Nối lại truyền thống áo dài nam

Nói đến áo dài Việt Nam, mọi người đều nghĩ đến hình ảnh duyên dáng, nhẹ nhàng của người phụ nữ Việt mà ít ai nhớ 'áo dài, khăn đóng' cũng từng là trang phục truyền thống của đàn ông Việt. Những ngày qua, ngành văn hóa Thừa Thiên Huế vừa triển khai cho toàn thể cán bộ công chức, người lao động mặc áo dài trong ngày thứ 2 đầu tháng. Qua đó cho thấy, áo dài nam đang dần nối lại mạch truyền thống đã từng bị đứt gãy.

Trình diễn áo dài nam trong chương trình "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2020. Ảnh: Lại Tấn

Trình diễn áo dài nam trong chương trình "Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam" tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2020. Ảnh: Lại Tấn

Áo dài nam bị mai một

Theo một số tài liệu nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, áo dài ngũ thân nam được định hình từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765). Tuy nhiên, trải qua nhiều biến cố lịch sử, tà áo dài ngũ thân của nam giới đã bị quên lãng. Họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Trung tâm Hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân cho biết: “Đối với áo dài ngũ thân của đàn ông, qua hình ảnh người Pháp ghi lại giai đoạn trước năm 1945, trong đời sống thường nhật, trong lễ hội, đàn ông Việt luôn mặc áo dài, từ người già đến trẻ nhỏ. Tuy vậy, do ảnh hưởng văn minh phương Tây, phong trào Âu hóa lan rộng trong giới trí thức, tư sản, quan lại đến dân thường, dần dần trang phục áo dài của đàn ông Việt thay đổi, rồi mờ nhạt trong đời sống, chỉ còn đọng lại ở trang phục của những người thực hành tôn giáo, tín ngưỡng”.Trong giai đoạn 9 năm kháng chiến (1946 - 1954), đặc biệt sau cải cách ruộng đất ở miền Bắc, hình ảnh áo dài là thường phục của giới đàn ông đã mất hẳn, số ít còn đọng lại trong các nghi lễ nội bộ gia đình, dòng tộc. Cuối thập niên 50, áo dài nam xuất hiện trên sâu khấu, đặc biệt trong các vở diễn liên quan tới thời kỳ phong kiến tạo ấn tượng mạnh với các nhân vật phản diện quan lại, địa chủ, cường hào. Từ giai đoạn này, thưa dần người biết đến kiểu dáng áo dài ngũ thân nguyên bản. Áo dài của sâu khấu cải biên đã ngấm dần vào thị giác khán giả, hồn nhiên bước vào đời sống. Cứ như vậy, áo dài nam không còn giữ được những nét tạo hình và cách may, cách mặc như áo ngũ thân có từ thời Nguyễn cũng như những đặc điểm tinh tế của áo dài ngũ thân thuở ban đầu. "Đến thời điểm hiện nay, áo dài nam đã bị trượt xa không còn mang bản sắc văn hóa đàn ông Việt” - ông Nguyễn Đức Bình chia sẻ.Lan tỏa qua các sự kiệnTrong vài năm trở lại đây, kể từ khi CLB áo dài nam của nhóm Đình làng Việt được thành lập, nhóm đã quy tụ được nhiều thành viên yêu thích và thể nghiệm áo dài. Thành viên trong nhóm phần lớn là những nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ - những người góp phần tích cực quảng bá hình ảnh áo dài và vận động mọi người mặc áo dài.Vừa qua, tại lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại đang diễn ra tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhóm Đình làng Việt tổ chức gian hàng trưng bày áo dài nam truyền thống. Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, tiếp nối các hoạt động quảng bá áo dài nam đã được nhóm triển khai, trưng bày áo dài nam trong lễ hội là một sự kiện tiếp tục tạo thêm sức lan tỏa, khẳng định sức sống bền bỉ của trang phục. Nhiều hoạt động được tổ chức như giao lưu về áo dài nam truyền thống, lịch sử, đặc điểm, bản sắc văn hóa của áo dài ngũ thân nam giới. CLB giới thiệu về cách may, mặc, những vấn đề bảo tồn và phát huy trang phục này. “Tại không gian này, chúng tôi cũng đón tiếp các vị khách quan tâm đến trang phục áo dài nam, giúp mọi người mặc thử, quấn khăn và trao đổi các vấn đề liên quan đến áo dài. Đặc biệt là việc tư vấn địa điểm may, đo để mọi người có thể may cho mình những trang phục áo dài nam đúng chuẩn truyền thống” - họa sĩ Nguyễn Đức Bình chia sẻ.Thông qua các hoạt động này, sức lan tỏa của những bộ trang phục áo dài ngũ thân trong đời sống ngày càng rộng rãi, tạo nên những định hướng đúng đắn khi thực tế đang xuất hiện những sưu tập trang phục áo dài lệch chuẩn nhưng vẫn được tung hô là áo dài nam truyền thống.

Áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu dài, được coi là trang phục truyền thống của mỗi người dân Việt Nam. Nếu như áo dài phụ nữ là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng làm toát lên nét duyên dáng, thanh lịch của người con gái Việt Nam, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, nghiêm cẩn, tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông.

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam - PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/noi-lai-truyen-thong-ao-dai-nam-396275.html