Nỗi lo mất an toàn thực phẩm dịp Tết

Mặc dù thói quen tích trữ thực phẩm vào dịp Tết của người dân đã có nhiều thay đổi tích cực nhưng tình trạng để thức ăn lâu ngày trong tủ lạnh, để sau Tết mới dùng vẫn còn khá phổ biến ở nhiều gia đình. Theo ông Lý Văn Cảnh, Trưởng phòng An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), sẽ rất dễ xảy ra ngộ độc thực phẩm nếu người dân bảo quản không đúng cách hoặc chế biến không đảm bảo và sau Tết mới là thời điểm thực sự đáng lo ngại.

Đoàn liên ngành số 1 của tỉnh về an toàn thực phẩm kiểm tra tại cơ sở kinh doanh giò, chả của hộ ông Vũ Văn Dương, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên).

Đoàn liên ngành số 1 của tỉnh về an toàn thực phẩm kiểm tra tại cơ sở kinh doanh giò, chả của hộ ông Vũ Văn Dương, phường Quang Trung (TP. Thái Nguyên).

Bà Nguyễn Thị Vân, tổ 2, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), chia sẻ: Trước đây, cứ vào dịp Tết, 4 chị em tôi lại “đụng” chung 1 con lợn “sạch” để lấy thịt gói bánh chưng, làm giò, nem, nấu đông, ninh măng. Do mỗi phần cũng lên tới 20-25kg nên số thịt, xương còn lại khá lớn, tôi chia thành từng miếng khoảng 3-4 lạng, đủ dùng trong 1 bữa rồi cho vào túi bóng để ngăn đá ăn dần, có khi đến hết tháng Giêng vẫn còn.

Khi đó, tôi cứ nghĩ làm như thế là tốt, vì được ăn thịt sạch, tránh ăn phải lợn nuôi tăng trọng. Sau này, tôi mới biết, để thịt lâu trong tủ lạnh, mặc dù ở ngăn đá nhưng cũng sẽ làm biến đổi chất, gây hại cho sức khỏe. Vì thế, khoảng 5 năm trở lại đây, tôi chỉ mua đủ dùng trong 3-4 ngày Tết để đỡ phải đi chợ. - bà Nguyễn Thị Vân

Không chỉ có bà Vân, phần lớn các gia đình hiện nay đều đã hình thành thói quen không tích trữ thực phẩm quá nhiều vào dịp Tết. Tuy nhiên, tình trạng để đồ sống cùng đồ chín trong cùng ngăn tủ mà không gói, bọc cẩn thận vẫn khá phổ biến. Thậm chí có những trường hợp, thức ăn để trong tủ lạnh 1-2 ngày nhưng khi bỏ ra, nhiều người vẫn vô tư để thế ăn, mà không đun nấu lại cẩn thận.

Người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm tích trữ trong khoảng 3 ngày Tết và chú ý bảo quản đúng cách để tránh ngộ độc khi sử dụng.

Người tiêu dùng chỉ nên mua thực phẩm tích trữ trong khoảng 3 ngày Tết và chú ý bảo quản đúng cách để tránh ngộ độc khi sử dụng.

Trong khi đó, theo phân tích của các nhà khoa học, thịt để tủ lạnh quá lâu, vi sinh vật sẽ thích ứng, hoạt động và phát triển, từ đó sinh ra độc tố, gây các bệnh khác. Bên cạnh đó, bất kể thực phẩm nào, không chỉ riêng thịt, để tủ lạnh lâu cũng đều khiến các thành phần của chúng bị biến đổi. Thịt cho dù không có dấu hiệu ôi thiu, nhưng khi chế biến cũng sẽ không thể thơm ngon được như lúc tươi sống. Do đó, chúng ta chỉ nên mua vừa đủ trong 2-3 ngày và không nên để quá lâu. Đừng vì “tiếc rẻ” mà cố ăn những thứ không đảm bảo, sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của bản thân và người thân.

Ông Lý Văn Cảnh khuyến cáo: Người dân cần biết bảo quản đúng cách trong tủ lạnh hoặc tủ đông. Ăn ngay khi thức ăn vừa được nấu chín. Bảo quản cẩn thận thực phẩm đã nấu; đun kỹ lại trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn thức ăn ôi thiu hoặc được bảo quản không đúng cách; cẩn thận trong khâu chế biến, tránh việc bị ngộ độc thực phẩm. Ngành Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế các xã, phường, thị trấn sẵn sàng ứng phó khi có các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Ở một góc độ khác, bác sĩ CKII Lê Duy Đạo, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng đã đưa ra một thực trạng rất đáng được mọi người quan tâm, đó là: Vào mỗi dịp Tết, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thường cấp cứu, điều trị cho trên 100 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, chủ yếu do ăn uống các loại thực phẩm không đảm bảo, gây đau bụng, tiêu chảy. Do đó, người dân cần lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, đáng tin cậy; chú ý khâu bảo quản, chế biến; ăn uống khoa học để đảm bảo sức khỏe.

Có thể nói, thực phẩm là thứ trực tiếp liên quan đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người dùng. Và trên thực tế cũng đã có rất nhiều trường hợp bị ngộ độ rượu, thực phẩm xảy ra trên địa bàn cả nước. Vì thế, việc tự nâng cao ý thức của người dân trong mua bán, bảo quản, chế biến, sử dụng thực phẩm cần được hết sức quan tâm. Khi có các dấu hiệu của việc ngộ độc, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.

Việt Bắc

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202501/noi-lo-mat-an-toan-thuc-pham-dip-tet-87f0686/