Nỗi lo Syria bị chia cắt
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo đảm an ninh nếu chính quyền chuyển tiếp ở Syria không thể giải quyết mối lo ngại của Ankara về lực lượng người Kurd
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan hôm 21-12 tuyên bố nước này sẽ làm mọi điều cần thiết để bảo đảm an ninh nếu chính quyền chuyển tiếp ở Syria không thể giải quyết mối lo ngại của Ankara về lực lượng người Kurd mà họ xem là khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện xem Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), nhóm dẫn đầu Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ ủng hộ, là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK). Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu đều xem PKK là "tổ chức khủng bố".
Theo ông Fidan, lựa chọn ưu tiên của Ankara là để chính quyền mới ở Damascus giải quyết vấn đề này phù hợp với sự thống nhất lãnh thổ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, đồng thời nhấn mạnh rằng YPG nên được giải tán ngay lập tức.
Tuyên bố trên nêu bật nguy cơ Syria bị chia cắt bởi các nước láng giềng sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.
Theo tờ South China Morning Post, lực lượng Israel hiện chiếm giữ lãnh thổ ở phía Tây Nam Syria. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố lực lượng nước này sẽ ở lại Syria cho đến khi đạt được thỏa thuận có thể bảo đảm an ninh cho Israel.
Trong khi đó, các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tấn công vào các khu vực do người Kurd kiểm soát ở phía Đông Bắc.
Cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đều lấy lý do an ninh quốc gia để giải thích cho hành động nói trên trong khi cộng đồng quốc tế chưa muốn can thiệp nhiều. Ngoài ra, cả hai nước này còn có những mục tiêu khác nhau ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ hiện ủng hộ chính quyền chuyển tiếp do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo. Trái lại, Israel đã viện dẫn mối đe dọa từ HTS, nhóm từng có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, để phát động chiến dịch không kích quy mô lớn kể từ khi chính quyền ông Assad sụp đổ, phá hủy phần lớn cơ sở hạ tầng quân sự còn lại của Syria và về cơ bản làm cho đất nước này không còn khả năng phòng thủ.
"Israel đang tận dụng cơ hội để bảo đảm rằng chính phủ Syria tiếp theo cơ bản là phi quân sự hóa và không gây ra mối đe dọa" - bà Barbara Slavin, chuyên gia tại Trung tâm Stimson (Mỹ), nhận định. Trong khi đó, nhà phân tích chính trị Yusuf Erim tại Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Israel đang đặt nền tảng cho những cuộc không kích trong tương lai nhằm vào Iran bằng cách phá hủy các hệ thống phòng không của Syria.
Dù vậy, theo bà Slavin, cách tiếp cận trên cũng khiến Syria dễ bị tổn thương trước sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, với câu hỏi đặt ra là ai sẽ kiểm soát nhóm cực đoan này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng lại các hành động của Israel bằng cách đề nghị giúp chính phủ Syria mới tái thiết lực lượng vũ trang của mình. Tuy nhiên, theo ông Erim, việc xây dựng lại năng lực quân sự của Syria sẽ mất thời gian.
Vì vậy, việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đa quốc gia để ổn định nước này trong ngắn hạn là bước đi hợp lý và cần thiết. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh cộng đồng quốc tế sẽ hưởng lợi từ một Syria ổn định và an toàn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/noi-lo-syria-bi-chia-cat-196241222203735041.htm