Nơi khởi nguồn của 4 dòng sông

Trở lại Đình Lập vào những ngày nóng của tháng 5, tôi đem theo cảm nhận của bốn mươi tư năm trước. Đó là một huyện biên giới có địa hình núi cao, dân cư thưa thớt và còn nghèo.

“Vâng, huyện Đình Lập của chúng tôi vẫn là một huyện nghèo” - đáp lại cảm nhận của tôi, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Bí thư Huyện ủy huyện Đình Lập nói không giấu giếm - “nhưng bù lại, huyện có nhiều tiềm năng rất cần được khai thác”. Nói rồi, ông bí thư huyện vốn là bí thư tỉnh đoàn được luân chuyển về làm chủ tịch huyện rồi sang làm bí thư huyện ủy, chỉ tay lên tấm bản đồ treo trên tường tại trụ sở huyện mới “tỉnh tình tinh” nói tiếp “Một tiềm năng cũng đáng quan tâm đó chính là Đình Lập là nơi khởi nguồn của 4 dòng sông. Du lịch khám phá, du lịch thiên nhiên chắc chắn sẽ được chúng tôi “để ý” tới như là bước kích cầu cho phát triển kinh tế địa phương”.

Di tích đền Pò Háng và bức trướng Bác Hồ trao tặng.

Di tích đền Pò Háng và bức trướng Bác Hồ trao tặng.

Vẻ hào hứng chen lẫn suy tư trong từng câu nói của người đàn ông tuổi mới ngoài bốn mươi có vóc dáng thư sinh này khiến tôi phải chú ý. Đúng là phải biết tận dụng cái mình có sẵn, phải tìm ra đâu là thế mạnh thì mới có cách đi cách làm hiệu quả được.

Còn nhớ bốn mươi tư năm trước khi chúng tôi trèo đèo vượt núi để vào xã Bắc Xa. Chặng đường quả là vất vả. Lúc vừa đặt chân xuống dòng suối nhỏ vắt ngang con đường mòn dẫn vào bản, tôi đã vội nhấc ngay chân lên mà kêu “Lạnh quá!”. Thật là lạ, đang giữa trưa hè nắng rát bỏng, vậy mà nước của dòng suối lại lạnh đến bất ngờ. Thấy vẻ tần ngần của tôi như vậy, một chiến sĩ trẻ, là người được chỉ huy Tiểu đoàn 8 phân công ra huyện đón chúng tôi vào bản, liền nói ngay “Đầu nguồn sông Kỳ Cùng đấy. Nước lạnh quanh năm”.

Đầu nguồn sông Kỳ Cùng là đây ư? Con sông Kỳ Cùng danh bất hư truyền được bắt nguồn từ đây ư? Sự băn khoăn của tôi không phải không có lý bởi huyện Đình Lập nằm ở phía Đông của tỉnh Lạng Sơn. Hơn nữa, thông thường các dòng sông đều đổ về Đông kia mà? Thì ra, sau khi khởi nguồn từ địa hình núi cao huyện Đình Lập, dòng sông Kỳ Cùng từng đi vào thi ca mới chảy “ngược lên” theo hướng Tây Bắc, sông đi qua các huyện Đình Lập, Lộc Bình rồi uốn lượn quanh thành phố Lạng Sơn, để lại đôi bờ những ruộng lúa, nương khoai cùng bao danh thắng.

Rồi từ thành phố Lạng Sơn, sông Kỳ Cùng sau đó mới vòng sang phía Bắc rồi “vượt biên” để vào đất Trung Quốc, đến đó sông hợp lưu với sông Bằng Tường để xuôi về Đông như lẽ thường. Nhà thơ Thy Thảo đã thốt lên “Mình em ngược về phương Bắc/ Yêu anh, yêu đến Kỳ Cùng/ Sông sâu quặn mình xiết nước/ Chẳng bằng em nhớ em mong/ Chẳng bằng em ngóng em trông”.

Tôi gật đầu “Đình Lập có đồi núi cao hóa ra đâu chỉ là nơi cho sông Kỳ Cùng phát dòng mà địa hình ấy như một “bức tường thành” che chắn cho cả một vùng xứ Lạng thanh bình và nên thơ.

Bây giờ đường vào bản Bắc Xa, xã biên giới xa xôi nhất của một huyện xa xôi nhất tỉnh Lạng Sơn, đã thuận tiện rất nhiều, con đường đã được nâng cấp cho các phương tiện cơ giới có thể tới tận từng thôn bản. Tuy dân số Bắc Xa vẫn còn thưa (chừng 8 người/km2) nhưng người đến với Bắc Xa đã nhiều. Hôm tôi trở lại cũng là một ngày nắng rát nhưng vẫn thấy từng tốp trai gái đèo nhau bằng xe máy rú ga vượt dốc chạy vèo vèo.

Nhân lúc có cặp đôi dừng lại uống nước, tôi hỏi “Các bạn là người địa phương hay khách du lịch?”. Cậu thanh niên có tên là Tuấn hồ hởi đáp “Bọn cháu đi phượt. Phượt vào Bắc Xa bởi ở đó được mệnh danh là “thiên đường bông lau”. Ở đó vẻ hoang sơ nên “thuần khiết” lắm. Không tới cũng tiếc một đời chú ạ”. Chà chà, thanh niên thời 4.0 có khác.

Tôi lại hỏi “Rồi đến đó các cháu sẽ đi đâu tiếp?”. Cậu Tuấn trả lời luôn “Phượt đường biên chú ạ. Từ đây theo đường tuần tra biên giới đã được bê tông hóa, chúng cháu xuôi sang Bình Liêu, có thể tới tận Móng Cái bên Quảng Ninh hay ngược lên Lộc Bình ăn mận”.

Đón chúng tôi ở trụ sở xã Bắc Xa, bà Vi Thị Tôn, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết “Trong phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây xác định phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi mũi nhọn, với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững”.

Nơi sông Kỳ Cùng chảy qua.

Nơi sông Kỳ Cùng chảy qua.

Được biết, trong 5 năm qua (tính từ Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đến Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 vừa diễn ra), cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân mở rộng thêm diện tích rừng trồng 450 ha (trong đó, cây thông 270 ha, cây sa nhân 120 ha, cây hồi 60 ha). Cùng với thực hiện tốt trồng rừng, nhân dân tích cực chăm sóc diện tích rừng trồng, phát quang, làm đường băng cản lửa, thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên theo dõi, thông báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn nhân dân biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Rồi bà Vi Thị Tôn khoe “Hiện sản lượng nhựa thông bình quân toàn xã thu được đạt 626 tấn/năm, tăng 240,1%; hoa hồi bình quân đạt 211 tấn/năm, tăng 352% so với mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ đã đề ra. Do đó, thu ngân sách trên địa bàn tăng dần qua các năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 7,5 triệu đồng (năm 2015) lên 34,5 triệu đồng (năm 2019). Nhờ phát huy thế mạnh kinh tế rừng, cuộc sống của nhân dân xã Bắc Xa ngày càng đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần; năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo là 11,04%, hết năm 2019, giảm xuống còn 6,40%.

Phong cảnh tuyệt đẹp ở Đình Lập.

Phong cảnh tuyệt đẹp ở Đình Lập.

Trở lại trụ sở huyện sau một ngày “khám phá” nơi khởi nguồn của sông Kỳ Cùng, việc đầu tiên là tôi “truy” Bí thư Nguyễn Hoàng Tùng “Vậy còn 3 dòng sông nữa là những sông nào?”. Không vội trả lời câu hỏi đó của tôi, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hoàng Tùng cho biết “Thời gian này, Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát công tác chuẩn bị đại hội, huyện sẽ tiến hành đại hội ngay sau khi Nhà nước công bố hết dịch”.

Sau đó ông mới chỉ tay lên tấm bản đồ nhưng lại nói chuyện khác “Lên với Đình Lập không thể không ghé thăm đền đình làng Pò Háng. Đó là một địa chỉ đỏ cách mạng với chiến khu kháng Pháp Nà Thuộc lẫy lừng ở xã Bính Xá được Bác Hồ trao tặng bức trướng “Kháng chiến hộ ưng” (Ủng hộ kháng chiến) năm 1948. Huyện đã có chủ trương phát triển du lịch thiên nhiên đi kèm với du lịch cộng đồng, qua đó mọi người sẽ được biết đến những địa chỉ lịch sử, địa chỉ văn hóa với những phong tục tập quán hay của bà con các dân tộc lâu nay “ngủ quên trong rừng” và với những cột mốc từng ghi đậm chiến công giữ gìn biên cương”.

Đình Lập là địa bàn sinh sống của các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chỉ... Người Tày sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và có nghề thủ công là dệt thổ cẩm. Hơn nữa, người Tày rất thích hát lượn (lượn cọi, lượn slương, lượn then, lượn nàng ới), phong slư, phuối pác, phuối rọi, vén eng... đó là lối hát giao duyên được phổ biến rộng rãi ở nhiều vùng. Người Tày thường lượn trong hội lồng tồng, trong đám cưới, mừng nhà mới hay khi có khách đến thăm bản.

Ngoài lượn, trong các dịp lễ hội, người Tày thường tham dự những trò chơi như: ném còn, đánh cầu lông, kéo co, múa sư tử, đánh cờ tướng... khách đến du lịch sẽ có dịp được thưởng thức những “món ăn” tinh thần đầy bản sắc dân tộc của người dân nơi đây.

Rồi nhân lúc mặt tôi đang “nở” hỉ hả trước những nét riêng văn hóa thì ông bí thư trẻ lại trở về câu hỏi trước đó của tôi, ông nói “Là sông Lục Nam, sông Đông Khuy và sông Phố Cũ”. Sông Lục Nam bắt nguồn từ độ cao khoảng 700m trên vùng núi Kham thuộc xã Đình Lập, huyện Đình Lập. Sông chảy theo hướng Tây Nam qua các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam (Bắc Giang) rồi hợp lưu cùng 5 con sông khác: sông Thương, sông Cầu, sông Đuống, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình ở Phả Lại (Hải Dương) tạo nên Lục Đầu Giang huyền thoại với chiến thắng lẫy lừng của quan quân nhà Trần đánh tan đạo quân Nguyên do Thoát Hoan và Ô Mã Nhi chỉ huy.

Bà con nông dân Đình Lập làm đường về bản.

Bà con nông dân Đình Lập làm đường về bản.

Sông Đông Khuy có lẽ là con sông ngắn nhất và “kín tiếng” nhất phát nguyên ở Đình Lập. Còn sông Phố Cũ (hay còn gọi là sông Khe Tù bởi thời trước người Pháp có lập ở gần sông một nhà lao) thì “êm ả” hơn. Sông xuôi “một mạch” về Đông và chảy song song với đường số 4. Đến thị trấn Tiên Yên (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) thì sông Phố Cũ hợp lưu với sông Tiên Yên từ mạn Bình Liêu chảy về rồi đổ ra biển ở cửa Mũi Chùa.

Đây cũng có thể là con đường thủy song hành cùng con đường số 4 lịch sử, tạo nên tuyến giao thông thuận tiện cho huyện Đình Lập phát triển giao thương và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội. (Chính trên dòng sông Phố Cũ này, những năm tháng quân ngũ tôi đã nhiều lần xuống sông tắm giặt. Dòng sông mát lành và cũng là nguồn nước ngọt tưới tốt tươi đôi bờ).

Chia tay Đinh Lập, chúng tôi tin rằng: Một khi thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, kinh tế của huyện Đình Lập sẽ có cơ hội “cất cánh”, tạo tiền đề vững chắc để huyện thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội trong thời gian tới và tôi chợt nhớ lại câu thơ một thời bộ đội “Đã yêu nhau phải đến tận Kỳ Cùng”.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/noi-khoi-nguon-cua-4-dong-song-599963/