Nỗi lo tăng lương, tăng giá
Từ ngày 1-7-2023, lương cơ sở chính thức tăng từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng. Theo khảo sát của chúng tôi, lương tăng thì giá cả các mặt hàng hóa thiết yếu cũng bắt đầu tăng, khiến nhiều người lo lắng.
Hàng hóa rục rịch tăng giá
Tại chợ Tam Cờ (TP Tuyên Quang), giá cả các mặt hàng thực phẩm rau củ tươi, thịt lợn, thịt gà, trứng tăng nhẹ. Giá các loại rau xanh tăng từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Rau cải xanh tăng từ 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg. Củ cải tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/kg; cà rốt tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/kg. Đối với trứng gà, tính từ cuối tháng 6 cho đến nay, tăng từ 1.900 đồng/quả lên 2.800 đồng/quả.
Các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm cũng bắt đầu tăng. Giá lợn hơi hiện nay là 66.000 -70.000 đồng/kg, trong khi trước đó giá lợn hơi chỉ dao động 50.000 đồng đến 60.000 nghìn đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Lan, một tiểu thương bán rau tại chợ Tam Cờ chia sẻ: Giá rau xanh thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường là chính. Tuy nhiên do tăng lương nên các chợ đầu mối lớn cũng rục rịch tăng giá. Thực chất, giá cả hàng hóa tăng nhưng tiểu thương chúng tôi cũng phải nhập giá cao nên không có nhiều lợi nhuận.
Trao đổi với anh Hoàng Ngọc Long, quản lý Siêu thị Tuyên Quang, được biết hàng hóa đơn vị nhập đều tăng giá. Đối với các mặt hàng thực phẩm tăng từ 3 -5%, các mặt hàng khác như đồ gia dụng và hóa mỹ phẩm tăng từ 6 -7%, thậm chí có mặt hàng tăng 10%. Tuy nhiên, siêu thị vẫn bán hàng bình ổn giá cả thị trường, các mặt hàng thực phẩm siêu thị không tăng giá, còn các mặt hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm siêu thị cân đối sao cho mức giá tăng không cao hơn mức tăng của giá nhập.
Là một người nội trợ, bà Nguyễn Thị Nhung, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết: “Những ngày gần đây thực phẩm hàng ngày đang rục rịch tăng giá. Tôi mong rằng giá thực phẩm lần này sẽ không tăng phi mã làm cho cuộc sống như bị đảo lộn”. Còn chị Tạ Thùy Giang, một khách hàng đang mua thực phẩm tại chợ Tam Cờ bảo: Nếu như trước đây, mỗi buổi đi chợ chị tiêu hết 160.000 đồng, thì nay phải tăng thêm 30.000 - 40.000 đồng mới đủ mua thức ăn cho 2 bữa trong ngày. Hiện hàng hóa chưa tăng cao nhưng cũng không loại trừ nhiều người bán “té nước theo theo mưa”, lợi dụng tăng lương để tăng giá hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu. Chị mong rằng Nhà nước cần có biện pháp bình ổn giá cả thị trường bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.
Chưa vui tăng lương đã lo tăng giá
Việc tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7-2023 là một chỉ dấu tích cực trong cải cách tiền lương của Nhà nước sau nhiều nỗ lực trong suốt thời gian vừa qua. Đó là tín hiệu vui khi hầu hết người làm công ăn lương trong khu vực công đều chật vật khó khăn. Dù với mức lương cơ sở này, nhân với hệ số 2,34 thì một cử nhân, kỹ sư ra trường, được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước có thêm phụ cấp cũng chỉ trên dưới 4 triệu đồng mỗi tháng.
Ở nông thôn, nhu cầu tiêu dùng không cao, không bị sức ép về đi lại, có thể tăng gia để cải thiện, cuộc sống bớt khó khăn hơn. Ngược lại, cán bộ, nhân viên, người lao động sống ở thành thị, nhu cầu đi lại tăng cao, chi phí học hành, ăn uống đắt đỏ, mọi thứ đều phải mua bán thì đồng lương dù có tăng như lần này cũng chưa thấm tháp là bao.
Là giáo viên mầm non tại xã Trung Môn (Yên Sơn), chị Đỗ Thị Kiều Vân rất vui vì sau 3 năm rồi mới được tăng lương và với mức tăng khá cao. Lương tăng sẽ có thêm thu nhập để chi tiêu cuộc sống hàng ngày của gia đình. Nhưng nếu lương tăng dẫn đến ''bão giá'' thị trường như những năm trước thì đâu vẫn hoàn đó. “Gần một tuần nay, khi đi chợ, tôi thấy các giá thực phẩm như thịt, rau xanh đã có chiều hướng tăng giá” – Chị Vân nói.
Còn anh Nguyễn Văn Quang, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) đang hành nghề xe ôm lo lắng: Anh là lao động tự do nên mức lương cơ sở có tăng hay không cũng không ảnh hưởng đến thu nhập. Nhưng theo kinh nghiệm của anh những năm trước, lương cơ sở tăng là kéo theo giá cả hàng hóa thực phẩm tăng mạnh. Những người lao động tự do như anh lại phải chật vật lắm”.
Để ổn định giá cả thị trường, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Phó Giám đốc Sở Công Thương Lộc Kim Liễn cho biết, qua theo dõi diễn biến thị trường, hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu giá tăng từ 3-5%, tuy nhiên chưa có tình trạng tăng ''nóng'', cung cầu hàng hóa trên địa bàn có xu hướng ổn định. 6 tháng cuối năm, sở tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu. Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng của Chỉnh phủ, Bộ Công Thương và của tỉnh; phối hợp với ngành, đơn vị liên quan trong công tác điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý; sử dụng linh hoạt các công cụ, các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, hỗ trợ cho sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/noi-lo-tang-luong-tang-gia-177280.html