Nỗi lo của nhà tuyển dụng: Gen Z 'thích là nhảy việc', bao giờ mới tìm được 'chân ái'?
Đối mặt với nhiều áp lực nơi công sở, Gen Z không ngần ngại nộp đơn xin nghỉ việc và kiếm một 'công việc lý tưởng' mới, tuy nhiên điều này lại khiến nhiều nhà tuyển dụng đau đầu.
Ham học hỏi, sáng tạo nhưng lại không chịu được lời phê bình?
Là một thế hệ trẻ và năng động, Gen Z hứa hẹn sẽ trở thành lực lượng đóng vai trò chính của xã hội trong vài năm tới. Nhưng một trong những lý do khiến Gen Z sẵn sàng "nhảy việc", thậm chí "nhảy việc" nhiều lần chính là do những mâu thuẫn nơi công sở.
Từng trải qua 2 công ty trong lĩnh vực Marketing, Kim Hằng (22 tuổi, Hà Nội) cho rằng tuy ham học hỏi và sáng tạo nhưng Gen Z lại không chịu được lời phê bình từ lãnh đạo, dẫn đến việc bất mãn với sếp.
“Ngày xưa thì nhân viên rất sợ sếp còn bây giờ Gen Z làm việc khi mà cấp trên tôn trọng mình thì họ mới làm. Thế nên, người trẻ bây giờ họ mong muốn có môi trường thoải mái, có cảm giác được tôn trọng khi làm việc, chứ không phải sếp chỉ đâu thì đánh đó”.
Bên cạnh đó, Kim Hằng còn nhấn mạnh rằng các bạn trẻ mới ra trường có kỳ vọng rất cao nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng các nhu cầu về cơ hội nghề nghiệp, lương thưởng,... khiến nhiều người trẻ "vỡ mộng".
Song song với những yếu tố khách quan, nhiều người tin rằng lý do nhảy việc có liên quan tới những vấn đề cá nhân của Gen Z hơn. Bạn Thu Hiền (20 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: “Mình đã từng làm 5 công việc ở các lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn chưa xác định được ngành nghề phù hợp với năng lực và sở trường của mình. Ngoài ra, việc được trải nghiệm, học hỏi càng nhiều kiến thức ở nhiều lĩnh vực, gặp gỡ nhiều người sẽ làm phong phú vốn sống của mình”.
Ngoài ra, do được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến hơn so với thế hệ trước từ khi còn nhỏ, thế hệ Z cũng được chú trọng hơn về các kỹ năng ngoại ngữ và tin học. Vì vậy, giới trẻ tự tin vào bản thân và luôn kỳ vọng vào một môi trường làm việc xứng đáng với năng lực.
Sự phát triển của mạng xã hội cũng chính là yếu tố thúc đẩy Gen Z mạnh dạn thử các công việc khác nhau.
"Trên mạng xã hội, nhiều hội nhóm được thành lập và xuất hiện nhiều các khẩu hiệu như “hãy tự do làm những điều mình thích", hay lối sống YOLO (you only live once - bạn chỉ sống một lần). Do đó, nếu không làm chủ được bản thân, Gen Z rất dễ vướng vào tình trạng thất nghiệp" - Thu Hiền bộc bạch.
Tỷ lệ nhảy việc cao, nhà tuyển dụng phát tín hiệu “ét ô ét”
Các nhà tuyển dụng khá đau đầu với xu hướng “nhảy việc liên tục” của Gen Z. Theo khảo sát của Tổ chức Anphabe, 62% sinh viên nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn nhảy việc vài lần trong 1 năm ngay khi ra trường.
Trao đổi với Hoa Học Trò Online, anh Nguyễn Ngọc Hùng (Co-Founder - CEO của Lala House) cho biết khi gặp ứng viên nhảy việc quá nhiều, anh e ngại tuyển dụng vì đây là một trong những rào cản để người đó được nhận vào làm:
“Doanh nghiệp luôn cần sự ổn định nhân sự. Khi nhân viên nhảy việc như vậy đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng liên tục, dẫn đến tốn rất nhiều thời gian và chi phí tuyển dụng”.
Anh Hùng nói thêm, nếu trong trường hợp đơn vị kinh doanh cần ứng viên trong thời gian ngắn hạn thì họ có thể sẽ tuyển những bạn nhảy việc liên tục vào những vị trí không quan trọng. Với vị trí này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thay thế, bổ sung. Còn với những nhân sự cấp cao thì không bao giờ tuyển theo phương thức này, mà thường sẽ được tuyển từ các công ty cùng ngành.
Anh Hùng xác định ngay từ đầu là cần phải cố định ở công việc mình thích chứ không đổi việc liên tục. “Ở mốc 22 tuổi, mọi người nên bắt đầu có sự lựa chọn nơi mình gắn bó, 2 - 3 năm cho một nơi sẽ hợp lý thay vì nhảy 2 - 3 nơi trong một năm”, anh Hùng chia sẻ.
Chia sẻ về việc nhảy việc nhiều để lấy kinh nghiệm của Gen Z, anh Hùng cho biết: “Nếu xuất phát điểm là sinh viên mới ra trường, kinh nghiệm không phải thế mạnh của người trẻ. Khi ấy, họ cần phải bù đắp bằng thế mạnh khác, như là sẵn sàng học hỏi và dành tâm huyết cho công việc. Nếu bạn thể hiện được mình là một người có tinh thần cầu thị, thì doanh nghiệp sẽ mong muốn được tuyển dụng và trả lương tương đối tốt cho những vị trí cần kinh nghiệm”.
Nhìn chung trong tương lai vài năm tới, khi Gen Z trở thành lực lượng lao động chính, các doanh nghiệp cũng phải “vắt óc” suy nghĩ thay đổi kế hoạch tuyển dụng sao cho phù hợp với thời đại mới, tập trung vào trải nghiệm nhân sự nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của người trẻ.