Nỗi lo của sân khấu truyền thống khi sáp nhập, hợp nhất

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong 5 năm qua, nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành sáp nhập các nhà hát, đoàn nghệ thuật có chức năng, nhiệm vụ tương đồng hoặc hợp nhất với các trung tâm văn hóa thành một đầu mối, có đơn vị chuyển hẳn sang hình thức ngoài công lập.

Một vở diễn của Nhà hát Tuồng Trung ương. (Ảnh: CAO NGỌC)

Một vở diễn của Nhà hát Tuồng Trung ương. (Ảnh: CAO NGỌC)

Cụ thể, đã có chín tỉnh, thành phố sáp nhập các đơn vị nghệ thuật sân khấu vào trung tâm văn hóa, điện ảnh; năm tỉnh sáp nhập các đơn vị sân khấu với ca múa nhạc; bảy tỉnh sáp nhập các đơn vị tuồng, chèo, cải lương, kịch nói vào thành một đơn vị; một địa phương sáp nhập nghệ thuật múa rối và xiếc.

Số đầu mối đơn vị nghệ thuật đã giảm khoảng 20% so với trước, trong đó mỗi tỉnh, thành phố thuộc trung ương chỉ giữ lại một đoàn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của địa phương.

Có thể nói, chủ trương sáp nhập, hợp nhất, tinh gọn đầu mối các đơn vị nghệ thuật địa phương thời gian qua là đúng đắn và phù hợp thực tế, nhằm bảo đảm sự tinh, gọn, hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí trong chi tiêu ngân sách, thúc đẩy nghệ thuật sân khấu biểu diễn từng bước tự chủ, hoạt động theo cơ chế thị trường và xã hội hóa.

Sau khi sắp xếp lại, một số tỉnh, thành phố đã tập trung được nguồn lực phát triển cho đơn vị nghệ thuật, nâng cao được khả năng phục vụ, thu hút khán giả đến với sân khấu.

Việc sáp nhập, hợp nhất các đơn vị nghệ thuật sân khấu đã nảy sinh không ít vấn đề bất cập trong thực hiện quản lý, gây khó khăn cho hoạt động của các đơn vị, nhất là đối với các loại hình sân khấu truyền thống, chưa thực hiện được mục tiêu phát triển văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế sáp nhập, hợp nhất này đã nảy sinh không ít vấn đề bất cập trong thực hiện quản lý, gây khó khăn cho hoạt động của các đơn vị, nhất là đối với các loại hình sân khấu truyền thống, chưa thực hiện được mục tiêu phát triển văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Việc không tính toán hợp lý, thực hiện chủ trương một cách máy móc, hợp nhất các loại hình nghệ thuật sân khấu khác nhau đã mang đến nhiều lúng túng trong chỉ đạo điều hành, định hướng và nâng cao chất lượng nghệ thuật ở các chương trình, vở diễn.

Thấy rõ nhất qua việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật vào trung tâm văn hóa bởi đây là hai loại hình có cung cách hoạt động và quản lý khác nhau mà nói như giới chuyên môn là đang “nghiệp dư hóa nghệ thuật chuyên nghiệp”.

Ở không ít đơn vị sau hợp nhất, biên chế rút gọn, không còn từng đoàn nghệ thuật riêng biệt mà chỉ là một đầu mối tổng hợp các loại hình đan xen, trộn lẫn nhau. Nghệ sĩ, diễn viên cũng trở nên “đa-di-năng”, vừa diễn tuồng, chèo, cải lương, vừa có thể tham gia các chương trình ca múa nhạc, kịch nói, khiến họ dần mất đi khả năng chuyên sâu của mình.

Đó là chưa kể đến cung cách quản lý của lãnh đạo, có những địa phương sau sáp nhập, loại hình nào được quan tâm, chú trọng thì phát triển và ngược lại, đầu tư cho vở diễn truyền thống gần như không còn.

Chính vì thế, có nơi từng nổi tiếng với thương hiệu sân khấu tuồng, chèo, cải lương, song ở thời điểm hiện tại đã không còn giữ được thế mạnh nổi trội mà dần bị kịch nói, ca múa nhạc lấn át. Chất lượng nghệ thuật chương trình, vở diễn nếu có cũng giảm sút rõ rệt và cùng với đó là niềm đam mê, khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ.

Những điều nêu trên khiến bản sắc ở từng loại hình sân khấu truyền thống đang trở nên phai nhạt và đứng trước nguy cơ mai một.

Theo ý kiến của giới chuyên môn, nếu không cẩn trọng trong việc sắp xếp, hợp nhất thì chúng ta đang “phá vỡ” sân khấu truyền thống vì mỗi loại hình đều có những đặc trưng riêng, không thể “trộn lẫn vào nhau được”.

Theo ý kiến của giới chuyên môn, nếu không cẩn trọng trong việc sắp xếp, hợp nhất thì chúng ta đang “phá vỡ” sân khấu truyền thống vì mỗi loại hình đều có những đặc trưng riêng, không thể “trộn lẫn vào nhau được”.

Hệ lụy có thể thấy qua nhiều liên hoan sân khấu gần đây khi các vở diễn chèo, tuồng, cải lương đang dần được kịch nói hóa khi diễn viên nói nhiều hơn hát và cũng không rõ thể loại.

Tinh gọn bộ máy, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của các đơn vị nghệ thuật công lập là mục tiêu đặt ra của chủ trương sắp xếp sáp nhập, hợp nhất, nhưng dường như chúng ta mới chỉ chú trọng đến thu gọn đầu mối mà chưa quan tâm vấn đề quan trọng không kém là phải nâng cao chất lượng chuyên môn, giữ gìn được bản sắc.

Thực tế cho thấy quá trình này cần có những điều chỉnh, tính đến đặc thù của hoạt động nghệ thuật sân khấu, chứ không chỉ là lắp ghép một cách cơ học các đơn vị với nhau, đồng thời phải xác định rõ những loại hình đặc trưng của địa phương cần được gìn giữ.

Phát huy những đặc trưng riêng biệt, độc đáo, loại hình nào có thể chuyển đổi, thực hiện xã hội hóa. Sáp nhập hay hợp nhất, tùy theo điều kiện ngân sách địa phương, mỗi đơn vị nên có những đoàn nghệ thuật độc lập về chuyên môn ở từng loại hình và có thể hỗ trợ nhau trong hoạt động.

Có như vậy, chúng ta mới tập trung được nguồn lực bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu, nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn theo hướng chuyên nghiệp hóa, đồng thời bảo đảm được quyền lợi các nghệ sĩ, diễn viên đã cống hiến lâu năm cho sân khấu truyền thống.

Các loại hình sân khấu truyền thống vốn đã khó khăn còn bị ảnh hưởng cạnh tranh nhiều nhất từ các loại hình nghệ thuật, giải trí khác trong cơ chế thị trường.

Giữ được đã khó, vì thế sân khấu truyền thống rất cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo địa phương với những giải pháp phù hợp trong sáp nhập để có thể tồn tại và hoạt động hiệu quả.

TIẾN CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/noi-lo-cua-san-khau-truyen-thong-khi-sap-nhap-hop-nhat-post826628.html