Nỗi lo của người 'tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết'

Trong bối cảnh thị trường lao động có nhiều khó khăn, tìm việc với lao động trẻ đã khó, với lao động lớn tuổi càng chật vật hơn.

Vẫn có nhiều cơ hội việc làm mới nếu như nhóm lao động lớn tuổi chủ động nâng cao tay nghề, cập nhật những kiến thức, kỹ năng mới để thích ứng với xu thế của thị trường lao động.

Từng có chục năm làm nhân viên kinh doanh, nhưng khi kinh tế khó khăn, anh Trần Văn Đại rơi vào cảnh thất nghiệp ở tuổi gần 40. Dù đã tham gia nhiều ngày hội tuyển dụng, nhưng anh Đại vẫn chưa trúng tuyển nơi nào.

Chủ động nâng cao tay nghề thích ứng với xu thế của thị trường lao động

Chủ động nâng cao tay nghề thích ứng với xu thế của thị trường lao động

Anh Nguyễn Văn Trường, lao động thất nghiệp bày tỏ: “Mình lớn tuổi rồi xin việc khó khăn vô cùng, cũng muốn học để chuyển đổi công việc”.

Thất nghiệp trong độ tuổi từ khoảng 35 - 40 tuổi, rất nhiều người lao động đang lâm vào cảnh "tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết". Nghỉ việc tại doanh nghiệp dày dặn kinh nghiệm ở Đồng Nai, ra Bắc chị Thúy đã gửi đơn xin việc nhiều doanh nghiệp nhưng đều bị từ chối vì lý do đã lớn tuổi.

Nhiều người lao động đang lâm vào cảnh "tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết"

Nhiều người lao động đang lâm vào cảnh "tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết"

Tại khóa đào tạo nghề lái xe ô tô dành cho các lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp này, phần đông đều là lao động lớn tuổi tham gia học với mong muốn có thể tìm kiếm, chuyển đổi việc làm phù hợp với mức thu nhập tốt hơn.

Anh Nguyễn Duy Quân, người tham gia khóa học, nói: “Tôi hi vọng sau khi học có thể xin được việc mới”.

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, mặc dù hiện nay nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn rất lớn, song với phân khúc trung niên từ 35 tuổi trở ra, quá trình tìm kiếm việc làm thường bị thu hẹp. Trong khi việc tổ chức học nghề cho nhóm đối tượng này gặp khó khăn do lao động ít mặn mà, đăng ký rải rác.

Lao động khó khăn khi tìm kiếm cho mình một công việc

Lao động khó khăn khi tìm kiếm cho mình một công việc

Ông Trần Văn Mười, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông Công chính Hà Nội, nhận định: “Việc chuyển đổi nghề nghiệp ở lao động lớn tuổi hiện nay là cần thiết, trong đó phải chú trọng đào tạo nghề kỹ năng cho lao động”.

Dù khó cạnh tranh về năng suất sản xuất nhưng lao động lớn tuổi có thể tham gia tạo ra giá trị sản phẩm trong các ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch... Do đó, Nhà nước cần đẩy mạnh các chính sách đào tạo lại để tránh lãng phí về mặt nguồn lực.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/noi-lo-cua-nguoi-tuoi-huu-chua-den-tuoi-nghe-da-het-240255.htm