Nỗi lo tai nạn giao thông nông thôn

Thời gian qua, tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên các tuyến đường nông thôn tăng cao đáng báo động. Nhiều giải pháp đã được các cấp, các ngành đưa ra để các tuyến đường quê không còn là điểm 'nóng' về TNGT.

Vụ tai nạn xảy ra tại đường đan thuộc ấp Hưng, xã Điềm Hy, huyện Châu Thành. Nguyên nhân do người lái xe 3 bánh không làm chủ được tốc độ tự gây tai nạn.

BÁO ĐỘNG

Đi trên các tuyến đường nông thôn, chúng ta không khó bắt gặp những lỗi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông (ATGT) của người dân, như: Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đặc biệt là tình trạng phóng nhanh vượt ẩu của một số thanh, thiếu niên…

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 37 vụ tai nạn, làm chết 22 người và bị thương 18 người liên quan đến giao thông nông thôn (GTNT). Trong đó, chỉ riêng 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 33 vụ tai nạn GTNT.

Huyện Châu Thành là địa phương có số vụ tai nạn GTNT cao, đã xảy ra 19 vụ, làm chết 9 người và bị thương 9 người, tăng 16 vụ so với cùng kỳ năm 2020.

Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phó Trưởng Ban ATGT huyện Châu Thành Đoàn Ngọc Vinh cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn GTNT trên địa bàn là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông khi đường vắng, thông thoáng, điều khiển xe tốc độ cao cùng với kỹ năng lái xe, xử lý tình huống kém…

Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ lãnh đạo một số nơi còn lơ là trong triển khai, chỉ đạo, kiểm tra dẫn đến tình trạng chủ quan, buông lỏng công tác bảo đảm trật tự ATGT; các bất cập, điểm tiềm ẩn nguy cơ về mất ATGT, “điểm đen” tai nạn giao thông vẫn còn nhiều nơi, nhất là ở các tuyến đường huyện và GTNT, như: Thiếu biển báo hiệu, mặt đường xuống cấp, tình trạng xây dựng nhà, lều quán, trồng cây, bụi rậm che khuất tầm nhìn tại các đoạn cong, điểm giao nhau… nhưng các lực lượng liên quan chưa chủ động phối hợp khảo sát, phát hiện, báo cáo, kiến nghị cơ quan chức năng để có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục, phòng ngừa TNGT.

Vụ tai nạn xảy ra trên đường ấp Dầu, thuộc ấp Thới, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành. Nguyên nhân do người lái xe máy không đi bên phải theo chiều đi của mình dẫn đến tai nạn với người đi bộ. Hậu quả, người lái xe máy tử vong.

Riêng các địa phương có tuyến đường tỉnh, đường huyện đi qua khu vực nông thôn đã xảy ra nhiều vụ TNGT. Tiềm ẩn nguy cơ TNGT, nhất là các đoạn giao nhau giữa đường nông thôn và đường tỉnh, đường huyện, khi người điều khiển phương tiện không quan sát khi ra đường ưu tiên.

Đơn cử như huyện Tân Phước, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 21 vụ TNGT. Trong đó, số vụ TNGT xảy ra ở khu vực nông thôn là 3 vụ, tuyến đường nội bộ Khu công nghiệp Long Giang 3 vụ và 15 vụ xảy ra trên các tuyến đường tỉnh. Trong tổng số 21 vụ TNGT có đến 17 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 17 người và 4 vụ ít nghiêm trọng làm bị thương 5 người.

Trung tá Nguyễn Hoàng Trương, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Công an huyện Tân Phước cho biết, huyện Tân Phước có các tuyến đường trung chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Long An, Đồng Tháp và có khu công nghiệp đóng trên địa bàn nên lượng xe tải, xe đưa rước công nhân di chuyển qua rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến TNGT.

ĐỂ TUYẾN ĐƯỜNG QUÊ AN TOÀN

Để giảm thiểu TNGT ở khu vực nông thôn cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền thường xuyên và liên tục nhằm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân.

Do đó, công tác tuyên truyền về bảo đảm ATGT đã được các ngành, các địa phương trên địa bàn huyện Tân Phước đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều biện pháp linh hoạt. Huyện Tân Phước với đặc thù diện tích rộng, dân cư phân bố thưa thớt nên gặp khó khăn trong việc tuyên truyền trực tiếp. Do đó, Đội Cảnh sát giao thông - Công an huyện đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện tổ chức thu âm các nội dung tuyên truyền về luật, quy định đảm bảo ATGT để chuyển về các xã, thị trấn phát loa tuyên truyền cho người dân cập nhật kịp thời và tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động.

Bên cạnh đó, các địa phương trên địa bàn huyện Tân Phước cũng đã chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa TNGT. Đơn cử như ở xã Hưng Thạnh, bên cạnh công tác tuyên truyền, UBND xã đã đẩy mạnh phối hợp với các ngành chức năng kiên quyết xử lý các trường hợp xây nhà ở, lều quán, vật kiến trúc vi phạm hành lang đường bộ và bảo vệ các biển báo, cọc tiêu, cọc mốc lộ giới trên địa bàn xã quản lý để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông.

Chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh Hồ Thanh Sơn cho biết: “Trong quý III - 2021, Ban ATGT xã tiến hành kiểm tra các trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường bộ. Qua đó, xã phát hiện 1 trường hợp vi phạm lấn chiếm hành lang lộ giới và lập biên bản nhắc nhở, tạm đình chỉ thi công”.

Những năm gần đây, từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các xã tham gia hoàn thiện tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn và đặc biệt là đường giao thông. Hiện nay, nhiều tuyến đường liên xã, liên ấp được bê tông hóa, cứng hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại.

Nhưng vẫn phải thừa nhận, có một thực tế là mặc dù được cải tạo, mở rộng, nâng cấp, bê tông hóa nhưng ở nhiều nền đường GTNT thường nhỏ hẹp, thiếu hệ thống chiếu sáng, biển báo, thiết bị bảo đảm ATGT, tầm nhìn tại các điểm giao cắt bị che khuất bởi nhà cửa, cây cối.

Do đó, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xây dựng mới 41 tuyến đường điểm về ATGT với chiều dài hơn 38 km; xây dựng mới 102 tuyến đường có ánh sáng bảo đảm trật tự ATGT, với chiều dài hơn 80 km, với 3.324 bóng đèn được gắn mới; tổ chức 220 đợt ra quân phát quang, làm cỏ, chặt mé cây che khuất tầm nhìn tại các tuyến đường GTNT, trả lại đường thông hè thoáng…

Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Nguyễn Văn Vũ cho biết, trong thời gian tới, để hạn chế tai nạn GTNT, Ban ATGT tỉnh đề nghị Ban ATGT huyện, thị xã, thành phố phối hợp các đơn vị chức năng liên quan tổ chức rà soát, khảo sát các “điểm đen” về TNGT, các bất cập về tổ chức giao thông, những điểm, vị trí tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến mất ATGT, TNGT để tham mưu, kiến nghị, đề xuất khắc phục kịp thời góp phần kiềm chế TNGT, bảo đảm trật tự ATGT.

Ngoài ra, các ngành chức năng của địa phương sớm khảo sát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông, biển cảnh báo nguy hiểm ở những đoạn đường cong cua thường xuyên xảy ra tai nạn.

Ðối với các điểm giao cắt đường liên xã, liên ấp với trục đường chính, lực lượng Công an huyện, Công an xã cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn cho người dân tham gia giao thông thuận lợi.

Đồng thời, các đơn vị tích cực tham mưu cho chính quyền địa phương vận động nhân dân không mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, để bảng hiệu, bảng quảng cáo che khuất tầm nhìn, làm gờ giảm tốc nơi giao cắt và kiên quyết xử lý các vi phạm để giảm TNGT ở các vùng nông thôn.

VĂN THẢO - CAO THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/an-toan-giao-thong/202111/noi-lo-tai-nan-giao-thong-nong-thon-939065/