Nỗi lo giá cả leo thang
Lương chính thức tăng vào ngày đầu tháng 7, ngay sau đó giá nhiều mặt hàng thiết yếu bắt đầu nhích lên. Chưa kể, khi lương tăng thì số người phải đóng thuế thu nhập cá nhân cũng tăng. Vì vậy, người dân vẫn canh cánh nhiều nỗi lo.
Tại Hà Nội, những ngày này ở các chợ dân sinh giá các loại rau đã tăng nhẹ trên dưới 10%, trong khi thịt lợn, thịt bò cũng tăng dần. Sáng ngày 12/7, hầu hết các chợ như Ngọc Lâm, Gia Lâm, Văn Khê, Thái Hà... đều bán mồng tơi giá 8.000 đồng/mớ, rau muống giá 10.000 đồng/mớ, hành giá 60.000 đồng/kg, thịt lợn 140.000 đồng/kg, thịt bò 260.000 - 290.000 đồng/kg...
Giá hàng hóa tăng nhưng sức mua yếu
Chị Nguyễn Hồng Lan - nhân viên hành chính một cơ quan nhà nước chia sẻ, trước đây mức lương cứng sau khi trừ bảo hiểm và các khoản đóng góp của chị còn 6,7 triệu đồng. Ngày 8/7 vừa qua chị được nhận lương mới là hơn 8 triệu đồng, một khoản tăng thêm đáng kể, vui mừng nhưng vẫn lo tăng giá.
“Giá cả các loại rau tăng nhẹ trong thời tiết nắng nóng này tôi cũng vui vẻ vì mình được tăng lương thì cũng muốn chia sẻ tới những người bán hàng, không vấn đề gì. Nhưng còn thịt lợn, thịt bò tăng khá mạnh lại là chuyện khác. Các loại hàng tiêu dùng khác như giấy vệ sinh, dầu ăn, nước mắm… trong giai đoạn dịch đã tăng khá mạnh nên hiện nay chưa thấy tăng giá nhiều” - chị Lan cho biết.
Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ mặt bằng giá chưa tăng mạnh là do bối cảnh kinh tế khó khăn sau dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân không cao. Bên cạnh đó, nguồn cung hàng hóa khá dồi dào, một số mặt hàng gặp khó khăn trong xuất khẩu, các mặt hàng nguyên, nhiên liệu đầu vào được cung ứng đầy đủ… cũng giúp hạ nhiệt giá cả hàng hóa.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc sở Công thương Hà Nội lại cho rằng, vẫn cần tổ chức lại hệ thống phân phối, nâng cao tính chia sẻ ở cộng đồng và tăng cường kiểm soát giá thị trường.
Theo ông Phú, giá cam ở Vĩnh Long là 5.000 đồng/kg, nhưng ở Hà Nội vẫn là 25.000 đồng/kg. Giá thịt lợn khi chợ xuống 130.000 đồng/kg thì ở một số siêu thị khoảng 200.000 đồng/kg. Khi sức mua yếu mà giá cả tăng thì càng yếu. Thậm chí còn có hiện tượng “tăng giá ngầm”, bằng cách giảm trọng lượng của sản phẩm, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng các báo cáo về điều hành giá, đưa ra những kế hoạch, tình huống sẽ triển khai trong quá trình điều hành, trong đó có việc tăng lương cơ sở và một số vấn đề khác. Một trong những giải pháp mà Bộ Tài chính đưa ra là làm tốt công tác truyền thông để tránh tâm lý người dân bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng lương. “Tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng ít càng tốt, nếu không bị ảnh hưởng thì các giải pháp về kiểm soát giá sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra” - ông Chi nói.
Thuế thu nhập cá nhân cũng... tăng theo lương
Không chỉ giá cả các mặt hàng đang biến động khiến cho niềm vui tăng lương bị giảm sút, nhiều người làm công ăn lương còn than phiền vì lo ngại thuế thu nhập cá nhân tăng. Khi lương cơ sở tăng, lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng, dẫn tới thu nhập chịu thuế tăng lên.
Gia đình chị Thùy Linh (quận Long Biên, Hà Nội) có 2 con nhỏ và bố mẹ già đã đăng ký giảm trừ gia cảnh cho chồng chị. Tổng thu nhập của chị Thùy Linh hàng tháng vượt 11 triệu đồng, bắt đầu đóng thuế thu nhập cá nhân.
Theo chị Linh, tiền học phí, học thêm, bỉm sữa cho mỗi em bé tiết kiệm nhất cũng phải 6-7 triệu đồng/tháng, chưa kể lúc ốm đau chi phí nằm viện có khi tăng lên tới cả triệu đồng. “Mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/người theo thời giá hiện nay đã không còn phù hợp. Tôi mong cơ quan chức năng nên sớm nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm trừ gia cảnh để phù hợp với đà tăng của giá cả nhiều năm nay” - chị Linh nói.
Tương tự, anh Hồ Phan Việt An (quận Đống Đa, Hà Nội) nhẩm tính, hệ số lương của anh đang ở mức 3,99, đợt này lương ngạch bậc sẽ tăng thêm khoảng 1,6 triệu đồng, cộng thêm tiền phụ cấp 30% anh được nhận phần lương cơ sở 9 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, cơ quan anh còn có các khoản thực nhận và một số thù lao khác, tương đương gần 25 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập mỗi tháng của anh lên tới 34 triệu đồng. Sau khi trừ đi mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân anh là 11 triệu đồng thì số tiền còn phải đóng thuế đã lọt vào khung trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng. Vì vậy, anh phải đóng thuế 20% trên thu nhập chịu thuế, tương ứng tiền thuế mỗi tháng khoảng 2,15 triệu đồng.
Cũng theo tính toán của anh An, trước khi tăng lương, anh phải đóng mức thuế 15% khi thu nhập phải chịu thuế còn lại hơn 17 triệu đồng mỗi tháng và số thuế phải nộp khoảng 1,8 triệu đồng. Như vậy, sau khi được tăng lương thêm 1,6 triệu đồng thì thuế đã đóng cao hơn 300.000 đồng/tháng.
Nhiều người làm công ăn lương khác cũng cho rằng lương tăng thêm được hơn 1 triệu đồng mà thụt đầu thụt đuôi vì tăng giá, đóng thuế thu nhập nhiều lên thì “đâu cũng vào đó”.
Kiến nghị rà soát lại cách tính thuế thu nhập cá nhân
Theo nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư 111/2013 của Bộ Tài chính, công thức tính thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được xác định như sau: Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Khoản giảm trừ.
Trong đó, các khoản giảm trừ bao gồm: Khoản giảm trừ gia cảnh; khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học. Như vậy khi lương cơ sở tăng, lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng, dẫn tới thu nhập chịu thuế tăng lên.
Xét trường hợp các khoản giảm trừ không thay đổi thì mức thu nhập tính thuế của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng lên. Do đó, mức đóng thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Đức Thụ, cần phải rà soát lại những cơ chế, chính sách liên quan đến thu nhập của người hưởng lương cho phù hợp, đồng bộ, để việc tăng lương thực sự ý nghĩa. Nếu cứ tăng chỗ này lại thu chỗ kia thì chính sách sẽ thiếu đồng bộ, không hợp lý. Luật ban hành đã có nhiều nội dung không còn phù hợp, nên phải rà soát lại các văn bản, đặc biệt là luật về thuế cần sửa đổi cho phù hợp, tạo thành hệ thống chính sách đồng bộ trong chính sách thu nhập nói chung, tránh tình trạng các chính sách bị xung đột, đối lập nhau.
“Cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp, mức khởi điểm chịu thuế thu nhập phải nâng lên khi tăng lương, rồi số bậc thuế có nên thu gọn lại? Hay mức giảm trừ đối với người phụ thuộc có còn hợp lý không? Nếu vẫn áp mức thuế trong điều kiện hiện nay, lạm phát vẫn tăng không khéo sẽ trở thành tận thu, không phù hợp với từng đối tượng. Do vậy, cần phải sớm điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cho thực sự phù hợp” - ông Thụ nói.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng kiến nghị, mức giảm trừ gia cảnh này đến nay không còn phù hợp với nhu cầu chi tiêu bình thường của các hộ gia đình, nên đề nghị cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh tăng khoảng 25%. Theo đó, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế tăng lên từ 13 - 14 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc tăng lên 5,5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ giá cả các mặt hàng đang biến động khiến cho niềm vui tăng lương bị giảm sút, thì nhiều người làm công ăn lương còn than phiền vì lo ngại thuế thu nhập cá nhân tăng. Khi lương cơ sở tăng, lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng sẽ tăng, dẫn tới thu nhập chịu thuế tăng lên.
Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Viện phó Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR), cần giải pháp tổng thể sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng mở rộng cơ sở thu thuế, bao trùm nhiều nhóm đối tượng như lao động tự do cũng như người lao động có nhiều nguồn thu nhập. Cùng đó, mở rộng cơ sở thu thuế để đảm bảo công bằng, tất cả mọi người có thu nhập đều đóng thuế cho Nhà nước. Mức đóng thuế cũng cần bớt bậc lũy tiến, thủ tục đơn giản hơn và mức đóng thuế vừa phải để người lao động cảm thấy nhẹ nhàng và sẽ chủ động đóng thuế.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/noi-lo-gia-ca-leo-thang-5722989.html