Nỗi lo từ các cơ sở trông trẻ tư nhân
Hiện nay, trước tốc độ gia tăng dân số nhanh, lượng trẻ em có nhu cầu được đến trường lớn thì các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư nhân đang phần nào giúp giải quyết tình trạng quá tải ở các trường mầm non công lập. Tuy nhiên, các nhóm, lớp dạng này mới chỉ đáp ứng yêu cầu trông, giữ trẻ còn chất lượng ra sao lại là vấn đề đáng bàn, khi thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo hành trẻ em ở những cơ sở này.
Khi sức khỏe, tính mạng của trẻ bị đe dọa
Ngày 31/12/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 49/2021/TT-BGD&ĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập loại hình dân lập và tư thục có hiệu lực từ ngày 15/2/2022. Trong đó, có ghi rõ những quy định trong quản lý, tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục với nhóm trẻ độc lập. Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều người nhận trông giữ trẻ trái phép tại nhà, không thực hiện theo quy định của pháp luật, có hành vi bạo hành trẻ.
Mới đây, ngày 5/3, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng để điều tra, làm rõ vụ bạo hành khiến bé trai 17 tháng tuổi tử vong. Hai “bảo mẫu” này đã thừa nhận hành vi giẫm lên đầu, đạp vào bụng nạn nhân trong quá trình trông giữ trẻ. Cơ quan chức năng cũng xác định, cơ sở mầm non không được cấp phép hoạt động và từng bị xử phạt nhiều lần.
Cách đó không lâu, ngày 14/1, bảo mẫu Võ Thị Mỹ Linh (30 tuổi, tại thành phố Hồ Chí Minh) bạo hành bé 6 tháng tuổi dẫn đến thương tích 99%. Công an xác định đối tượng hành nghề bảo mẫu tự phát trong chung cư. Khi trông bé trai 6 tháng tuổi, đối tượng dùng tay liên tục đánh lên đỉnh đầu cháu bé.
Vào tháng 10/2022, một giáo viên nhóm lớp tư thục ở Đà Nẵng cũng đã có hành vi đánh, xách, ném, kéo lê, dọa nạt trẻ và cho trẻ ăn đồ ăn đã nhả ra, đút cơm thô bạo… Còn rất nhiều những vụ bạo hành trẻ nhỏ khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Dư luận giật mình về sự xuống cấp đạo đức, nhân tính của một bộ phận người trong xã hội. Những vụ việc trên không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh phụ huynh mà còn với cả cơ quan quản lý trong công tác kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ sở mầm non tư thục, nhóm trẻ tự phát. Trước đó, đã từng xảy ra nhiều vụ bảo mẫu bạo hành trẻ mầm non và chủ yếu xuất phát từ các nhà trẻ tư thục, nhóm trẻ tự phát.
Là một người mẹ từng gửi con cho điểm trông trẻ tự phát, chị Nguyễn Thị Nhung (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) chia sẻ: Sau khi hết thời gian nghỉ chế độ thai sản, chị phải đôn đáo tìm người trông giữ trẻ bởi không có điều kiện thuê người giúp việc. Trong khi các trường công lập không nhận trẻ ít tháng tuổi, trường mầm non tư thục có uy tín lại có mức học phí quá cao...
Nghe mọi người giới thiệu bác hàng xóm gần nhà nhận trông trẻ, chị mừng lắm và khá yên tâm khi bác tự nhận là người sạch sẽ, yêu thương trẻ. Nhưng chưa được một tuần, trên má của con có vết xước và bầm tím. Khi gia đình hỏi nguyên do, bác trông trẻ lại trả lời “không biết nguyên nhân”. Bên cạnh đó, bình sữa của cháu có dấu hiệu không được lau rửa sạch sẽ sau khi dùng nên vợ chồng chị quyết định không gửi cháu ở đây nữa.
“Sau sự việc này, tôi và chồng thống nhất tôi sẽ nghỉ việc 6 tháng để chăm sóc con và nhận việc làm thêm tại nhà. Mặc dù kinh tế khá khó khăn nhưng để đảm bảo an toàn cho con nên chúng tôi chấp nhận. Đợi cháu lớn hơn một chút, gia đình sẽ cho cháu học tại một trường mầm non được cơ quan chức năng cấp phép đầy đủ”, chị Nhung bày tỏ.
Cần kết hợp đồng bộ các giải pháp
Đánh giá dưới góc độ chuyên gia, trao đổi với phóng viên bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em nhận định: Hiện nay, trẻ em bị bạo hành đang xảy ra khá nhiều tại các trường mầm non, đặc biệt là các nhóm trẻ gia đình và mầm non tư thục tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và vùng dân cư nghèo. Theo bác sĩ An, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề này nằm ở sự khó khăn về kinh tế, các bậc cha mẹ phải lao đi kiếm sống, các gia đình thu nhập thấp không còn quyền được lựa chọn để đưa con vào trường công lập, trường chuẩn...
Tuy nhiên, hành vi bạo hành trẻ này không thể vin cớ là các trường mầm non tư thục do lương giáo viên thấp, dẫn đến việc cô giáo gia tăng stress, dễ bực bội cáu giận nên đánh đập hành hạ trẻ. Hơn nữa, khi đã chấp nhận vào học ngành Sư phạm mẫu giáo là các cô đều được rèn luyện có quyết tâm, có lòng yêu trẻ, đều được đào tạo rèn luyện, đạo đức, chuyên môn chăm sóc và dạy dỗ trẻ.
Để phòng ngừa bạo hành trẻ em nói chung, và những câu chuyện đau lòng như trường hợp em bé 17 tháng tuổi bị đánh đập tử vong không bị lặp lại, nhà trường và cộng đồng xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nêu cao lòng nhân ái và tình thương đối với con trẻ. Đặc biệt là tại các trường mầm non tư thục không phép, điểm trông giữ trẻ gia đình tự phát.
Muốn vậy, cần phải thực hiện nghiêm túc điều 47 và 48, Luật Trẻ em năm 2016, sớm kiện toàn mạng lưới cán bộ công tác xã hội và cộng tác viên bảo vệ trẻ ở cộng động. Vì đội ngũ này không những làm nhiệm vụ tuyên truyền giáo dục hỗ trợ kiến thức, kỹ năng cho các bậc cha mẹ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng chống bạo lực xâm hại trẻ em mà còn làm nhiệm vụ phát hiện sớm, kịp thời tư vấn, ngăn chặn phòng ngừa không để các vụ việc bạo hành xảy ra trong cộng đồng.
Đồng thời, cần rà soát lại trách nhiệm của cơ quan cấp phép cho các trường mầm non tư thục, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát chuyên môn, nghiệp vụ; cương quyết đóng cửa những cơ sở không phép. Qua đó, nâng cao đạo đức công vụ và làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hệ thống quản lý Nhà nước về trẻ em”, bác sĩ An nhấn mạnh.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/noi-lo-tu-cac-co-so-trong-tre-tu-nhan-153146.html