Nối lại các tuyến xe khách liên tỉnh: Hệ lụy từ sự quá thận trọng
Mặc dù nhu cầu đi lại của người dân rất cao sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, nhưng việc nối lại các tuyến xe khách liên tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do các địa phương còn 'quá thận trọng' dễ phát sinh tình trạng xe dù, bến cóc tiềm ẩn nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Cung không đủ cầu dễ phát sinh tiêu cực
Ngày 20/10 vừa qua, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn quận Nam Từ Liêm nói riêng và tại Thủ đô nói chung không khỏi lo lắng khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội đã có thông báo tìm người đi xe của nhà xe Vân Tuyến khởi hành từ Bình Dương đến khu vực Bến xe Mỹ Đình khoảng 3h30’ cùng ngày.
Việc nối lại hoạt động của các tuyến xe khách liên tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do các địa phương còn chưa có sự thống nhất, độ phủ vắc - xin không đồng đều,...
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã lên tiếng khẳng định, hiện chưa có xe khách chính thức chạy tuyến Hà Nội - Bình Dương và ngược lại. Xe khách của nhà xe Vân Tuyến đã “chạy chui” từ Bình Dương ra Hà Nội và có chở bệnh nhân dương tính với COVID-19.
Thực tế, ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước, các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về chở khách sai quy định.
Điều này cho thấy nhu cầu di chuyển của người dân là rất cao và các cơ quan quản lý nhà nước cần có những giải pháp để kiểm soát hiệu quả việc đi lại để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chứ không phải là “ngăn sông cấm chợ”, cấm tuyệt đối.
Nhất là sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất kinh tế, giao thương được phục hồi thì nhu cầu đi lại của người dân lại càng cao hơn nhưng thực tế khả năng đáp ứng còn hạn chế. Thông tin Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội Nguyễn Anh Toàn cho biết, từ ngày 14 - 23/10, cả 3 bến xe gồm Mỹ Đình, Gia Lâm, Giáp Bát có 492 lượt xe xuất bến và đón được 1.630 hành khách.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh khẳng định, việc nối lại các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh là hết sức cấp thiết trong thời điểm hiện nay để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
“Khi người dân có nhu cầu nhưng cung không có chắc chắn sẽ phát sinh tiêu cực là tình trạng xe khách “chạy chui” và điều này còn tiềm ẩn nguy cơ cao làm lây lan dịch bệnh COVID-19. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế đã có những quy định hết sức cụ thể về việc nối lại hoạt động vận tải xe khách liên tỉnh bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Nhưng trên thực tế, việc triển khai tại các địa phương còn nhiều vướng mắc, chưa thể thông suốt do tâm lý lo lắng dịch bệnh có thể bùng phát trở lại. Tất nhiên, trong quá trình khôi phục lại các tuyến xe khách liên tỉnh, cả hành khách và đơn vị vận tải phải chấp hành nghiêm các quy định phòng dịch như thông điệp 5K, chạy đúng lộ trình, luồng tuyến,... và các quy định hiện hành”, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết thêm.
Nhiều bến xe vắng khách, các nhà xe, đơn vị vận tải còn chưa mặn mà hoạt động trở lại do còn một số khó khăn, tồn tại.
Đặc biệt một vấn nạn đã tồn tại dai dẳng không chỉ tại Hà Nội mà ở nhiều tỉnh thành trên cả nước là tình trạng xe dù, bến cóc ngang nhiên hoạt động nhưng các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng không thể xử lý dứt điểm. Và vấn nạn này càng nguy hiểm hơn khi dịch bệnh COVID-19 vẫn có những diễn biến phức tạp.
Sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Trong báo cáo số 10971/BC-BGTVT gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về đánh giá tình hình thực hiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách trong thời gian thí điểm (từ ngày 13-18/10), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã nêu lên hàng loạt những khó khăn trong hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô-tô.
Đơn cử như yêu cầu đối với lái xe, phụ xe phải tiêm đủ liều vắc-xin là khó thực hiện. Do thực tế lái xe, phụ xe, nhân viên phục vụ trên xe ở hầu hết các địa phương đều mới được tiêm 1 liều vắc-xin, tỷ lệ tiêm đủ liều vắc-xin (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử/PC - COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin của cơ quan có thẩm quyền) còn thấp.
Như tại Nghệ An, số lượng lái xe vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19 mới chỉ đạt 41 người/khoảng 700 lái xe liên tỉnh, không đáp ứng đủ số lượng để thí điểm khôi phục lại các tuyến cố định liên tỉnh.
Tỉnh Đắk Nông, Sơn La, Hà Tĩnh,… tỷ lệ tiêm vắc-xin trên địa bàn thấp. Hiện lái xe được tiêm chưa đạt đến 50% hoặc tại một số địa phương có nhiều đơn vị kinh doanh vận tải không đăng ký tham gia thí điểm do không đủ điều kiện về công tác phòng chống dịch COVID-19 như tỉnh Đồng Tháp.
Số lượng người được tiêm vắc-xin mũi 2 còn thấp khiến lượng khách từ các tỉnh nhỏ đi các thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng không cao. Tâm lý hành khách còn e ngại, lo lắng nên chưa tự tin đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng...
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phan Thị Thu Hiền, hoạt động vận tải đường bộ có đặc thù, phân tán của tổ chức vận tải. Người đi phương tiện vận tải đường bộ không tập trung tại điểm đón và điểm trả nên trong vận tải đường bộ cần có sự thận trọng.
Việc triển khai nối lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ đòi hỏi sự đồng bộ toàn tuyến trên một hành trình và nhất là phải có sự thống nhất giữa hai đầu địa phương của một tuyến vận tải. Cả nước hiện có đến 5.000 tuyến vận tải đường bộ khác nhau, không dễ để vận hành đồng bộ ngay.
Bên cạnh đó, thời gian thí điểm ngắn nên lượng hành khách giữa hai đầu bến ít, nhiều tuyến xe hoạt động nhưng không có khách do tâm lý hành khách còn e ngại. Vì vậy doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn còn thăm dò nhu cầu khách đi để quyết định có chạy hay không.
Về phía doanh nghiệp vận tải hành khách, Giám đốc hãng xe Sao Việt (chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai) Đỗ Văn Bằng cho rằng, hiện tại những ca mắc COVID-19 tại các địa phương vẫn còn nhiều. Do đó hành khách lo ngại di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác để giao thương rất là hạn chế.
Hoạt động xe khách liên tỉnh được nối lại đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và phục hồi sản xuất.
Khi khôi phục hoạt động vận tải liên tỉnh là một loạt khâu bán vé, xe trung chuyển, văn phòng cũng phải hoạt động và các chi phí vận hành, phòng chống dịch. Trong khi đó, những quy định về giãn cách ghế ngồi, số lượng chuyến được phép hoạt động hạn chế,... khiến doanh thu thấp nên nhiều đơn vị chưa mặn mà nối lại hoạt động vận tải hành khách bằng ô-tô.
Trao đổi với PV, anh Nam - một lái xe khách có thâm niên chia sẻ, chưa bao giờ xe khách lại “ế ẩm”, khó khăn như trong thời gian qua khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Mọi hoạt động giao thương trì trệ, các tuyến xe khách liên tỉnh phải dừng hoạt động, nhà xe điêu đứng còn lái xe, nhân viên phải nghỉ việc thời gian dài, thu nhập không có.
Khi biết được thông tin các tuyến xe khách liên tỉnh được nối lại anh Nam và nhiều anh em lái xe khác đã rất vui mừng. Nhưng những quy định về tiêm vắc-xin, xét nghiệm với hành khách, tài xế và nhiều địa phương còn thận trọng khiến hoạt động trở lại của xe khách còn nhiều khó khăn. Hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn trong thời gian tới.
Thế Anh