Nỗi lo 'Sơn thần' nổi giận - Bài 1: Những vết thương chưa liền của núi
Mùa mưa bão lại cận kề, những cơn giông đầu mùa xầm xì trên những đỉnh núi Tây Bắc mang theo không khí ẩm ướt và cả nỗi bất an len lỏi vào từng nếp nhà. Nhiều người dân nơi đây, đặc biệt là ở những vùng từng hứng chịu cơn thịnh nộ của 'sơn thần', trước, trong và sau bão Yagi năm ngoái vẫn ám ảnh như một vết sẹo hằn sâu trên da thịt và trong lòng đất.


Hơn 11 tháng sau cơn lũ quét kinh hoàng đêm 24 rạng sáng 25/7/2024, xã Mường Pồn (tỉnh Điện Biên) vẫn chưa thể lành sẹo. Đây là vùng ghi nhận sạt lở lớn đầu tiên trong mùa mưa bão năm 2024, trước cả khi bão Yagi đổ bộ. Giữa vùng đất vốn chìm trong tang thương, những mái nhà từng đổ nát giờ được dựng lại từ hai bàn tay trắng. Từng mảnh ruộng bị mất đã được chia lại và từng cuộc đời dần tìm được khởi đầu mới từ con số không.

Nhưng đêm định mệnh ấy, với những mất mát không thể nào quên, vẫn là một nỗi ám ảnh thường trực, một vết hằn không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người ở lại. Cơn mưa đổ xuống trong đêm đó, tưởng chừng như bao đêm mưa khác, bất ngờ cuốn theo đất đá từ đồi cao, xô đổ nhà cửa, cuốn trôi tài sản, vùi lấp ruộng nương, và cướp đi sinh mạng của người thân. Tiếng nước gầm rú, tiếng cây đổ rạp, tiếng nhà sập vang khắp thung lũng. Buổi sáng hôm sau, khi ánh bình minh yếu ớt xuyên qua làn sương mù, hiện ra trước mắt là một cảnh tượng đổ nát: nhà cửa tan hoang, cây cối ngổn ngang. Về người, các báo cáo sau đó ghi nhận trận lũ quét có 4 người chết, 3 người còn đang mất tích.

Ánh mắt chất chứa bao nỗi buồn và mất mát của ông Cà Văn Luyến
Ông Cà Văn Luyến ở bản Mường Pồn 1 vẫn nhớ rõ từng chi tiết của khoảnh khắc kinh hoàng đó: “Lúc đó, tôi thấy mưa lớn, có gọi vợ con dậy. Tôi bước ra hiên hút thuốc lào thì đất đá trên đồi ào ào đổ xuống. Tiếng sét đánh chói tai, sau đó là một luồng đất đá khổng lồ ập tới. Cơn lũ ập về, nhà đổ sập, mọi thứ vỡ tung… Tôi bị cuốn theo, may mắn thoát ra được, bám víu vào một thân cây trôi dạt. Nhưng khi quay lại gọi vợ con thì không còn nghe thưa nữa rồi…”. Sáng hôm sau, ông được lực lượng chức năng đưa đi khâu vết thương; thi thể vợ con chỉ được tìm thấy nhiều giờ sau, bị vùi lấp dưới hàng tấn đất đá, để lại trong lòng ông niềm đau sâu đậm cùng vết sẹo trên đầu không thể phai mờ, một minh chứng vĩnh viễn cho mất mát không thể bù đắp.

Ở một góc bản khác, gia đình anh Đinh Công Huế cũng gánh chịu thiệt hại không kém phần nghiệt ngã. Là một trong những hộ kinh doanh ổn định nhất với mô hình tạp hóa kết hợp chăn nuôi khép kín, anh Huế đã dồn bao tâm huyết và tài sản vào đó. Nhưng chỉ trong vòng ba tiếng đồng hồ định mệnh, gia tài hơn 1 tỷ đồng của anh bị xóa sạch không còn dấu vết. “Lúc tỉnh dậy, nước đã lên cao đến ngang ngực. Tôi chỉ kịp gọi cả nhà chạy lên đồi, không kịp mang theo bất cứ thứ gì. Đứng nhìn từ trên cao mà như hóa đá. Nhà cửa, hàng hóa, đàn gà đàn lợn mà tôi đã chăm sóc bao lâu nay, tất cả đều trôi theo dòng nước lũ…”, anh Huế nhớ lại, giọng nghẹn ngào, đôi mắt đỏ hoe.

Ngay sau trận lũ, chính quyền xã Mường Pồn và huyện (cũ) và tỉnh nhanh chóng vào cuộc. Những bao gạo đầu tiên được chuyển đến trong đêm tối, giữa lúc mưa vẫn còn lất phất. Tổ cứu trợ được thành lập gấp rút. Lương thực, nước uống, chăn màn và thuốc men được đưa tới từng bản làng bị cô lập. Từng đoàn công tác của tỉnh, huyện, lực lượng công an, bộ đội đến tận nơi, không quản ngại khó khăn, bùn lầy, hỗ trợ dân dọn dẹp, dựng lều tạm, lo hậu sự cho người xấu số, thắp nén nhang an ủi những linh hồn đã khuất.
Sau giai đoạn cấp bách, xã bắt đầu bước vào cuộc tái thiết dài hơi. Hơn 100 căn nhà bị ảnh hưởng, 18 hộ mất hoàn toàn nhà cửa được hỗ trợ tái định cư. Gần 7 người chết và mất tích, thiệt hại về hoa màu, đất canh tác, cầu đường và giao thông lên tới 175 tỷ đồng. Một chương trình đồng bộ được triển khai: xây dựng nhà “3 cứng” (nền cứng, tường cứng, mái cứng) để đảm bảo an toàn, quy hoạch 6 điểm tái định cư mới ở những vị trí an toàn hơn, hỗ trợ gạo, giống cây trồng, máy móc canh tác và phân bón để người dân có thể khôi phục sản xuất. Dù vết thương vẫn còn đó, nhưng Mường Pồn đang từng bước, từng bước, nỗ lực đứng dậy từ đống đổ nát, với sự sẻ chia và giúp đỡ từ khắp nơi.




Lào Cai là địa bàn chịu nhiều tang thương nhất trong lũ lụt, sạt lở năm 2024. Những cái tên như làng Nủ, Nậm Tông đã trở thành nỗi xót thương trong nhân dân cả nước suốt gần một năm qua và có lẽ còn kéo dài nhiều năm sau. Tuy nhiên, Làng Nủ, Nậm Tông và nhiều bản làng khác đã được cả nước chung tay tái thiết, không còn thường trực nỗi lo về sạt lở. Trong khi đó, địa bàn này hiện vẫn còn nhiều địa điểm khác đã bị sạt lớn nhưng người dân chưa được tái định cư.
Những ngày cuối tháng 6, cái nắng chói chang vẫn không xua đi được không khí nặng trĩu của nỗi lo tại thôn Phú Hùng, xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai (trước sáp nhập là xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai). Cơn bão số 3 (bão Yagi) hồi tháng 9 năm ngoái đã khiến quả đồi phía sau nhà ông Phạm Văn Bình và bà Cao Thị Lái "chuyển mình". Một tiếng “răng rắc” lớn vang lên như tiếng xé toạc tấm vải khổng lồ, sau đó là tiếng ầm ầm của đất đá và cây cối đổ ập xuống. Đất nứt toác, bụi tre lâu năm trượt xuống, một phần công trình phụ bị vùi lấp trong chớp nhoáng.

Ông Bình nhớ lại khoảnh khắc định mệnh ấy với ánh mắt vẫn còn nguyên sự hoảng loạn: “Lúc đó, tôi đang ngồi ở hiên nhà, thấy đất chuyển động dưới chân. Tôi vội vàng hô hoán vợ con chạy ra khỏi nhà. Mới chỉ mấy giây thôi mà cả một mảng đồi đã trượt xuống. Nếu chậm một chút thôi, chắc chúng tôi đã bị vùi lấp rồi”. Một năm sau cơn bão, chỗ tái định cư chưa có, ông bà vẫn phải quay về căn nhà cũ, nơi bức tường chỉ cách vết nứt dài hàng chục mét. Mùa mưa bão năm nay, nỗi lo ấy lại càng đè nặng hơn.

Dọc lưng chừng đồi sau nhà ông, những vết nứt cũ nay đã loang rộng hơn, vết nứt chính chạy dài từ mép đồi cao xuống sát vách nhà, chỗ rộng nhất gần bằng cổ tay người lớn, chỗ sâu thì nhìn không thấy đáy. Khi trời mưa, nước theo vết nứt ngấm vào lòng đất, mảng đồi phía trên càng xệ xuống, như một quả bom hẹn giờ treo lơ lửng trên đầu mỗi thành viên trong gia đình.
Thôn Phú Hùng (cũng thuộc xã Gia Phú) có tới 9 hộ gia đình sống trong tình cảnh tương tự. Tất cả đều nằm trong vùng sạt lở được cảnh báo sau bão Yagi và từng được sơ tán khẩn cấp. Họ đã phải bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn để đến ở nhờ nhà người thân hoặc các khu tạm trú. Nhưng rồi, khi đất tái định cư vẫn còn là câu chuyện xa vời, nhà cửa bỏ hoang lâu ngày xuống cấp, bà con lại lần lượt quay về sống trong căn nhà cũ, đối mặt với tử thần ngay sau lưng.
“Ai cũng muốn rời khỏi vùng nguy hiểm này. Chúng tôi đã làm đơn nhiều lần đề nghị các cấp chính quyền địa phương giải quyết chỗ ở. Rồi nhiều đoàn về khảo sát, đo đạc, đề xuất, nhưng giờ mùa mưa lũ đến người dân vẫn chờ trong vô vọng”, bà Lê Thị Huệ, Trưởng thôn Phú Hùng, trăn trở, giọng đầy xót xa.
Ông Phạm Đình Thiệp, nguyên Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cũ (nghỉ ngày 30/6 phục vụ sáp nhập với xã Gia Phú) cũng không giấu được sự sốt ruột. Ông cho biết, khu vực bị ảnh hưởng có địa hình dốc, nền yếu, và sau nhiều đợt mưa nhỏ đầu năm 2025, vết nứt phát triển nhanh và sâu hơn. “Nếu tiếp tục mưa lớn, khả năng sạt toàn sườn là hoàn toàn có thể xảy ra. Vấn đề lớn nhất là bố trí vị trí đất tái định cư cho người dân”, ông Thiệp nói, giọng đầy lo âu.
Ở xã Thống Nhất cũ phần lớn đã được quy hoạch khu, cụm công nghiệp, khiến việc tìm quỹ đất sạch cho người dân trở nên khó khăn. Dù xã đã đề xuất đưa các hộ dân về khu tái định cư, nhưng quá trình bố trí đất, thủ tục vẫn cần quyết định của các cấp.



Vết nứt chính chạy dọc từ mép đồi cao xuống sát vách nhà, chỗ rộng nhất gần bằng cổ tay người lớn trên đồi phía sau 9 hộ dân thôn Phú Hùng, xã Gia Phú.

Thôn Chầm, xã Cao Sơn, tỉnh Phú Thọ là nơi từng xảy ra vụ sạt lở năm 2024 khiến 4 người trong một gia đình bị vùi lấp. Hiện khung cảnh ở đây còn nguyên vẹn vết tích của vụ việc đau thương. Những hàng cây đổ ngổn ngang, những mái nhà bị san phẳng vẫn còn đó, như một lời nhắc nhở kinh hoàng về sức tàn phá của thiên tai.
Hiện còn 6 hộ dân với 36 khẩu vẫn sống trong nơm nớp lo sợ dưới quả đồi có nguy cơ sạt lở cao. Ông Xa Văn Tâm, khu 3, xóm Chầm chia sẻ, nhớ lại cảnh sạt lở khiến 4 người hàng xóm tử vong, mọi người đều rợn tóc gáy và lo cho tính mạng gia đình. “Người dân mong muốn di chuyển đến nơi khác, nhưng không có đất để di chuyển. Khổ lắm! Trời mưa xuống là cả xóm lại di chuyển đến khu khác ở nhờ, lúc nào mưa tạnh mới dám về. Trong nhà, không ai muốn mua sắm gì cả, cứ sợ sạt lở vùi đi tất cả. Cái tivi, cái tủ lạnh mới mua cũng chẳng dám mang về”, ông Tâm bộc bạch, ánh mắt đầy vẻ cam chịu.

Ngôi nhà bị vùi lấp làm chết 4 người tại thôn Chầm, xã Cao Sơn.
Ông Lường Văn Hoàn, Trưởng thôn Chậm, xã Cao Sơn cho biết, cả xóm có 30 hộ sinh sống ở những vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Xã đã có kế hoạch tái định cư, nhưng cấp trên thông báo chưa có kinh phí di dời. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hòa Bình (nay Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ), trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũ có 118 điểm nguy cơ sạt lở đất, đá lăn, với 3.671 hộ bị ảnh hưởng cần phải bố trí ổn định dân cư. Con số này cho thấy quy mô của vấn đề và sự thiếu hụt trầm trọng về nguồn lực để giải quyết.

Đại diện báo Tiền Phong chia buồn với gia đình ông Xa Văn Nộm ở Thôn Chầm, xã Cao Sơn, tỉnh Phú Thọ vào tháng 9/2024, ngay sau sự cố khiến 4 người trong gia đình tử vong.
Bà Hoàng Lan Thu, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ (trước là Hòa Bình) cho biết, tái định cư là biện pháp tối ưu nhất cho các hộ dân sống tại vùng có nguy cơ sạt lở cao. Tuy nhiên, việc này đang gặp khó khăn do thiếu vốn thực hiện. Dù mùa mưa đã tới, các khu tái định cư vẫn đang dừng ở mức thực hiện thủ tục đầu tư. Trong 7 khu tái định cư được phê duyệt, chỉ có 2 khu được xây dựng, nhưng mới đạt 50% tiến độ đề ra. “Việc hoàn thành các khu tái định cư vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là việc bố trí vốn”, bà Thu nhấn mạnh.
Theo bà, để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng, địa phương phải thực hiện “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Với những điểm có nguy cơ sạt lở cao, khi mưa kéo dài, chính quyền địa phương phải di dân khẩn cấp đến nơi an toàn, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân, tránh thiệt hại về người và tài sản.

6 ngôi nhà ở thôn Chầm, xã Cao Sơn vẫn chưa được tái định cư vì không có nguồn kinh phí.
(Còn nữa)