Nỗi lo 'Sơn thần' nổi giận - Bài 3: Những giải pháp cấp bách và lâu dài

Đối mặt với thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường, việc 'nguôi cơn giận' của 'sơn thần' không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là chiến lược dài hạn, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng.

Những cơn mưa đầu mùa mưa bão 2025 đã bắt đầu trút xuống, nhắc nhở về nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đang rình rập ở các vùng núi. Giải pháp trước mắt là chính quyền địa phương các cấp cần theo dõi tình hình và cảnh báo kịp thời.

Tại xã Gia Phú, tỉnh Lào Cai, bà Lê Thị Huệ, Trưởng thôn Phú Hùng, nơi có nguy cơ sạt lở cao vẫn thường xuyên đi từng nhà, nhắc nhở người dân mỗi khi có dự báo mưa lớn, không được chủ quan lơ là. Bà chia sẻ: “Tôi phải đi nói chuyện, giải thích cặn kẽ cho bà con hiểu về mức độ nguy hiểm của các vết nứt, hướng dẫn họ cách theo dõi và sơ tán khẩn cấp khi cần thiết. Nhiều người còn tâm lý ngại di dời, nhưng mình phải kiên trì thuyết phục vì sự an toàn của họ”.

Ở quy mô cấp xã, cấp tỉnh, chính quyền địa phương chủ yếu giám sát, sát sao các điểm có nguy cơ, xây dựng kế hoạch sơ tán theo từng hộ. Đồng thời, chính quyền xã còn bố trí chỗ ở tạm và hỗ trợ tiền thuê nhà cho người dân di dời đến nơi an toàn trong thời gian mưa bão.

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lào Cai cho biết, về dự báo, cảnh báo thiên tai, tỉnh Lào Cai khai thác hiệu quả hệ thống 50 trạm đo mưa tự động và 3 trạm thời tiết tổng hợp, kết hợp với các bản tin từ Đài Khí tượng thủy văn Lào Cai. Các bản tin cảnh báo mưa lớn, sạt lở đất được tăng cường phát sóng trên đài, truyền hình địa phương, gửi tin nhắn SMS, và đặc biệt là truyền tải kịp thời đến từng người dân thông qua mạng lưới thôn bản, các nhóm Zalo cộng đồng. Biển cảnh báo được cắm tại các khu vực ngầm tràn, suối sâu, taluy cao nguy hiểm, kèm theo hướng dẫn cụ thể về cách ứng phó. Các lực lượng xung kích tại cơ sở được huấn luyện bài bản, tổ chức diễn tập định kỳ để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống khẩn cấp. Khi xảy ra thiên tai, tỉnh huy động khẩn cấp nhân lực, vật tư, thiết bị; đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc thông suốt phục vụ chỉ đạo điều hành ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Mô hình cảnh báo sạt lở bằng gỗ đặt tại Tri Phú do chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn

Mô hình cảnh báo sạt lở bằng gỗ đặt tại Tri Phú do chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cũng cho biết đã rút ra 5 bài học quan trọng sau thiên tai, bao gồm: Chuẩn bị ứng phó từ sớm, từ xa, rà soát điểm xung yếu, kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm; dự báo sát thực tế, truyền thông sâu rộng, điều hành linh hoạt, nhất quán; đảm bảo an sinh và khôi phục đời sống sau bão lũ; tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai cần chuyên biệt, tăng cường trang thiết bị và cơ sở dữ liệu; công tác cứu trợ phải đúng đối tượng, kịp thời, tránh phân bổ chồng chéo, gây lãng phí.

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khó lường, việc có những biện pháp cảnh báo sớm và ứng phó tại chỗ kịp thời là vô cùng quan trọng, có thể cứu sống nhiều người cùng lúc và giảm thiểu thiệt hại tài sản.

Tại Tuyên Quang, sau trận bão Yagi gây thiệt hại nặng nề tại hai xã Linh Phú và Tri Phú (nay là xã Tri Phú mới) vào năm ngoái, người dân đã được hỗ trợ một hệ thống cảnh báo đơn giản nhưng hiệu quả.

Hệ thống cảnh báo này được lắp đặt từ dự án CWS do chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ năm 2023. Sau khi khảo sát các điểm có nguy cơ sạt lở cao và xác định các vị trí xung yếu, ngoài việc hỗ trợ xây dựng đê chống lũ, các chuyên gia còn đặt các thiết bị cảnh báo đơn giản, dễ hiểu, giúp người dân theo dõi và đo lường nguy cơ sạt lở tại một số khu vực trọng điểm. Bên cạnh đó, họ còn mở lớp tập huấn để người dân biết cách sử dụng và nhận diện dấu hiệu bất thường, nâng cao ý thức chủ động phòng tránh thiên tai.

Căn nhà mới của chị Triệu Thị Quynh

Căn nhà mới của chị Triệu Thị Quynh

Chị Triệu Thị Quynh ở thôn Lăng Quăng, xã Tri Phú, là một trong những người đã thoát nạn nhờ thiết bị này kể: “Gọi là thiết bị nhưng trông giống như các thanh barie làm bằng gỗ, phần giữa sơn đỏ, hai đầu giữ nguyên màu tự nhiên của gỗ. Khi cột gỗ nghiêng về bên nào tức là quả đồi có nguy cơ sạt lở về phía đó, báo hiệu mức độ nguy hiểm”. Các thiết bị này được cắm vòng quanh quả đồi phía sau nhà chị. Khoảng hai tháng trước đợt bão Yagi, một cột đã nghiêng lệch chừng 20cm, nhờ đó chị phát hiện sớm và chủ động theo dõi tình hình, di dời khi mưa lớn. Quyết định di dời kịp thời sau đó đã cứu sống cả gia đình chị.

Căn nhà mới của gia đình chị giờ đã kiên cố, nằm giữa đồng ruộng, cách căn nhà cũ bị vùi lấp chừng hơn cây số, mang lại sự yên tâm và niềm hy vọng mới. “Nhờ chính quyền và các nhà hảo tâm giúp đỡ, vợ chồng tôi mới dựng được ngôi nhà này. Yên tâm hơn nhiều rồi, không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi trời đổ mưa nữa”, chị chia sẻ, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt.

Tuy nhiên, ông Ma Văn Hưng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phú (trước sáp nhập, nay thuộc xã Tri Phú) cũng lưu ý rằng, thiết bị cảnh báo chỉ hỗ trợ một phần và cần được kết hợp với nhiều biện pháp khác, không thể hoàn toàn dựa vào đó.“Khi khảo sát, các chuyên gia Nhật Bản phát hiện một số vị trí trũng trên đồi có khả năng tích nước nên chỉ lắp hệ thống ở những điểm này. Tuy vậy, mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão số 3 khiến nhiều nơi không có thiết bị cũng bị ảnh hưởng, đòi hỏi chính quyền và người dân phải luôn sẵn sàng ứng phó, cập nhật tình hình liên tục qua zalo, truyền thông địa phương đến tận người dân, thôn bản, và đặc biệt là nâng cao ý thức chủ động phòng tránh của từng hộ gia đình”, ông Hưng cho biết.

Suối Nặm Păm, thuộc xã Mường La, tỉnh Sơn La, là một trong những khu vực thường xuyên bị đe dọa bởi lũ bùn đá sau mưa lớn. Trận lũ quét kinh hoàng năm 2017 đã để lại nỗi ám ảnh sâu sắc với 15 người chết và mất tích, hàng trăm nhà bị phá hủy, thiệt hại kinh tế lên đến 705 tỷ đồng. Đây cũng là lý do khiến Sơn La được lựa chọn là địa phương thí điểm xây dựng đập Sabo đầu tiên ở Việt Nam trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật giữa Bộ NN&PTNT và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Đập Sabo không phải là một công trình xa lạ với các nước có địa hình núi cao và thường xuyên hứng chịu lũ quét như Nhật Bản. Đó là công trình chắn dòng đặc biệt, thường được xây dựng ở khu vực thượng nguồn sông, suối có độ dốc lớn, nhằm ngăn chặn đất đá, gỗ lớn trôi theo lũ về hạ lưu. Thiết kế khe hở của đập cho phép dòng nước và các hạt mịn tiếp tục chảy qua, đồng thời giữ lại những khối trầm tích có thể gây hư hại lớn khi xảy ra lũ bùn đá. Khác với các hồ chứa lớn tốn kém về diện tích, đập Sabo có kết cấu linh hoạt, chi phí vận hành thấp, phù hợp với điều kiện địa hình rừng núi Việt Nam.

Mô phỏng đập Sabo thí điểm tại huyện Mường La

Mô phỏng đập Sabo thí điểm tại huyện Mường La

Ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho hay: “Dự án này là mô hình trực quan đầu tiên được thiết kế và xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam, có thể làm cơ sở để đánh giá hiệu quả và xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về đập Sabo”. Ông Sơn cũng cho biết, trong tương lai, hệ thống đập Sabo đồng bộ thay vì chỉ một đập đơn lẻ sẽ là lời giải chiến lược cho những lưu vực thường xuyên hứng chịu thiên tai. Việc hình thành tuyến đập từ thượng nguồn sẽ giúp làm chậm dòng chảy, giảm tải cho hạ lưu, giữ lại lượng lớn bùn đá có nguy cơ phá hủy nhà cửa, đường sá.

Ông Suzuki Takashi, Cố vấn Quản lý Rủi ro Thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại buổi lễ khởi công xây dựng

Ông Suzuki Takashi, Cố vấn Quản lý Rủi ro Thiên tai tại Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại buổi lễ khởi công xây dựng

Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kỹ thuật, mô hình đập Sabo còn mang theo một “lợi ích mềm” vô cùng quan trọng: chuyển giao tri thức và nâng cao năng lực quản lý thiên tai cho chính quyền địa phương và cộng đồng. Trong quá trình triển khai, các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật Việt Nam đã được tiếp cận phương pháp khảo sát địa hình, đánh giá nguy cơ, thiết kế và xây dựng đập Sabo theo chuẩn Nhật Bản. Họ được hướng dẫn chi tiết từ việc lựa chọn vị trí, tính toán dòng chảy, đến các vật liệu phù hợp và kỹ thuật thi công. Các tài liệu, tiêu chuẩn đang dần được nội địa hóa, tạo cơ sở để Việt Nam làm chủ công nghệ trong những giai đoạn tiếp theo, tự mình xây dựng và phát triển các công trình phòng chống thiên tai mà không cần phụ thuộc quá nhiều vào chuyên gia nước ngoài.

Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La thị sát hiện trường xây dựng đập thí điểm

Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La thị sát hiện trường xây dựng đập thí điểm

Để “nguôi cơn giận” của “sơn thần” một cách lâu dài và bền vững, các tỉnh miền núi phía Bắc đã và đang áp dụng nhiều phương án toàn diện, quyết liệt nhằm phòng chống sạt lở đất, lũ quét và các hình thái thiên tai ngày càng cực đoan.

Các tỉnh đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; xây dựng và triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai hằng năm, có sự điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến khí hậu. Các tỉnh cũng thực hiện đầy đủ các chỉ đạo, chiến lược, chương trình của Trung ương về phòng ngừa sạt lở đất, tích cực tham gia các dự án hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm.

Khu tái định cư xã Linh Phú (trước sát nhập)

Khu tái định cư xã Linh Phú (trước sát nhập)

Đặc biệt, công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được chú trọng nhằm giúp người dân và cán bộ cơ sở tự ứng phó hiệu quả hơn. Các buổi tập huấn, hội thảo được tổ chức thường xuyên, cung cấp kiến thức về dấu hiệu sạt lở, kỹ năng thoát hiểm, và cách sơ tán an toàn. Công tác tuyên truyền và diễn tập ứng phó thiên tai được đẩy mạnh, nhất là tại các địa bàn dân cư nằm trong vùng nguy hiểm, giúp người dân chủ động hơn trong việc bảo vệ bản thân và gia đình. Các buổi diễn tập không chỉ giúp rèn luyện kỹ năng mà còn tạo sự gắn kết, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Các tỉnh cũng tổ chức rà soát, di dời dân cư đến nơi an toàn, kết hợp quy hoạch lại dân cư và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu tái định cư ổn định. Việc bố trí chỗ ở tạm và quy hoạch khu tái định cư được thực hiện khẩn trương, có phân công cụ thể, mốc thời gian rõ ràng và thường xuyên kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Làng Nủ - từ địa chỉ đau thương đến hình mẫu tái định cư tránh sạt lở, lũ quét

Làng Nủ - từ địa chỉ đau thương đến hình mẫu tái định cư tránh sạt lở, lũ quét

Tuy nhiên, việc tái định cư vẫn còn nhiều khó khăn. Như ở Tuyên Quang, do thiếu quỹ đất phù hợp và khác biệt về phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số nên khó triển khai. Ông Hà Ngọc Anh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Linh Phú (trước sáp nhập, nay là xã Tri Phú, tỉnh Tuyên Quang) kể: “Lúc đầu, xã tính bố trí khu mới ở thôn Nà Luông cho 12 hộ bà con người Mông, nhưng người Dao thì không đồng ý vì tập quán canh tác, sinh hoạt khác nhau. Chuyển sang thôn Mã Lương thì dân lại bảo xa nương quá, khó chăn dê, trồng ngô”. Sự khác biệt về văn hóa, sinh kế là rào cản lớn trong việc tìm kiếm một giải pháp tái định cư phù hợp cho tất cả mọi người. Phải sau nhiều tháng, Chính quyền địa phương mới tìm được chỗ phù hợp, từ sự chung tay, góp đất canh tác, ruộng lúa của bà con.

Còn tại xã Tri Phú cũ, ông Ma Văn Hưng cho biết, với sự kiên trì vận động của chính quyền và sự hiểu biết lẫn nhau, qua thời gian, bà con chấp nhận, giúp đỡ nhau. Bản làng mới được dựng lên từ những khoảng đất xen kẽ, nhưng đầy ấm cúng. Với người dân vùng cao, căn nhà ở có thể nhỏ nhưng sân vườn phải rộng để có thể chăn nuôi, trồng trọt. Tuy vậy, người dân sẵn lòng nhường đất ở để có nơi an cư cho bà con bị ảnh hưởng, thể hiện tinh thần đoàn kết đáng quý.

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lào Cai, cho biết, năm 2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu di dời 1.672 hộ dân khỏi vùng có nguy cơ cao, bố trí về các khu tái định cư tập trung có đủ hạ tầng như ở Làng Nủ xã Phúc Khánh, Kho Vàng và Nậm Tông xã Bảo Nhai (xã Nậm Lúc cũ). Tuy nhiên, việc di dời này không chỉ đơn thuần là chuyển chỗ ở, mà còn phải đảm bảo sinh kế và cuộc sống ổn định cho người dân sau khi rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn.

Cuối cùng, kinh nghiệm tại nhiều tỉnh, trong đó có tỉnh Lào Cai cho thấy cần đặc biệt chú trọng bảo vệ và phát triển rừng – “lá phổi xanh” và “tấm áo giáp” tự nhiên của núi rừng. Các chương trình khoanh nuôi, tái sinh và trồng rừng phòng hộ được đẩy mạnh tại lưu vực đầu nguồn, góp phần tăng độ che phủ, giữ đất và hạn chế nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Việc hạn chế san gạt taluy cao và áp dụng các giải pháp kỹ thuật giảm tải đất đá khi xây dựng hạ tầng cũng được thực hiện nghiêm túc để giảm rủi ro thiên tai, tránh làm suy yếu thêm kết cấu của "sơn thần".

Nội dung: Nhóm phóng viên Tây Bắc | Đồ họa: Kiều Tú

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-lo-son-than-noi-gian-bai-3-nhung-giai-phap-cap-bach-va-lau-dai-post1758456.tpo