Nỗi lo của gia đình tâm huyết với nghề giáo
Ở xã biên giới Mường Chanh (Mường Lát) - nơi xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, có 3 cô gái dân tộc Thái quyết tâm theo nghề của cha.
Mặc dù còn rất khó khăn, song 4 cha con thầy giáo này vẫn vững tin vào sự lựa chọn của mình, thực hiện sứ mệnh kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người.
Gia đình đặc biệt ở vùng biên giới
Mường Chanh là xã cao, xa nhất của tỉnh Thanh Hóa. Địa phương này giáp với Lào và cách TP Thanh Hóa gần 300km. Bà con đồng bào nơi đây chủ yếu là người Thái và có một bản người dân tộc Khơ Mú cùng số ít người Kinh. Cuộc sống của đồng bào vùng biên giới xa xôi ấy còn nhiều khó khăn, vất vả. Thế nhưng, nơi đây có một gia đình người Thái khá đặc biệt. Bởi, gia đình ấy là tổ ấm của thầy giáo Lương Văn Chung – Trường Tiểu học Mường Chanh và 3 cô con gái đang theo đuổi nghề “gõ đầu trẻ”.
Trong chuyến công tác hồi hạ tuần tháng 7, chúng tôi có dịp lên thăm gia đình thầy Lương Văn Chung, khi nghe tin 2 con gái của thầy giáo này đạt được số điểm rất cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Cặp song sinh ấy đã quyết định chọn nghề sư phạm, để tiếp nối truyền thống gia đình mà cha và các chú của mình đã đi trước.
Thấy chúng tôi đến thăm nhà, bà Lương Thị Hói - vợ của thầy Chung - vội vã chuẩn bị nước cho chồng tiếp khách. Vợ chồng thầy Chung sinh được 4 cô con gái. Hai chị em Lương Thị Đào, Lương Thị Mai là cặp song sinh, còn chị gái cả Lương Thị Phượng đã xây dựng gia đình. Chị thứ 2 là Lương Thị Hồng vừa tốt nghiệp đại học Sư phạm Tiểu học (Trường ĐH Hồng Đức - Thanh Hóa).
Trong lúc trò chuyện, chúng tôi mới biết rằng, bố mẹ của thầy Chung sinh hạ được 5 người con trai. Thế nhưng, anh cả, anh hai khi lên 3 tuổi thì qua đời do dịch bệnh sốt rét. Còn lại 3 anh em, gồm: Lương Văn Chung, Lương Văn Yêng và Lương Văn Chướng. Hiện tại, cả 3 anh em trai đang là giáo viên công tác ở Mường Lát.
Thầy Chung kể rằng: “Ngày trước, cuộc sống vô cùng khó khăn, nên 3 anh em tôi đi học vất vả lắm. Từ năm 1992 - 1995, tôi phải đi học xa nhà, vì cả Mường Chanh chỉ có 5 bạn đủ điều kiện lên lớp 6, nên không thể mở lớp. Vì vậy, tôi cùng 2 bạn xin học lớp 6 tại Trường THCS xã Quang Chiểu, còn 2 bạn khác bỏ học. Đến học kì II của năm lớp 7, hai bạn cũng bỏ học, chỉ còn một mình tôi quyết tâm đến trường. Vì thế, cứ chiều thứ Bảy, tôi đi bộ từ trường về nhà, chiều Chủ nhật lại đeo chiếc ba lô mang theo gạo từ nhà đến trường, với quãng đường rừng khoảng 12 km”.
Năm học 1996 – 1997, khi lên học lớp 9, lúc bấy giờ nam sinh Lương Văn Chung lại phải xuống học ở Trường THCS xã Pù Nhi - quãng đường đi lại dài gần 45 km. Cứ như thế, hành trình theo đuổi con chữ của Chung và các em trai vô cùng gian truân.
“Ngày ấy từ Mường Chanh đi Pù Nhi không thuận lợi như bây giờ đâu. Tôi phải đi bộ từ nhà xuống đến trung tâm xã Tén Tằn (khoảng 25 km), mới có đường lớn. Hôm nào may mắn gặp được chiếc xe tải thì xin đi nhờ, nếu không chỉ đi bộ mà thôi. Lúc bấy giờ, bố mẹ ở nhà phải nuôi 4 đứa em, trong đó 2 em trai và hai em (là con của cô ruột), do bố mắc bệnh hiểm nghèo mất sớm. Sau này, 1 trong 2 em đó là Ngân Văn Suồn, cũng trở thành giáo viên và đang công tác trong ngành Giáo dục Mường Lát”, thầy Chung tâm sự.
Những năm tháng học THCS đã nhọc nhằn là thế, nhưng khi vào học Trung học Sư phạm (12+2), con đường đi tìm tri thức của Lương Văn Chung lại càng gian truân hơn. Từ tháng 9/1997 - 7/2000, Lương Văn Chung học tập tại Trường Trung học Sư phạm (12+2) Thanh Hóa.
Để di chuyển được đến trường học, chàng trai ấy đã phải vượt núi, băng rừng khoảng 20 km sang Lào, rồi đón xe khách xuống chợ Na Mèo (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa). Sau đó, đón xe từ cửa khẩu Na Mèo chạy theo Quốc lộ 217 xuống trường học, với quãng đường khoảng 230 km.
Trong lúc trò chuyện, thầy Chung chỉ tay về ngọn núi ở phía trước nhà, bảo rằng: “Ngọn núi ấy được bà con ở đây gọi là Pha Loi. Nó cao sừng sững là vậy, nhưng đã nhiều lần tôi phải đi bộ, vượt qua nó, sang đất Lào, đón xe về cửa khẩu Na Mèo để xuống Trường Trung học Sư phạm 12+2, ở xã Quảng Tâm (TP Thanh Hóa bây giờ).
Ở thời điểm đó, mỗi tuần chỉ có một chuyến xe khách, nên phải sắp xếp thời gian thế nào cho phù hợp. Trong khi đó, gia đình vô cùng khó khăn. Có những hôm đi dưới trời nắng không có nón, dưới trời mưa chẳng có ô che. Cứ một thân một mình lầm lũi, ngậm ngùi, chẳng biết than thở cùng ai, đành tự an ủi mình hãy cố gắng lên. Nhiều lần, thấy con đi học vất vả, khổ sở quá, bố mẹ có ý định khuyên tôi nghỉ học, nhưng tôi quyết tâm không dừng bước”.
Năm 2001, thầy Chung được tuyển dụng vào ngành Giáo dục, rồi nhận công tác tại Trường Tiểu học Mường Chanh đến ngày nay. Đây cũng chính là điều kiện thuận tiện, tạo động lực cho người giáo viên này cùng bố, mẹ nuôi các em ăn học.
Ba con gái theo nghề của cha
Hôm chúng tôi đến thăm gia đình thầy Chung, cũng là thời điểm cặp song sinh Lương Thị Đào và Lương Thị Mai có kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Cả 2 chị em dù không học chung trường, nhưng đều đạt trên 28 điểm xét tuyển đại học.
Điều khá đặc biệt, là cặp nữ sinh này cùng đam mê môn Lịch sử trong những năm học phổ thông. Năm lên THPT, Lương Thị Đào thi đỗ vào Trường THPT dân tộc nội trú (DTNT) Ngọc Lặc, còn em gái thi đỗ vào Trường THPT DTNT Thanh Hóa. Mặc dù, hai chị em học khác trường, nhưng sở trường, niềm say mê học môn Lịch sử của 2 chị em lại khá tương đồng với nhau.
Thầy Lê Văn Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Ngọc Lặc, cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, Đào là một học sinh có tổng số điểm xét Tổ hợp C19 đứng thứ 3 nhà trường. “Em Đào là học sinh rất chăm ngoan, lễ phép và luôn có tinh thần tự học rất tốt. Bạn ấy cũng là người rất năng nổ trong các hoạt động của lớp, của trường, có tư tưởng tiến bộ và luôn cầu tiến. Đào là học sinh đạt danh hiệu Ba tốt của trường và vinh dự trở thành đảng viên trẻ khi đang ngồi trên ghế nhà trường vào năm học vừa qua”, thầy Thảo chia sẻ.
Nói về dự định của mình, Đào bảo rằng: Với số điểm đã đạt được trong kỳ thi vừa qua, em dự định sẽ đăng ký xét tuyển vào Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hồng Đức, để theo nghề dạy học, đem kiến thức về truyền đạt cho các em nhỏ ở quê của em - nơi biên cương của Tổ quốc. Còn Lương Thị Mai, lại có dự định đăng ký vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, để có cơ hội trở thành nhà giáo trong tương lai. Tuy nhiên, em cũng đang cân nhắc, vì hoàn cảnh gia đình của em không có điều kiện như người khác.
“Năm nay khá áp lực của gia đình em. Bố mẹ phải lo công việc cho chị thứ 2 vừa tốt nghiệp Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Bên cạnh đó, hai chúng em lại chuẩn bị vào đại học, nên chắc chắn một điều rằng, áp lực về cơm, áo, gạo, tiền sẽ trở thành gánh nặng của bố mẹ”, Mai tâm sự.
“Chúng em đạt được thành quả như ngày hôm nay, đó là nhờ công lao của bố, mẹ, các thầy, cô giáo đã dày công chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ. Mặc dù, phía trước đang còn nhiều gian nan, vất vả nhưng chúng em sẽ quyết tâm phấn đấu học tập, rèn luyện và tu dưỡng thật tốt, để không phụ công lao của những người đã dìu dắt chúng em đến ngày hôm nay”, cặp song sinh Đào và Mai cho biết.
Thầy Phạm Anh Toàn - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Thanh Hóa - cho biết: “Những thành tích trong học tập mà Mai đạt được là thành quả của quá trình nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Mai cũng là học sinh có phẩm chất đạo đức tốt, luôn năng nổ trong công việc chung của tập thể. Năm học 2022 - 2023, em Mai là học sinh đã được tham gia lớp học bồi dưỡng cảm tình Đảng”.
Lúc chia tay với gia đình thầy giáo Chung, tôi nhớ cái bắt tay thật chặt của những thành viên trong gia đình ấy và những lời bộc bạch của thầy Chung rằng: “Qua những sóng gió cuộc đời, có thể nói là ước mơ, nguyện vọng của gia đình tôi đã thành hiện thực. Giờ đây, tiếp theo đến lượt mình lại lo cho các con. Con gái thứ hai đã có bằng cử nhân ngành Sư phạm.
Hai đứa song sinh chuẩn bị vào đại học, mà chị em chúng nó cũng quyết tâm theo nghề của bố và các chú. Mặc dù, mình có lương hàng tháng, nhưng cũng không đủ để lo cho 3 con gái vừa có công ăn, việc làm vừa đủ kinh phí học hành trong 4 năm nữa. Ở phía trước, gia đình tôi đang còn rất nhiều khó khăn, không biết đến khi nào mới được thảnh thơi như bao gia đình khác”.
Và, tôi thầm cầu mong vợ chồng thầy giáo ấy luôn có sức khỏe, để tiếp tục lo cho 3 cô con gái quyết tâm theo nghề giáo, đạt được ước mơ của mình.
Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Lương Thị Mai đã trở thành nữ sinh giành được tổng số điểm cao nhất Trường THPT DTNT Thanh Hóa, với tổng số điểm: Toán: 7,20; Ngữ văn: 8,75; Lịch sử: 10; Địa lí: 9,75; GDCD: 10; KHXH: 9,92; Tiếng Anh: 7.
Nếu xét 3 môn Tổ hợp khối C00, thì nữ sinh này đạt 28,5 điểm. Còn xét Tổ hợp C19, thì Mai đạt được 28,75 điểm. So sánh với em gái của mình, nữ sinh Lương Thị Đào cũng không kém phần xuất sắc. Đó là: Toán: 7,80; Ngữ văn:9,25; Lịch sử: 9,25; Địa lí: 8,25; GDCD: 10; KHXH 9,17; Tiếng Anh: 6,40. Nếu xét Tổ hợp C19, thì Lương Thị Đào đạt 28,5 điểm.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/noi-lo-cua-gia-dinh-tam-huyet-voi-nghe-giao-post651802.html