Nỗi lo của giới nhà giàu Trung Quốc khi gửi tiền ở Thụy Sĩ
Giám đốc điều hành tại các ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ cho biết những khách hàng Trung Quốc giàu có của họ ngày càng lo lắng về việc gửi tiền ở nước này.
Một số khách hàng Trung Quốc giàu có lo lắng vì cách tiếp cận cứng rắn của nước này trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.
“Chúng tôi không chỉ ngạc nhiên mà còn bị sốc khi Thụy Sĩ từ bỏ vị thế trung lập của mình”, Financial Times dẫn lời một lãnh đạo điều hành, giám sát các hoạt động châu Á tại ngân hàng.
“Tôi có bằng chứng thống kê rằng hàng trăm khách hàng từng tìm cách mở tài khoản nhưng giờ thì không", người này chia sẻ.
Lo ngại về các biện pháp trừng phạt
Các công ty Trung Quốc được cho là đang đổ xô đến Thụy Sĩ để phát hành công khai lần đầu sau khi không được niêm yết ở Mỹ do căng thẳng địa chính trị và ở Anh do tiêu chuẩn kiểm toán khắt khe hơn.
Tuy nhiên, Financial Times đã nói chuyện với những người làm việc lâu năm của 6 trong số 10 ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ về trải nghiệm của họ với khách hàng cá nhân. Tất cả đều kể một câu chuyện tương tự.
Nhiều người cho biết họ lo lắng về tác động tiêu cực đối với ngành kinh doanh béo bở và là nguồn tăng trưởng quan trọng trong tương lai của Thụy Sĩ.
“Khách hàng đặt câu hỏi về các biện pháp trừng phạt”, một nhân viên ngân hàng nói. “Đó chắc chắn là chủ đề được khách hàng quan tâm vào cuối năm 2022. Họ đang hỏi liệu tiền có an toàn khi gửi chỗ chúng tôi không”.
Anke Reingren, nhà phân tích tại RBC, nhấn mạnh những gì đang bị đe dọa ngân hàng Thụy Sĩ, ngành chiếm 10% tổng sản phẩm quốc nội của đất nước.
“Châu Á đóng góp nhiều vào lợi nhuận cho các ngân hàng Thụy Sĩ”, bà nói. “Nếu bạn nhìn vào giá cổ phiếu của các ngân hàng, thì chúng có mối tương quan rất chặt chẽ với các chỉ số châu Á vì phần lớn thu nhập đến từ khu vực này và trong suốt lịch sử, cộng với phần lớn sự tăng trưởng thu nhập nằm ở quản lý tài sản”.
Một số ngân hàng Thụy Sĩ cho biết đã được “diễn tập", huấn luyện trước về cách xử lý hậu quả nếu quan hệ quốc tế với Trung Quốc xấu đi đáng kể, cũng như cách bảo vệ và trấn an các khách hàng Trung Quốc lớn nhất của họ.
Andreas Venditti, nhà phân tích của Vontobel, cho biết tất cả nhà quản lý tài sản của Thụy Sĩ đang phải cân nhắc tác động của cách tiếp cận biện pháp trừng phạt.
“Đó là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự ở cấp hội đồng quản trị và điều hành”, ông nói. “Tất cả họ đang cố gắng chuẩn bị cho những gì sắp tới”.
Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào năm 2022, chính phủ Thụy Sĩ đã bắt tay với Liên minh châu Âu (EU) trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và những người Nga giàu có thân cận với điện Kremlin.
Tình hình càng trở nên khó đoán hơn khi trong những tuần gần đây, một số sự cố đã khiến khả năng trừng phạt Trung Quốc đến gần hơn, bao gồm vụ bắn khinh khí cầu và việc Bắc Kinh có thể cung cấp vũ khí cho Moscow.
Đòn giáng mạnh
Một nhà ngoại giao Mỹ tại Bern cho biết các quan chức trong văn phòng của ông đang “theo dõi chặt chẽ” những khách hàng Trung Quốc giàu có ở Thụy Sĩ.
Một giám đốc điều hành ngân hàng nói Thụy Sĩ quay lưng lại với các khách hàng Nga quá nhanh.
“Tại một số nơi, chúng ta phải vạch ra ranh giới về những gì (Thụy Sĩ) sẽ tham gia và không tham gia”.
Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis châm ngòi cuộc tranh luận trong nước về ý nghĩa của tính trung lập và công khai ủng hộ cách tiếp cận “hợp tác” hơn với các đối tác có cùng chí hướng.
Thụy Sĩ vẫn là trung tâm tài chính nước ngoài số một thế giới. Trên thực tế, theo ghi nhận của tờ Le Monde, nhìn chung Thụy Sĩ không ngay lập tức làm đảo lộn cuộc sống của các tỷ phú Nga.
Erwin Bollinger, Giám đốc Vụ Thương mại Quốc tế của Ban Thư ký Nhà nước về các vấn đề Kinh tế Thụy Sĩ (SECO), cho biết họ có 20 người làm việc về các vấn đề trừng phạt. Tất cả đều nỗ lực tìm và đóng băng những gì cần thiết.
"Nhưng hãy nhớ nhiều người Nga không liên quan gì đến các biện pháp trừng phạt này và chúng tôi không có quyền thực hiện bất cứ hành động nào", ông lưu ý.
Theo Cục Kinh tế Nhà nước Thụy Sĩ, khoảng 8 tỷ USD của Nga đang bị đóng băng do các lệnh trừng phạt của nước này - một tỷ lệ nhỏ trong số hơn 48,9 tỷ USD tài sản ở Thụy Sĩ của khoảng 7.500 người Nga giàu có.
Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, châu Á đã trở thành một nguồn doanh thu quan trọng hơn nhiều.
Chính phủ Thụy Sĩ không tiết lộ quy mô tài sản của Trung Quốc ở nước này. Nhưng một số hồ sơ được phát hành vào năm 2014 của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế tiết lộ các ngân hàng Thụy Sĩ đã thiết lập tài khoản cho nhiều người trong giới cầm quyền Trung Quốc và con cái của họ.
Dù vậy, các chủ ngân hàng Thụy Sĩ cho biết phần lớn khách hàng Trung Quốc của họ không nằm trong hồ sơ này.
Một người cho hay theo kinh nghiệm của mình, hầu hết khách hàng đều là những doanh nhân thành đạt, quy mô nhỏ, với tài sản trong khoảng 10,6 triệu USD đến 53 triệu USD.
Ông nói việc loại bỏ những khách hàng như vậy khỏi các ngân hàng của Thụy Sĩ sẽ là một đòn giáng mạnh vào ngành.
Nhưng một nhân vật cấp cao khác trong ngành quản lý tài sản dường như lạc quan hơn.
“Tôi đã nói chuyện với các khách hàng Trung Quốc, những người cảnh giác về việc Thụy Sĩ áp dụng biện pháp trừng phạt vào năm ngoái, nhưng họ vẫn chưa xa lánh”, người này nói. “Có tới 700 tỷ USD thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vào năm 2022. Điều đó sẽ không thể sớm thay đổi”.