Kinh tế tuần hoàn - cơ hội và thách thức
Phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Những xu hướng này đang tạo ra những cơ hội và thách thức lớn. Việc xem xét, xây dựng chính sách và triển vọng của KTTH cũng như nhận diện những vấn đề thách thức trong thời gian tới là rất quan trọng, đang được Chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp quan tâm.
Có nhiều cơ hội
Tại diễn đàn thực hiện KTTH ở Việt Nam trong điều kiện mới vừa được tổ chức, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, KTTH có vai trò quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; trong đó có phát triển KTTH như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về KTTH. Trong đó, có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam. Thời gian tới, Chính phủ sẽ phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đến năm 2030. Qua đó cho thấy, Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công An, Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều mô hình và cách làm sáng tạo từ trước. Điển hình, trong nông nghiệp, việc sử dụng các mô hình KTTH đang khá phổ biến như: mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) hay vườn - rừng - ao - chuồng (VRAC)… Đây là mô hình KTTH khép kín hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, vừa tận dụng, khai thác triệt để chất thải, phụ phẩm trong sản xuất, đảm bảo kinh tế, vừa giải quyết vấn đề môi trường trong nông nghiệp và ở nông thôn.
Hay như, trong công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, có các mô hình KTTH cũng đang được ứng dụng ở nhiều doanh nghiệp. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào phát triển năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió; mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp như phế phẩm ngành sản xuất mía đường để làm rượu, phát điện; tro xỉ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng, mô hình tận dụng vỏ tôm để làm Chitosan và SEE với tiềm năng 4-5 tỷ USD hàng năm...
Các mô hình các khu công nghiệp, thành phố sinh thái - kinh tế mới đã được ra đời gần đây ở một số địa phương như: Hải Phòng, Ninh Bình, Cần Thơ, Kiên Giang, Đà Nẵng; Bà Rịa Vũng - Tàu với 4 nhóm mô hình KTTH được đề xuất bao gồm: mô hình KTTH gắn với cảng biển và logistics; mô hình KTTH cộng sinh công nghiệp; mô hình KTTH trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản; mô hình KTTH gắn với du lịch sinh thái...
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thành, việc chuyển sang mô hình KTTH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, hạn chế thải ra môi trường là yêu cầu cấp bách, vừa nhằm giải quyết vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí nguyên, nhiên liệu sản xuất của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nhận thức về KTTH còn nhiều hạn chế, trong cả quản lý, sản xuất và tiêu dùng. Hệ thống thể chế, quy định, chính sách cho phát triển KTTH cũng còn nhiều bất cập như: tư duy hệ thống trong hoạch định, điều hành chính sách, pháp luật và thực tiễn sản xuất, kinh doanh chưa đồng bộ, hiệu quả; Hệ thống pháp luật về KTTH còn phân tán; Tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật còn hạn chế; Cơ chế chính sách đặc thù, thử nghiệm cho phát triển KTTH chưa được ban hành.
Cùng với đó, còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực tài chính cho phát triển KTTH. Thực tiễn cho thấy nguồn lực này chưa đáp ứng yêu cầu; Đầu tư cho hoạt động R&D, khoa học công nghệ cho phát triển KTTH còn hạn chế; Chưa có sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu (viện, trường) với doanh nghiệp. Trong khi đó, việc đầu tư vào các ngành/lĩnh vực xanh và KTTH thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn.
Do đó, theo TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để hiện thực hóa kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH cần thúc đẩy thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm như: nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện KTTH; trong đó, chú trọng đẩy mạnh truyền thông, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, pháp luật, nhân rộng các thói quen và thực hành tốt về thực hiện KTTH…
Cùng với đó, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện KTTH; hỗ trợ thúc đẩy áp dụng KTTH trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tăng cường quản lý chất thải và thúc đẩy liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện KTTH…
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/kinh-te-tuan-hoan-co-hoi-va-thach-thuc-156053.html