Nỗi lo chung về sầu riêng

Hiện đang là cao điểm vụ thu hoạch sầu riêng ở Tây Nguyên. Nhiều thương lái từ các địa phương đang đổ về đây để thu mua. Nhiều người trồng sầu riêng cũng đang hồ hởi với cây trồng đang được gọi là cây 'bạc tỷ' này.

Được mùa, được giá

Khác với trước đây thường là “được mùa, mất giá”, hiện sầu riêng lại đang “được cả mùa” và “được cả giá”, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thu nhập của người trồng. Ông Châu Văn Hận, trú xã Ia Bang, huyện Chư Prông (Gia Lai) cho biết, vườn sầu riêng của gia đình năm nay cho năng suất khá, chất lượng tốt nên các thương lái đến thăm và ký kết thu mua với giá 80 ngàn đồng/kg. Với giá này và sản lượng đạt khoảng 35 tấn thì sau khi trừ hết chi phí, gia đình còn thu lãi khoảng 2,5 tỷ đồng.

Có thể nói, chưa bao giờ người trồng sầu riêng ở Tây Nguyên lại được mùa, được giá, trúng lớn như vậy. Bên cạnh, được mùa lẫn được giá, với thông tin năm nay sầu riêng ở Thái Lan mất mùa do thời tiết, điều này càng khiến nhiều nhà vườn ở Tây Nguyên tự tin sẽ có thêm một vụ mùa thắng lớn, với lợi nhuận tiền tỷ. Trên thực tế, những năm gần đây nhiều người trồng sầu riêng ở Tây Nguyên cũng như ở miền Trung đã “trúng đậm” với cây sầu riêng. Bởi vậy, nhiều hộ nông dân đã và đang đua nhau trồng cây “bạc tỷ” này, kèm theo đó là mong ước đổi đời.

Lợi nhuận cao, diện tích trồng sầu riêng ở Tây Nguyên cũng như cả nước đang tăng chóng mặt. Những năm gần đây, diện tích trồng sầu riêng ở các địa phương liên tục tăng, từ gần 32 nghìn ha năm 2015 lên tới hơn 151 nghìn ha năm 2023. Sản lượng sầu riêng cũng tăng qua từng năm, đạt gần 1,2 triệu tấn năm 2023, trong khi năm 2015 chỉ khoảng 366 nghìn tấn. Kéo theo đó, giá trị xuất khẩu sầu riêng tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu USD năm 2022 và năm 2023 đạt mức gần 2,3 tỷ USD.

Tại Đắk Lắk diện tích trồng sầu riêng đang tăng vọt. Từ chỗ người dân trồng sầu riêng theo kiểu “được chăng hay chớ”, đến năm 2023 Đắk Lắk đã vươn lên dẫn đầu cả nước về quy mô trồng với hơn 32,78 nghìn ha. Với mức giá thu mua tại vườn giao động từ 70 đến 90 nghìn đồng/kg, uớc tính, mỗi ha trồng sầu riêng thu về 1 - 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí người trồng “bỏ túi” khoảng 700 đến 800 triệu đồng/ha… Ở địa phương lân cận là Gia Lai cũng đang có gần 6 nghìn ha sầu riêng. Trong đó, diện tích kinh doanh chiếm khoảng một nửa, tập trung ở các huyện như, Chư Prông, Ia Grai, Đăk Đoa, Chư Sê và Chư Pưh. Gia Lai cũng đã xây dựng được 16 mã số vùng trồng sầu riêng và đang xây dựng sầu riêng thành nông sản chiến lược.

Diện tích trồng sầu riêng đang phát triển “nóng” ở nhiều địa phương

Diện tích trồng sầu riêng đang phát triển “nóng” ở nhiều địa phương

Cần phát triển theo hướng ổn định

Tuy nhiên, diện tích sầu riêng phát triển nhanh chóng, ồ ạt và vượt định hướng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, đặc biệt là sự phát triển thiếu sự bền vững đang gây nên những mối lo. Ngay trên mảnh đất Tây Nguyên, có nhiều loại cây nông sản từng lên “cơn sốt” như cây sầu riêng bây giờ. Song, sau đó lại khiến cho nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Dễ dàng có thể “điểm danh” như cây hồ tiêu khi giá nông sản này tăng cao đã khiến nhiều hộ nông dân ở Tây Nguyên phá bỏ cà phê, điều… để trồng loại cây này. Đến khi, hồ tiêu rớt giá thảm hại trên thị trường, bà con lại quay sang chặt bỏ, thậm chí rơi vào cảnh nợ nần khi đầu tư quá nhiều tiền vào hồ tiêu. Tương tự, nhiều bà con các tỉnh Tây Nguyên cũng đã từng điêu đứng với cây trồng được mệnh danh là “vàng trắng” - cây cao su, khi phát triển ồ ạt cây công nghiệp này.

Quay trở lại với sầu riêng, mặc dù đang trên “đỉnh”, nhưng nếu không kiểm soát tốt tình hình, sầu tiêng có thể sẽ đi theo “vết xe đổ” của các loại nông sản khác. Bởi, với diện tích sầu riêng tăng ồ ạt như hiện nay không theo định hướng sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, dư thừa sản lượng; một số vùng trồng không phù hợp, không chủ động nguồn nước tưới... sẽ gây thiệt hại về năng suất và chất lượng sầu riêng, đồng thời có thể phá vỡ quy hoạch của một số cây trồng khác.

Thực tế thời gian qua, một số lô hàng sầu riêng xuất khẩu đã nhận cảnh báo của nước nhập khẩu, dẫn đến phải tạm dừng sử dụng mã số đối với các đơn vị có lô hàng nhiễm rệp sáp (đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc). Bên cạnh đó, còn chưa kể đến tình trạng gian dối, đánh cắp mã số vùng trồng; tranh mua, tranh bán; tình trạng chốt giá sớm, “bẻ cọc” hợp đồng mua bán... Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, trên thực tế, quy mô sản xuất sầu riêng của địa phương còn nhỏ lẻ, chưa có vùng nguyên liệu rộng lớn, trình độ kỹ thuật của nông dân còn thiếu và yếu về tư duy sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp. Đặc biệt, hiện giữa các chủ vườn, hợp tác xã và doanh nghiệp chưa có mối liên kết thực sự chặt chẽ.

Ông Lê Anh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk thẳng thắn chia sẻ, thị trường sầu riêng tại Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang bị thả nổi. Bởi vậy, việc “bẻ cọc”, phá giá, tranh giành trong hỗn loạn tại vườn hay mất uy tín ở thị trường xuất khẩu diễn ra như hiện nay cũng là dễ hiểu.

Trong khi đó, trên thị trường đầu ra cho sản phẩm sầu riêng vẫn còn phụ thuộc vào các thương lái. Thị trường tiêu thụ chính của sầu riêng Việt Nam là Trung Quốc - một thị trường khá bấp bênh. Bên cạnh đó, tại Trung Quốc, sầu riêng của Việt Nam đang vấp phải sự cạnh tranh gắt gao của các “đối thủ”, đặc biệt là từ Thái Lan.

Để phát triển cây sầu riêng theo hướng bền vững, tránh được những rủi ro, chính quyền các địa phương cũng như cơ quan chức năng cần khuyến khích người dân tham gia liên kết chuỗi, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, HTX liên kết với nông dân trong việc trồng, chế biến và tiêu thụ trái sầu riêng, tìm hướng xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường. Về lâu dài, cơ quan quản lý nhà nước cần đồng hành, có thêm nhiều chính sách gắn liền với chuỗi các hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, làm “cầu nối” hiệu quả giữa các bên. Trước mắt, cần tăng cường, truyền thông khuyến cáo các nhà vườn tính toán kỹ lưỡng, thận trọng khi mở rộng diện tích sầu riêng, tránh tình trạng phát triển ồ ạt gây hậu quả về lâu về dài… Về phía người trồng cũng cần tuân thủ theo các kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu khó tính, thay vì quá phụ thuộc vào một thị trường chủ lực như hiện nay.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/noi-lo-chung-ve-sau-rieng-153532.html