Nỗi lo nhiều trường ĐH thiếu hiệu trưởng
Nhiều trường đại học công lập lớn tại TPHCM trong vài năm liền không có hiệu trưởng mà chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách hoặc quyền hiệu trưởng. Dù những trường này vẫn hoạt động bình thường nhưng việc thiếu hiệu trưởng trong thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến các kế hoạch, chiến lược đầu tư phát triển của trường.
Thiếu người “đứng mũi chịu sào”
Từ năm 2018 đến nay, sau khi GS Mai Hồng Quỳ thôi làm hiệu trưởng do hết tuổi làm quản lý, Trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM vẫn chưa có hiệu trưởng mới. Người đang điều hành trường là PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, từ năm 2020, sau khi GS Nguyễn Hay về hưu cũng khuyết chức danh hiệu trưởng. Việc điều hành trường được giao cho PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng phụ trách. Tháng 1-2021, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng được Bộ GD-ĐT bổ nhiệm là quyền hiệu trưởng cho đến nay.
Tháng 5-2021, PGS-TS Đỗ Văn Dũng thôi làm hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Hội đồng trường bầu PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Trưởng khoa Cơ khí chế tạo máy, làm hiệu trưởng và đề nghị Bộ GD-ĐT công nhận. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT không công nhận vì quy trình có nhiều vấn đề, và sau đó Bộ GD-ĐT giao PGS-TS Lê Hiếu Giang làm Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho đến nay.
Trường ĐH Y Dược TPHCM cũng thiếu vắng hiệu trưởng. Tháng 7-2020, Bộ Y tế chủ trì tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng trường và trao quyết định công nhận Chủ tịch Hội đồng trường cho PGS-TS Trần Diệp Tuấn khi ông Tuấn đang làm hiệu trưởng. Từ đó tới năm 2022, trường này không có hiệu trưởng mà PGS-TS Nguyễn Hoàng Bắc là Phó Hiệu trưởng điều hành. Tháng 4-2021, Hội đồng trường bổ nhiệm 2 phó hiệu trưởng mới là PGS-TS Ngô Quốc Đạt và TS Hà Mạnh Tuấn.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Bộ Y tế đề nghị Trường ĐH Y Dược TPHCM thu hồi quyết định trên do có sai sót. Đến tháng 8-2022, PGS-TS Ngô Quốc Đạt một lần nữa được Hội đồng trường bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng. Tháng 4-2023, Bộ Y tế ra quyết định bổ nhiệm ông Ngô Quốc Đạt thay ông Nguyễn Hoàng Bắc làm Phó Hiệu trưởng phụ trách trường…
Ảnh hưởng đến chiến lược phát triển trường
Theo Luật Giáo dục đại học (năm 2018) và Nghị định 99/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học, hội đồng trường bầu hiệu trưởng và sau đó đề nghị cơ quan chủ quản công nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, quy trình bầu hiệu trưởng ở nhiều trường phát sinh vấn đề nên cơ quan chủ quản không công nhận, dẫn đến hoạt động của các trường bị ảnh hưởng.
Đơn cử như tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, từ tháng 5-2021 đến tháng 5-2022, trường không có hiệu trưởng đã khiến gần 4.000 sinh viên, học viên cao học, tiến sĩ tốt nghiệp mòn mỏi chờ nhận bằng tốt nghiệp vì không có người ký vào bằng.
Cùng với đó, lương của cán bộ, giảng viên, các hoạt động đầu tư khác của nhà trường cũng bị “đóng băng”. Hay tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, sau khi GS Lê Vinh Danh thôi làm hiệu trưởng, trường không có người phụ trách ký bằng tốt nghiệp khiến 2.000 sinh viên bức xúc vì phải chờ nhận bằng…
Theo trưởng phòng tổ chức một trường ĐH lớn tại TPHCM, việc thiếu hiệu trưởng có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết đó là công tác chuẩn bị nhân sự của một số trường chưa được quan tâm đúng mức. Kế đến là hội đồng trường chọn và giới thiệu hiệu trưởng để cơ quan chủ quản công nhận, nhưng công tác bầu chọn có vấn đề, không tuân thủ đúng quy trình nên không được công nhận.
Với nhiều năm làm công tác đào tạo và sau đó là quản lý, Th.S Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing TPHCM, cho rằng, việc thiếu hiệu trưởng sẽ không phải là vấn đề lớn nếu trường có sự chuẩn bị các phương án dự phòng; khi đó công tác đào tạo, quản lý và điều hành vẫn hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, việc thiếu hiệu trưởng trong vài năm sẽ là sự đáng ngại.
Bởi lẽ, thiếu vắng người “đứng mũi chịu sào” sẽ khiến cho công tác đầu tư, mua sắm, xây dựng, và đặc biệt là công tác xây dựng chiến lược phát triển nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, việc chậm phát bằng tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người học. Nếu không có hiệu trưởng mới thì hội đồng trường có thể đề xuất, giao phó hiệu trưởng phụ trách ký trên bằng tốt nghiệp. Vấn đề ở đây là do cách làm của các cơ sở đào tạo và một phần có thể do nội bộ đùn đẩy trách nhiệm, không đặt quyền lợi của người học lên hàng đầu.
Để xử lý việc này, cần xây dựng tiêu chuẩn năng lực hết sức minh bạch, công khai, khoa học và phải dân chủ thực sự trong công tác cán bộ. Cơ quan chủ quản cần quan tâm và có cán bộ làm nhân sự tận tâm, hiểu biết về quản lý nguồn nhân lực trong tổ chức. Cán bộ làm nhân sự phải là người liêm chính tuyệt đối thì mới có thể tìm và chọn người đúng cho tổ chức, dám nghĩ, dám làm vì sự nghiệp chung của toàn trường.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung học chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng: Hiệu trưởng là người được bổ nhiệm để điều hành toàn bộ các hoạt động của một cơ sở giáo dục ĐH theo các nghị quyết của hội đồng trường.
Việc thiếu vắng hiệu trưởng sẽ gây ra những ách tắc nhất định trong tổ chức, không ai dám quyết vì họ không có vai trò của hiệu trưởng. Những người được giao nhiệm vụ theo kiểu ủy quyền sẽ không tận tâm làm hết trách nhiệm của người tạm quyền hiệu trưởng vì sợ những rủi ro về uy tín, về quyền lực…
Công tác nhân sự không dứt khoát sẽ dễ gây ra sự mất đoàn kết nội bộ, kiện cáo lẫn nhau, tranh giành quyền lực và lợi ích nhóm. Nhất là nhóm chống đối, cản trở sự phát triển của tổ chức sẽ “bới lông tìm vết”, kích động mâu thuẫn nội bộ… Tất cả những hiện tượng này phần nhiều do đơn vị đó thiếu đi vai trò của một thủ lĩnh.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/noi-lo-nhieu-truong-dh-thieu-hieu-truong-post686308.html