Nỗi lo bệnh dại ở Đắk Lắk

Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận hai trường hợp tử vong do bệnh dại, đều bị chó cắn nhưng chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại.

Nhằm ngăn chặn bệnh dại trên địa bàn tỉnh, ngành Thú y tỉnh Đắk Lắk triển khai tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi trên địa bàn.

Nhằm ngăn chặn bệnh dại trên địa bàn tỉnh, ngành Thú y tỉnh Đắk Lắk triển khai tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi trên địa bàn.

Chỉ trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk liên tiếp ghi nhận hai trường hợp tử vong do bệnh dại, đều bị chó cắn nhưng chủ quan không đi tiêm vaccine phòng dại.

Liên tiếp tử vong do bệnh dại

Trong hai năm 2019 và 2020, Đắk Lắk ghi nhận các trường hợp tử vong do bệnh dại khá cao so các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bệnh dại thường gia tăng trong mùa hè nắng nóng, đây thật sự là nỗi lo của người dân.

Trường hợp tử vong do bệnh dại gần đây nhất ở Đắk Lắk là N.Đ.H, sinh năm 2001, dân tộc Tày ở thôn 6B, xã Ea Wy, huyện Ea H’leo. Theo người nhà bệnh nhân, cách đây khoảng một tháng, bệnh nhân bị chó nhà hàng xóm cắn ở kẽ ngón tay cái và ngón trỏ bàn tay bên phải. Hai ngày sau, con chó chết nhưng bệnh nhân không đi tiêm vaccine phòng dại. Đến ngày 20-3, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng: Mệt mỏi, ăn uống kém, biểu hiện sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng.

Chiều 22-3, bệnh nhân được người nhà đưa vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, được bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn, nhiễm trùng không rõ tiêu điểm. Đến khoảng 22 giờ, người nhà xin chuyển và nhập viện tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, sáng 23-3. Ngay sau đó lại xin về nhà và bệnh nhân đã tử vong trên đường lúc 10 giờ 30 phút cùng ngày.

Nhiều gia đình để con em chơi đùa với chó khi chưa tiêm vaccine phòng dại. (Ảnh minh họa)

Nhiều gia đình để con em chơi đùa với chó khi chưa tiêm vaccine phòng dại. (Ảnh minh họa)

Trước đó, một bệnh nhân khác trú ở thôn 2, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột cũng đã tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân là nam giới, sinh năm 1982. Người nhà bệnh nhân cho biết: Khoảng hai tháng trước, bệnh nhân bị chó cắn. Đến ngày 9-3-2021, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, mệt mỏi, ăn uống kém. Ngày 11-3, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng không ăn uống được, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, kích thích và được các bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại.

Chiều cùng ngày, người nhà xin cho bệnh nhân xuất viện và tự chuyển vào điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Đến ngày 12-3, do bệnh chuyển biến nặng thêm, người thân đã xin bệnh viện cho bệnh nhân về nhà. Chiều 12-3, bệnh nhân tử vong tại nhà. Qua điều tra yếu tố dịch tế cho thấy, sau khi bị chó cắn, bệnh nhân bị chảy máu ở tay nhưng chủ quan không đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Con chó sau khi cắn bệnh nhân khoảng một tuần thì chết.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, đây là hai trường hợp tử vong đầu tiên do bệnh dại trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Những năm gần đây, các trường hợp tử vong do bệnh dại ở Đắk Lắk đều ở mức cao. Cụ thể, hai năm 2019 và 2020, toàn tỉnh có 12 trường hợp tử vong do bệnh dại, đều không tiêm vaccince phòng bệnh sau khi bị chó cắn. Qua theo dõi, bệnh dại thường gia tăng cùng thời tiết nắng nóng, đặc biệt là mùa hè.

Thực thi chế tài xử phạt đối với gia đình nuôi chó thả rông

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tử vong do bệnh dại gia tăng là do người dân vẫn còn thói quen nuôi chó, mèo nhưng không quản lý, xích lại mà thả rông trong khu dân cư, ngoài đường; trong đó phần lớn chưa được tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có khoảng hơn 400.000 con chó, nhưng trung bình chỉ tiêm được hơn 50.000 liều/năm. Tỷ lệ đàn chó nuôi được tiêm phòng thấp cùng với tâm lý thờ ơ, chủ quan của người dân với bệnh dại, đặc biệt là những người bị chó cắn không đi tiêm vaccine phòng dại dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, có khoảng 4.000 ca/năm bị chó dại cắn phải đến các cơ sở y tế để tiêm phòng. Thực tế bức xúc đó diễn ra nhiều năm nay nhưng các gia đình nuôi chó thả rông vẫn chưa có ai bị xử lý, mặc dù Chính phủ đã có chế tài xử lý vi phạm về nuôi chó, mèo thả rông và phòng, chống bệnh dại động vật.

Ông Nguyễn Trọng Văn ở xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột thắc mắc: “Mặc dù Chính phủ đã có chế tài xử lý đối với các gia đình nuôi chó thả rông mà không đeo rọ mõm, nhưng lâu nay không thấy trường hợp nào bị xử lý về vi phạm này. Vì vậy, để hạn chế nguy cơ bị chó cắn, tôi đề nghị cấm tuyệt đối việc thả chó ra nơi công cộng mà không mang xích và đeo rọ mõm. Bên cạnh đó, hằng năm ngành thú y địa phương cần có kế hoạch tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn, việc tiêm phòng phải thực chất, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tiêm phòng”.

Ngay sau khi xảy ra liên tiếp hai trường hợp tử vong do bệnh dại, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động truyền thông phòng, chống bệnh dại. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố sớm triển khai các phòng tiêm vaccine dịch vụ, trước mắt thực hiện phương án tiêm vaccince, huyết thanh điều trị dự phòng bệnh dại nhằm đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm nói chung và bệnh dại nói riêng trên địa bàn tỉnh.

NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/noi-lo-benh-dai-o-dak-lak-640108/