Nỗi lo từ Nagorno - Karabakh
Căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan đã bùng phát tại khu vực Nagorno - Karabakh đang tranh chấp, với việc cả hai bên cáo buộc nhau tấn công dân thường trong đó có ít nhất 16 người chết vào ngày 27-9.
Trong khi Armenia cho biết họ đang đáp trả các cuộc tấn công bằng tên lửa do nước láng giềng tiến hành, trong khi Azerbaijan đổ lỗi cho Armenia về các cuộc đụng độ. Hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây từ lâu đã có mâu thuẫn về lãnh thổ và đã xảy ra nhiều cuộc xung đột từ những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã. Ít nhất 200 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan vào tháng 4-2016.
Cộng đồng quốc tế giờ đây cũng đã có phản ứng. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres ngày 28-9 kêu gọi Azerbaijan và Armenia thực hiện kiềm chế tối đa sau các cuộc đụng độ biên giới vì “một cuộc xung đột toàn diện giữa hai quốc gia này sẽ là thảm họa”.
Trong khi đó, theo hãng tin Tass của Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin, nước đồng chủ tịch (cùng với Pháp và Mỹ) nhóm trung gian hòa giải Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (gọi tắt là nhóm OSEC Minsk), đã thảo luận về sự leo thang trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Pashinyan.
Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin bày tỏ lo ngại về các cuộc đụng độ và lưu ý rằng, điều quan trọng bây giờ là thực hiện tất cả các nỗ lực cần thiết để ngăn chặn leo thang quân sự.
Pháp đã kêu gọi Yerevan và Baku chấm dứt thù địch và ngay lập tức bắt đầu lại đối thoại. Nhóm OSCE Minsk đã nỗ lực làm trung gian giữa Armenia và Azerbaijan nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nagorno - Karabakh kéo dài nhiều thập niên.
Cuộc giao tranh tại khu vực Nagorno - Karabakh về bản chất là cuộc xung đột sắc tộc giữa Azerbaijan và Armenia. Nagorno - Karabakh vốn là một vùng đất vốn thuộc về Azerbaijan nhưng cư dân chủ yếu lại là người Armenia. Phe ly khai người Armenia đã chiếm được phần lớn Karabakh từ Azerbaijan trong cuộc chiến quy mô lớn những năm đầu 1990, cướp đi sinh mạng của 30.000 người.
Tuyên bố ly khai khỏi Azerbaijan là kết quả của sự bất bình kéo dài từ phía cộng đồng người Armenia ở khu vực Nagorno - Karabakh do sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo (người Armenia đa số theo Thiên Chúa giáo trong khi người Azerbaijan đa số theo Hồi giáo). Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó, xung đột vẫn thường xuyên xảy ra.
Điều đáng nói là các đường ống vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên của Azerbaijan ở biển Caspi ra khắp thế giới đi qua gần khu vực Nagorno - Karabakh. Dư luận lo ngại các đường ống này bị đe dọa ảnh hưởng đến nguồn cung dầu thế giới. Armenia cũng cảnh báo về rủi ro an ninh ở Nam Caucasus vào tháng 7 vừa qua, sau khi Azerbaijan đe dọa tấn công nhà máy điện hạt nhân của Armenia như một đòn trả đũa có thể xảy ra.
Về phía Liên minh châu Âu (EU), Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell tuyên bố: EU kêu gọi ngừng ngay lập tức các hành động thù địch, giảm leo thang và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Mỹ sẽ tìm cách chấm dứt xung đột giữa Armenia và Azerbaijan. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đã liên lạc với hai nước “để thúc giục cả hai bên ngừng các hành động thù địch ngay lập tức; sử dụng các kênh liên kết liên lạc trực tiếp hiện có để tránh leo thang xung đột và tránh những lời lẽ và hành động vô ích”.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/noi-lo-tu-nagorno-karabakh-688055.html