Nỗi lo nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm
Khi 'bong bóng' trái phiếu doanh nghiệp bị vỡ hồi năm 2022, Nghị định 65 ra đời nhằm chấn chỉnh thị trường, bằng những quy định, siết chặt việc phát hành hơn.
Ngay sau đó, Nghị định 08 (NĐ08) dù chỉ là tạm thời nhưng được cho là cứu cánh cho thị trường TPDN. Đã gần 1 năm qua, thị trường TPDN vẫn chưa thể phục hồi thì NĐ08 đã hết hạn và sẽ phải trở lại áp dụng NĐ65 (từ ngày 1-1-2024). Trong đó nỗi lo lớn nhất là “nhà đầu tư chuyên nghiệp và các DN phát hành phải xếp hạng tín nhiệm”.
Thị trường non trẻ
Thị trường TP nói chung và TPDN nói riêng của Việt Nam còn non trẻ. Thực tế mới bắt đầu chính thức 10 năm trở lại đây, nhộn nhịp chủ yếu từ năm 2016. Hiện nay quy mô thị trường vẫn còn nhỏ, cùng với đó tính đặc thù của TPDN Việt Nam cũng rất khác so với khu vực về cơ sở nhà đầu tư (NĐT), hình thức phát hành giữa riêng lẻ với công chúng.
Thời gian qua, Chính phủ có 4 nhóm chính sách quyết định phục hồi thị trường TPDN. Thứ nhất, NĐ08 tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn như cho phép giãn hoãn, quay vòng… với những điều kiện mới thuận lợi hơn so với trước đây. Thứ hai, đưa vào vận hành hệ thống TPDN riêng lẻ tập trung. Đây là điểm quan trọng làm tăng thanh khoản.
Theo thống kê của HNX, đã có khoảng 760 mã TPDN của khoảng 200 tổ chức phát hành được đưa lên hệ thống này, qua đó tăng thanh khoản cho thị trường 20-30 lần so với giai đoạn trước. Điều này rất quan trọng, vì tăng công khai minh bạch cho thị trường. Thứ ba, phát triển một số điều kiện tiến tới thị trường lành mạnh hơn, thí dụ thêm tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã bắt đầu vận hành. Thứ tư, các vụ việc vi phạm TPDN đã được xử lý quyết liệt. Các chính sách đó đưa đến tác động tích cực là thị trường TPDN đang dần phục hồi.
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay các DN đã phát hành khoảng 240.000 tỷ đồng, trong đó có 220.000 tỷ đồng phát hành TPDN riêng lẻ, 20.000 tỷ đồng phát hành TP ra công chúng, chỉ giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy rào cản vẫn tồn tại, nhưng thị trường đang phục hồi tích cực, niềm tin phục hồi trở lại... Đây là các dấu hiệu giúp thị trường phát triển tốt hơn.
Những rào cản lớn nhất hiện nay chính là hình thức phát hành. Thống kê sơ bộ có đến 90% TPDN là phát hành riêng lẻ, chỉ 10% phát hành ra công chúng. Bởi lẽ phát hành riêng lẻ quy trình thủ tục đơn giản hơn rất nhiều, phát hành chỉ trong một nhóm NĐT, và chỉ những NĐT chuyên nghiệp mới được mua những TP này, tức phải có hiểu biết và phải theo những điều kiện Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra. Rõ ràng chúng ta thấy cấu trúc này đang mất cân đối.
Cần một lộ trình…
Trong bối cảnh NĐ08 chuẩn bị hết hiệu lực và sắp tới sẽ quay trở lại áp dụng NĐ65, về cơ bản tôi đồng tình với quan điểm nên quay trở lại NĐ65, không nên kéo dài thêm NĐ08.
Tuy nhiên, khi thực hiện vẫn cần phải có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường TPDN phát triển. Thí dụ, NĐ08 sửa đổi 3 điều kiện, trong đó thời gian chào bán TPDN là không có vấn đề gì (vẫn áp dụng 60 ngày), nhưng quan trọng là quy định đối với NĐT chuyên nghiệp, phải cân nhắc thời gian tới nên như thế nào.
Nếu muốn thị trường lành mạnh, đúng đối tượng là người mua có kiến thức, có kinh nghiệm, có hiểu biết, sẽ áp dụng tiếp điều kiện, điều khoản của NĐT chuyên nghiệp theo NĐ65.
Đối với xếp hạng tín nhiệm cho DN với đơn vị phát hành nên có lộ trình phù hợp hơn. Hiện nay mới có 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm, cùng với đó là văn hóa, thói quen của những bên phát hành mua dịch vụ xếp hạng tín nhiệm chưa hình thành ngay được. Đây sẽ là những cản trở đối với sự phục hồi của thị trường.
Do đó, nên cân nhắc lộ trình xếp hạng tín nhiệm thích hợp hơn, đặc biệt phải phân nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm, nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm. Thí dụ, đối với các ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm, vì ngân hàng phát hành mục đích để tăng vốn cấp 2, được quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn bởi Nhà nước.
Tiềm năng rất lớn
Hiện nay, quy mô thị trường TP Việt Nam tương đương 11% GDP. So với Trung Quốc chiếm khoảng 36%, Hàn Quốc khoảng 89%, Singapore 26% và Thái Lan 27%… thì tỷ trọng TP của Việt Nam đang hạn chế hơn.
Bên cạnh đó, quy mô dư nợ TP so với tài chính của Việt Nam chiếm khoảng 13%. Trong khi đó ở Thái Lan khoảng 27%, Philippines 22%, Trung Quốc 25%. Rõ ràng chúng ta còn dư địa để có thể tăng gấp đôi quy mô của thị trường này.
Chiến lược tài chính của Bộ Tài chính có yêu cầu phát triển thị trường TP nói chung, bao gồm cả TP Chính phủ và TPDN sẽ tương đương 47% GDP đến năm 2025. Do vậy cần phải phát triển theo hướng chất lượng của sản phẩm. Có nghĩa cần phải đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường TPDN hơn nữa.
Bởi hiện tại cơ bản chỉ có mỗi TPDN, còn các loại TP xanh, TP công trình, TP bền vững, TP xã hội chưa phổ biến. Vì thế theo tôi nên xem thời điểm này là cơ hội thúc đẩy những sản phẩm mới trên thị trường TP. Điển hình như trường hợp BIDV vừa qua phát hành thành công TP xanh, thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu chính là hồn cốt rất quan trọng để phát triển thị trường này. Việc đơn giản hóa quy trình thủ tục phát hành ra công chúng cũng đặc biệt quan trọng.
Thực tế hiện nay quy trình thủ tục còn phức tạp, thời gian phê duyệt lâu, nên nhà phát hành còn ngại khi xin làm hồ sơ để phát hành ra công chúng. Cuối cùng, để thị trường TPDN phát triển lành mạnh vẫn cần phải thanh tra, kiểm tra, giám sát đặc biệt năng lực, công cụ cho đội ngũ này.
Khi trở lại áp dụng NĐ65, các cơ quan chức năng, các bên tham gia thị trường và NĐT cần rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc để sau này trưởng thành và lớn lên. Đặc biệt là cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách.
TS. CẤN VĂN LỰC, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia