gắng tăng cường giáo dục ý thức cho học sinh để đảm bảo khu vực vệ sinh luôn được sạch sẽ”.

Chiều ngày 14/9, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã liên hệ và làm việc với Trường trung học phổ thông Thạch Bàn (Long Biên - Hà Nội) để làm rõ về vấn đề nhà vệ sinh xuống cấp theo phản ánh của học sinh.

Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Hữu Đồng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nhà trường đã kiểm tra cơ sở vật chất để chuẩn bị cho năm học mới. Việc nhà vệ sinh xuống cấp trường đã cải tạo và sửa chữa".

Theo đó, thầy Đồng đã cho phóng viên xem hình ảnh nhà vệ sinh tầng 1 nhà A. Theo thầy Đồng, nhà vệ sinh này trước đây hỏng cánh và hiện tại đã được sửa lại.

Hình ảnh Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Thạch Bàn cung cấp cho phóng viên bên trái là ảnh chụp nhà vệ sinh bị hỏng vách ngăn. Ảnh bên phải là ảnh đã lắp đặt vách ngăn. Thầy Đồng cho biết, nhà vệ sinh xuống cấp trước hết là tăng tần suất lau rửa không để mùi hôi, tiếp theo là xin phép cho cải tạo trống xuống cấp. Ảnh: NTCC

Hình ảnh Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Thạch Bàn cung cấp cho phóng viên bên trái là ảnh chụp nhà vệ sinh bị hỏng vách ngăn. Ảnh bên phải là ảnh đã lắp đặt vách ngăn. Thầy Đồng cho biết, nhà vệ sinh xuống cấp trước hết là tăng tần suất lau rửa không để mùi hôi, tiếp theo là xin phép cho cải tạo trống xuống cấp. Ảnh: NTCC

Khi phóng viên đề cập đến vấn đề nhà vệ sinh có sàn cáu bẩn, xuống cấp, đặc biệt với thiết kế "khó hiểu" của khu vực vệ sinh mà theo mô tả hài hước của nhiều học sinh là "bồn cầu mặt đối mặt, không có cửa".

Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Thạch Bàn khẳng định: "Trường có 30 phòng vệ sinh nam và nữ. Trong đó, có 1 phòng tầng 1 nhà A nền lún làm hư hỏng vách ngăn. Ảnh chụp trước là vách ngăn hỏng, đã tháo dỡ. Ảnh sau là hình ảnh nhà vệ sinh đã lắp đặt vách ngăn". Theo thầy Đồng, nhà trường đã tự sửa chữa bằng nguồn chi thường xuyên. Khi phóng viên hỏi cụ thể thời gian sửa chữa nhà vệ sinh, thầy Đồng không trả lời cụ thể.

Với mong muốn phản ánh những tồn tại bất cấp của nhà vệ sinh trường học, cũng như chia sẻ cách làm hay của các cơ sở giáo dục xây dựng nhà vệ sinh sạch đẹp, để mỗi ngày đến trường của học sinh là một ngày vui. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mong nhận thông tin chia sẻ, phản ánh của học sinh, sinh viên, quý phụ huynh, nhà trường về chủ đề liên quan. Mọi ý kiến đóng góp xin được gửi về địa chỉ mail toasoan@giaoduc.net.vn hoặc số điện thoại đường dây nóng 0938.766.888.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/noi-khiep-so-mang-ten-nha-ve-sinh-truong-hoc-gio-ra-choi-210-hs1-phong-post229438.gd