Nỗi lo trong việc lựa chọn nguyện vọng xét tuyển 2022
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc ngày 13/5/2022, đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Quyết liệt “lọc ảo” để nâng cao chất lượng tuyển sinh
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố mốc thời gian Kỳ thi THPT Quốc gia 2022 với nhiều điểm mới trong quy chế xét tuyển đại học. Theo đó, các cơ sở đào tạo và thí sinh sẽ phải nhập dữ liệu lên hệ thống chung để chạy “lọc ảo”. Quá trình này sẽ chỉ cho phép mỗi thí sinh được trúng tuyển 1 nguyện vọng được xếp thứ tự ưu tiên cao nhất.
Với sự điều chỉnh kỹ thuật trong tuyển sinh đại học năm nay, đòi hỏi thí sinh sẽ phải có sự sắp xếp về thứ tự nguyện vọng ưu tiên một cách chính xác nhất. Mã xét tuyển sẽ được quy định cho tất cả các phương thức xét tuyển, vì vậy, thí sinh hoàn toàn có thể chủ động trong việc lựa chọn phương thức và khối ngành để xét tuyển theo khả năng của mình.
Nhiều luồng ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT dự thảo tiến hành “lọc ảo” như vậy là tước đi quyền lựa chọn khi đã trúng tuyển nhiều trường của thí sinh và cũng gây ra hạn chế trong tự chủ tuyển sinh của các trường trong tuyển sinh.
Phản hồi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết: “Trong những năm qua, quy chế tuyển sinh đã quy định cụ thể về chủ động xét tuyển trên cơ sở các nguyện vọng của thí sinh đã đăng kí.
Do đó, nhận định về hạn chế quyền lựa chọn của thí sinh hoặc hạn chế quyền tự chủ của các trường là chưa chính xác, dù ở góc độ nào.”
Khó khăn khi lựa chọn nguyện vọng
Lứa tuổi 18 vẫn còn nhiều hoài nghi, đắn đo về tương lai và mong muốn của bản thân. Nhiều bạn trẻ đã sớm có định hướng ngành nghề yêu thích và nắm được thế mạnh của bản thân, từ đó rất dễ để lựa chọn nơi mà mình sẽ đặt nguyện vọng. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn còn đang loay hoay để tìm lối đi cho riêng bản thân.
Có rất nhiều cách để định hướng bản thân như nghe lời khuyên từ bố mẹ, tham gia những buổi tư vấn – hướng nghiệp, tìm hiểu thông tin trên các trang tuyển sinh… Nhưng hơn ai hết, chính bản thân thí sinh là người quyết định đặt nguyện vọng. Bạn Phạm Quốc Huy, trường THPT Văn Lang, Quảng Ninh khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn nguyện vọng cho biết: “Em xét và so sánh cân đối với mức điểm và chỉ tiêu tuyển sinh trong 2 – 3 năm gần đây của các trường. Đồng thời tìm hiểu thêm về các khoa, ngành mới để có thêm sự lựa chọn phù hợp với mình.”
Theo các chuyên gia, thí sinh cần chọn ngành trước, sau đó mới xem ngành đó được đào tạo ở các cơ sở nào. Mỗi cơ sở sẽ có những điểm mạnh khác nhau, thí sinh cần phải cân nhắc lựa chọn môi trường nào sẽ phù hợp với mình nhất. Sau khi đã chọn được ngành và cơ sở đào tạo, thí sinh mới xem xét đến các phương thức xét tuyển của trường và chọn phương thức nào mà mình có lợi thế nhất. Tránh tình trạng chạy xô theo đám đông, đăng kí cho vui với bạn bè hoặc thậm chí là nhắm mắt đặt bừa nguyện vọng.
Với việc tất cả phương thức đều sẽ là nguyện vọng được đăng ký lên hệ thống của Bộ GD&ĐT, thí sinh cần phải nắm được khả năng của mình phù hợp với điều kiện của cơ sở nào. Với những ngành mà thí sinh yêu thích, hãy mạnh dạn sắp xếp lên thứ tự ưu tiên cao nhất để tránh bỏ lỡ cơ hội được học đúng ngành mình mong muốn. Bạn Vũ Minh Lợi, học sinh trường THPT Thực Nghiệm, Hà Nội cho biết cảm nhận về việc điều chỉnh kỹ thuật của Bộ: “Cách xét tuyển chỉ trúng 1 nguyện vọng duy nhất của năm khiến em phải suy nghĩ rất nhiều trong việc lựa chọn và đặt thứ tự nguyện vọng”.
Mặt khác, bạn Hà Thị Tố Nga, học sinh trường THPT Bắc Kạn, Bắc Kạn chia sẻ: “Bản thân em thấy việc chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất khá là phù hợp với hiện tại. Tuy nhiên, em và các bạn đều đắn đo và đòi hỏi phải suy nghĩ thật cẩn thận trong việc lựa chọn, tránh đặt những nguyện vọng quá sức mình rồi trượt toàn bộ”.
Nhiều phụ huynh đồng tình với dự thảo này của Bộ, hy vọng con em mình sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng “ảo” đến mức tiêu cực như những năm qua. Việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với tính cách, niềm yêu thích, khả năng, mong muốn của thí sinh cũng cần được bố mẹ sát cánh và hơn hết là khuyến khích tạo động lực cho kỳ thi THPT Quốc gia suôn sẻ, thành công.