Nối lại đàm phán Mỹ - Trung sau ảnh hưởng của Covid-19

Ngày 11/6, tại cuộc họp báo thường kỳ của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, các cố vấn cấp cao của Chính phủ Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh và Washington cần nối lại các đàm phán chiến lược sau khi việc thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 bị ảnh hưởng của Covid-19.

Căng thẳng Mỹ - Trung đã có dấu hiệu gia tăng trong năm nay kể từ khi ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 1, đặc biệt với sự xuất hiện và bùng phát của đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù cả hai nước đã cam kết thực hiện các điều khoản của thỏa thuận, các nhà phân tích đã nhấn mạnh sự không chắc chắn ngày càng tăng, sự sụt giảm gần đây trong việc nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc và giảm nhập khẩu của Mỹ trong vài tháng đầu năm nay.

Cố vấn Zhu Guangyao của Hội đồng Nhà nước cho biết một cách khách quan, dịch bệnh có tác động đến việc thực hiện thỏa thuận này. Nhưng ngay cả trong những trường hợp như vậy, Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng cả hai bên vẫn nên đàm phán với nhau. Theo thỏa thuận, Bắc Kinh đã đồng ý nhập thêm 200 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ trong hai năm, mặc dù các nhà kinh tế đặt câu hỏi liệu điều này có xảy ra với hoạt động kinh doanh do virus gây ra hay không. Các quan chức cho biết hồi tháng trước rằng, "tiến bộ tốt" đã được thực hiện nhằm tạo ra các điều kiện cần thiết để làm cho thỏa thuận thành công. Giai đoạn đàm phán thương mại thứ hai được hy vọng sẽ chạm đến các vấn đề cơ cấu. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng tình trạng hiện tại của mối quan hệ Mỹ - Trung là "rất không thỏa đáng vì các kênh liên lạc đã ở trong tình trạng bế tắc".

Trung Quốc và Mỹ nên duy trì "liên lạc kịp thời" về các vấn đề chính, đồng thời cả hai bên "nên nối lại giao tiếp chiến lược ở nhiều cấp độ khác nhau bao gồm cả chính trị, ngoại giao và kinh tế". Các cố vấn của Hội đồng Nhà nước vẫn lạc quan về sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Cố vấn Liu Huan (Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc) hy vọng, kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục trong quý hai và tiêu dùng sẽ tăng vọt trong quý thứ ba nếu tình hình dịch bệnh ổn định. Trung Quốc đã ghi nhận một sự thu hẹp GDP lịch sử trong ba tháng đầu tiên. Trung Quốc "không loại trừ khả năng thâm hụt ngân sách hoặc kích thích tài chính lớn hơn", nhưng điều này phụ thuộc vào hiệu quả của chính sách tiền tệ hiện tại.

Duy Hưng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/noi-lai-dam-phan-my-trung-sau-anh-huong-cua-covid-19-138921.html