Nơi khơi những nụ cười
Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao xã Phú Xuyên tạo môi trường lành mạnh, nơi khơi những tiếng cười.

Mỗi chuyến đi phượt cho chị một sự trải nghiệm khác nhau, nhất là đời sống văn hóa của người dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Dao - dòng máu chị mang trong mình. Tình yêu quê hương, yêu bản sắc văn hóa dân tộc Dao thôi thúc chị Dương Thị Kim Cảnh (ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên, Đại Từ) nảy ra ý tưởng thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao xã Phú Xuyên, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích, giúp chị em sống vui vẻ, hữu ích, luôn rộn rã tiếng cười...

Người ta thường nói vui với nhau “thủ trưởng nào, phong trào đấy” để nói lên tầm ảnh hưởng, sự quan trọng của người đứng đầu một tập thể, cơ quan, đơn vị… Khi áp vào Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa người Dao Phú Xuyên (CLB) thấy quả đúng như vậy.

Khi gọi điện làm quen, đặt vấn đề làm việc với chị Cảnh, người đầu tiên đưa ra ý tưởng thành lập CLB, dù chưa biết mặt, chỉ nghe qua cách giao tiếp nhưng chúng tôi đã cảm thấy mến mộ, phấn chấn và lập tức lên đường tới xóm Tân Lập, nơi có 100% số dân là người dân tộc Dao.

Gặp chị Cảnh, cảm giác đó càng “thăng hoa” khi trước mắt chúng tôi là người phụ nữ đang ở độ tuổi chín muồi về nhan sắc, cũng như cách nghĩ, cách làm, có lối nói chuyện cởi mở, gần gũi, gương mặt phúc hậu với nước da trắng hồng, trên môi luôn nở nụ cười tươi tắn.

Chị Cảnh có may mắn hơn nhiều chị em ở xóm là được đi đây, đi đó, khắp mọi miền đất nước. Đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người khiến tầm nhìn của chị được mở rộng, tư duy sâu sắc hơn. Khi trở về quê hương, chị muốn làm một việc gì đó thật hữu ích, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho những chị em phụ nữ Dao quê mình.

Xuất phát từ mong muốn đó, năm 2022, CLB được thành lập, lúc đầu có 18 thành viên tham gia, nay đã tăng lên gần 50 người. “Tôi lớn lên bằng những lời ca, tiếng hát của đồng bào Dao Quần chẹt, biết thêu khăn, thêu váy từ thuở ấu thơ, hồn cốt văn hóa của đồng bào đã thấm sâu vào tâm hồn tôi. Tôi đi nhiều, biết nhiều, niềm vui nhờ đó cũng nhân lên, giờ tôi muốn truyền cảm hứng đó cho chị em, giúp chị em thấy được ý nghĩa của cuộc sống tươi đẹp, thấy được những giá trị đích thực của những việc mình đã, đang và sẽ làm…” - Chị Cảnh chia sẻ.

Xuất phát từ suy nghĩ đó, chị Cảnh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để góp phần gìn giữ, bảo tồn, lan tỏa những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến nhiều người và nhiều vùng miền trên cả nước.
Qua tâm sự, chúng tôi được biết về một điều khá thú vị và bất ngờ về chị - người mẹ Dao đã cùng con trai đi phượt khi cậu bé mới 18 tháng tuổi. Chị bảo: Tôi luôn làm chủ mọi quyết định của mình nên cảm thấy thoải mái và vui vẻ.

Nếu như trước kia, chị Bùi Thị Duyên, bà Dương Thị Thanh, Triệu Minh Loan… chỉ quẩn quanh với việc đồng áng, gia đình. Việc nội trợ, chăm sóc chồng, con… cuốn lấy các chị theo một vòng lặp nhàm chán, tẻ nhạt. Có những nỗi buồn, niềm vui không biết chia sẻ, giãi bày cùng ai… Nhưng từ ngày các bà, các chị tham gia CLB thì khác, có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, chia sẻ với nhau kinh nghiệm làm ăn, thêu thùa, những buồn, vui… trong cuộc sống; đặc biệt, các bà, các chị được nhảy múa, ca hát để cảm thấy cuộc đời thật vui tươi.

Hơn thế, những người trong CLB còn lan tỏa văn hóa Dao đến nhiều người, góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp của dân tộc Dao Quần chẹt như tiếng nói, chữ viết, trang phục...

Chị Cảnh cho biết: Từ năm 2023, tôi đã cộng tác với Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo ngôn ngữ và Văn hóa các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc, thuộc Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên; đồng thời tham gia giảng dạy tiếng Dao cho lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng ở một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Tôi còn hợp tác với Trường THPT Nguyễn Huệ (Đại Từ), tham gia giảng dạy về văn hóa dân tộc Dao cho các em học sinh. Tuy nhiên, điều khiến tôi tâm đắc nhất đó là tiếp tục “nối truyền”, phát huy nghề bốc thuốc nam từ đời ông bà, cha mẹ để lại. Tham gia CLB, ai có nhu cầu tôi cũng sẵn sàng truyền dạy, để nghề không bị mai một.

Tham gia CLB không chỉ có những người trung, cao niên mà chính nhờ những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, CLB còn thu hút cả các cháu thiếu niên, nhi đồng tham gia học chữ viết, tiếng nói, nhảy múa, thêu thùa...


“Sau những chuyến đi, khi trở về quê hương, điều khiến tôi trăn trở nhất là tiếng Dao đang ngày càng xa lạ với các em nhỏ. Còn việc may vá, thêu thùa lại chỉ trông vào một số cụ bà trong làng. Trong những dịp lễ, Tết, số người mặc trang phục Dao ngày một thưa vắng...’’ - Chị Cảnh bộc bạch.

Xuất phát từ những trăn trở đó, chị Cảnh đã dành nhiều tâm huyết biên soạn giáo trình để truyền dạy tiếng Dao cho người dân trong xóm và lên ý tưởng thành lập CLB. Buổi ban đầu, các thành viên Ban vận động thành lập CLB phải lặn lội đến tận nhà những bậc cao niên, người có kinh nghiệm, am hiểu văn hóa Dao để sưu tầm, vận động mọi người chung tay gìn giữ văn hóa dân tộc.

Trong các buổi sinh hoạt, các bà, các chị được phân công hướng dẫn kỹ thuật may, thêu và kèm cặp các cháu nhỏ hát dân ca Dao cùng một số điệu múa truyền thống, như múa chuông, múa kiếm, múa đao... Các cụ ông, các chú thì dạy chữ Nôm Dao cho trẻ nhỏ và những người có nhu cầu học chữ Dao trong vùng...

“Sự hào hứng, thích thú của học trò khi thêu được một bông hoa, một cái cây hay thành thạo làn điệu Pả Dung… đã truyền thêm nhiệt huyết cho tôi để tiếp tục cố gắng, nỗ lực trong việc góp phần gìn giữ, lan tỏa văn hóa dân tộc mình sâu rộng hơn nữa.” - Chị Cảnh chia sẻ

“Những dịp lễ, Tết ở địa phương, xã cũng lồng ghép tuyên truyền và đưa các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao vào trình diễn trong các chương trình văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng…” - Ông Nguyễn Văn Hồng cho biết.

Chia tay các thành viên CLB, trong lòng chúng tôi xốn xang bao niềm vui bởi những điều được mắt thấy, tai nghe; kể cả những lo lắng, trăn trở của họ… cũng là nguồn cảm hứng để chúng tôi thực hiện bài viết này. Chúng tôi mong góp một tiếng nói để văn hóa truyền thống, đặc sắc không chỉ của đồng bào Dao mà của tất cả các dân tộc trên dải đất hình chữ S đều trường tồn theo thời gian.
