Nỗi lo sức khỏe từ thuốc lá điện tử
Thuốc lá điện tử là thú chơi mới của nhiều người, trong đó có giới trẻ Việt Nam trong những năm gần đây. Sản phẩm này đang được quảng cáo tràn lan là chứa ít nicotine hơn nên không gây nghiện và không độc hại, có mùi hương dễ chịu, răng không đổi màu, không ám mùi làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Tuy nhiên, sự thật lại không phải như vậy.
Nghiện thuốc lá lâu năm nên khi được một người cháu định cư ở Nga về thăm và tặng bộ hút thuốc lá điện tử với câu quảng cáo đi kèm là thứ này có thể thay thế và làm giảm chứng nghiện thuốc lá truyền thống, ông Nguyễn Văn D. (phường Đông Lương, TP. Đông Hà) mừng như bắt được vàng. Lâu nay, vì mang trong mình nhiều bệnh lý nền nên bác sĩ khuyên ông D. nên bỏ thuốc lá. Tuy nhiên, vì đã sử dụng lâu ngày, hơn nữa mỗi lần cai thuốc cân nặng đều tăng nên ông cho rằng nếu bỏ hẳn thuốc thì sẽ không kiểm soát được cân nặng cơ thể, dẫn đến nhiều bệnh hơn. Sau khi được người cháu tặng bộ hút thuốc lá điện tử, ông D. dùng ngay, cảm giác cũng không khác gì so với thuốc lá truyền thống, mà lại sành điệu hơn.
Dùng một thời gian, lượng tinh dầu sử dụng cho thuốc lá điện tử mà người cháu cho hết nên ông D. đặt mua trên mạng, chủ yếu là tinh dầu hoa quả có xuất xứ từ nước ngoài với giá từ 400 ngàn đồng - 2 triệu đồng/lọ, tùy theo nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm nên ông mua phải những loại tinh dầu có nồng độ nicotin rất cao. Sau một thời gian sử dụng, ông D. thấy tim đập nhanh, hay mắc các triệu chứng của bệnh hô hấp nên đi khám bác sĩ. Lúc đó, ông mới biết thực ra thuốc lá điện tử không giống như quảng cáo, không những không cai được thuốc lá truyền thống mà có khi lại kéo người sử dụng nghiện thêm với chi phí hằng tháng bỏ ra không ít. Bên cạnh đó, người sử dụng thuốc lá điện tử dễ mắc các bệnh tim mạch, hô hấp nếu mua phải tinh dầu hoặc một số nguyên liệu không đảm bảo chất lượng. Do người dùng có thể tự phối trộn với các nguyên liệu khác nhau, thậm chí là phối trộn cả ma túy để sử dụng nên nhiều trường hợp sau khi hút thuốc lá điện tử đã phải cấp cứu do ngộ độc.
Nguy hiểm hơn, thuốc lá điện tử được nhiều bạn trẻ, trong đó có học sinh sử dụng. Phần lớn các em đều đã từng hoặc đang hút thuốc lá điếu truyền thống, nay hút thêm thuốc lá điện tử cho oai. Nắm bắt được xu thế đó, nhiều trang mạng xã hội đã tiếp cận, mời chào các em thử hút thuốc lá điện tử. Nhiều đối tượng còn tuyên truyền rằng, dùng thuốc lá điện tử vừa cai thuốc lá điếu, vừa thể hiện “đẳng cấp” dân chơi hiện nay. Thuốc lá điện tử cũng đã len lỏi vào trong các trường học, khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Mới đây, liên quan đến vụ một nam sinh lớp 10 bị bạn đổ chất “lạ” vào miệng ở Cần Thơ, bước đầu cơ quan chức năng nhận định chất lỏng này có thể là tinh dầu dùng trong thuốc lá điện tử. Hay trước đó, tại TP. Đà Nẵng, một trường học đã có quyết định kỷ luật hai học sinh vì sử dụng thuốc lá điện tử trong trường khiến một em bị ngất phải nhập viện cấp cứu.
Hiện nay, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá ở nước ta đang phải đối mặt với những thách thức mới. Đó là tỉ lệ hút thuốc lá điện tử có xu hướng tăng. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm 2019 cho thấy có tới 2,6% học sinh ở Việt Nam từng sử dụng thuốc lá thế hệ mới. Trong đó, tỉ lệ sử dụng thường xuyên là 0,8% và có dấu hiệu cho thấy những con số này đang tăng một cách đáng kể, đặc biệt là ở giới trẻ. Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 cũng cho biết, tỉ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành có xu hướng tăng (từ 0,2% năm 2015 lên 0,7% năm 2020).
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thuốc lá điện tử là mặt hàng không được bày bán công khai như thuốc lá điếu truyền thống. Việc buôn bán loại mặt hàng cấm này chủ yếu qua kênh cá nhân với cái mác “hàng xách tay”, không có bất cứ tem nhãn như thuốc lá truyền thống. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người bán hàng rao bán công khai các loại vape, pod, thậm chí cigar trị giá ước tính lên đến cả trăm triệu đồng. Trước thực trạng đáng lo ngại trên, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần có sự vào cuộc ngăn chặn tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử trôi nổi, nhất là tại nơi công cộng; xử lý nghiêm các đối tượng đầu nậu theo quy định của pháp luật. Đối với giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, cần có sự quan tâm, giám sát của gia đình, trường học để con em mình không bị sa đà vào trào lưu thời thượng đầy tác hại này.