Nỗi lo đồng USD tăng giá

Đồng USD tăng giá cũng là nguyên nhân khiến châu Á - Thái Bình Dương và phần lớn thế giới đối mặt rủi ro kinh tế gia tăng

Giá dầu áp sát mức thấp kỷ lục trong nhiều tháng qua vào ngày 8-8, khi nỗi lo liên quan đến triển vọng kinh tế toàn cầu làm lu mờ dữ liệu kinh tế lạc quan từ Mỹ và Trung Quốc.

Theo Reuters, giá dầu Brent giao tương lai có thời điểm giảm còn 94,41 USD/thùng trong khi giá dầu thô Mỹ WTI xuống còn 88,58 USD/thùng.

Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã khiến thị trường bất ngờ khi lần lượt công bố dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm và tăng trưởng xuất khẩu tháng 7 đạt mức cao hơn dự kiến. Dù vậy, theo chuyên gia Stephen Brennock của Công ty PVM (Mỹ), những tín hiệu lạc quan từ 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa đủ để xoa dịu tác động của nỗi lo suy thoái đối với thị trường dầu mỏ.

Trung Quốc đã mua 8,79 triệu thùng/ngày trong tháng 7 - cao hơn so với tháng 6 nhưng vẫn thấp hơn 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Mỹ, nhu cầu xăng dầu tiếp tục suy yếu bất chấp giá cả xuống thang giữa lúc các kho dự trữ ngày một đầy.

Xe xếp hàng dài chờ đổ xăng giữa khủng hoảng nhiên liệu ở TP Colombo - Sri Lanka ngày 5-7 Ảnh: REUTERS

Xe xếp hàng dài chờ đổ xăng giữa khủng hoảng nhiên liệu ở TP Colombo - Sri Lanka ngày 5-7 Ảnh: REUTERS

Theo trang tin Environment News Service, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuống còn 4,6% - giảm so với mức 5,2% được cơ quan này đưa ra hồi tháng 4.

ADB cùng lúc nâng dự báo lạm phát trong khu vực từ 3,7% lên 4,2% giữa lúc giá cả nhiên liệu và thực phẩm leo thang. Những điều chỉnh trên được ADB đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm chủ yếu vì đại dịch Covid-19; các nước phát triển thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đối phó lạm phát trong khi xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

"Tác động kinh tế của Covid-19 đã suy giảm trên phần lớn châu Á nhưng phục hồi toàn diện và bền vững vẫn là một kịch bản xa vời" - nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB khẳng định, đồng thời cho biết kinh tế Trung Quốc nhiều khả năng chỉ tăng trưởng 4% trong năm nay, không phải 5% như dự đoán trước đó.

Ngoài những yếu tố kể trên, đồng USD tăng giá cũng là nguyên nhân khiến châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và phần lớn thế giới nói chung đối mặt rủi ro kinh tế gia tăng. Tính riêng năm nay, giá USD đã tăng hơn 10% so với những đơn vị tiền tệ hàng đầu khác, lên mức cao chưa từng thấy trong 20 năm trở lại đây, chủ yếu vì nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu khiến giới đầu tư ồ ạt tích lũy đồng bạc xanh, vốn được xem là kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ biến động.

Giá USD tăng mạnh là tin vui đối với các tín đồ du lịch Mỹ, những người hiện có thể tận hưởng một đêm vui chơi thỏa thích tại TP Rome - Ý chỉ với 80 USD thay vì 100 USD như trước đây. Tuy nhiên, đây lại là tin buồn đối với hầu hết tập đoàn đa quốc gia, nhất là khi khoảng 50% thương mại toàn cầu được thanh toán bằng USD. Các chính phủ phải trả nợ bằng USD cũng có thể gặp khó khăn, đặc biệt nếu trữ lượng đồng bạc xanh của họ đang ở mức thấp.

Trên thực tế, theo đài CNN, USD tăng giá đã tác động xấu đến một vài nền kinh tế dễ bị tổn thương, trong đó có Sri Lanka - nơi tình trạng thiếu hụt đồng bạc xanh góp phần gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất lịch sử đất nước, buộc tổng thống từ chức vào tháng trước.

Đồng USD tuần rồi giảm 0,6% nhưng nhiều khả năng đây chỉ là mức giảm tạm thời, không mang ý nghĩa bước ngoặt. Điều này khiến giới đầu tư và hoạch định chính sách băn khoăn liệu Sri Lanka có phải là quân cờ domino đầu tiên sụp đổ hay không. Thêm một rủi ro khác là tình trạng hỗn loạn ở các thị trường mới nổi có thể lan tỏa trong hệ sinh thái tài chính, gây ra tác động diện rộng.

CAO LỰC

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/noi-lo-dong-usd-tang-gia-20220808204637658.htm