Nỗi lo từ thương mại điện tử
BP - Thương mại điện tử ở Việt Nam đã và đang có sự bứt phá mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng trung bình những năm qua từ 25-30%/năm. Riêng năm 2018, tổng doanh thu bán lẻ thương mại điện tử đạt trên 8 tỷ USD. Bên cạnh sự phát triển tích cực, thương mại điện tử cũng tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Hiện hầu hết vi phạm trên sàn thương mại điện tử do người bán hàng không thực hiện đúng trách nhiệm của chủ gian hàng. Tình trạng này đã và đang diễn ra công khai trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội... tác động xấu đến các mặt đời sống xã hội và làm mất niềm tin của người tiêu dùng.
Tính đến hết năm 2018, tổng sản phẩm vi phạm đã gỡ bỏ trên các sàn là gần 36 ngàn và hơn 3.100 tài khoản bị khóa. Riêng 8 tháng năm 2019, sau lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”, có trên 3.700 sản phẩm vi phạm từ gần 632 gian hàng và website phải gỡ bỏ. Tại cuộc họp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về phòng chống gian lận thương mại thông qua thương mại điện tử mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phải thốt lên, hàng hóa bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội, bán dưới giá thành 4,5 lần thì lấy đâu ra hàng thật.
Tính chất đặc thù của thương mại điện tử là người mua và người bán không gặp mặt mà chỉ liên lạc trên môi trường mạng. Các đối tượng buôn bán không có cửa hàng, chỉ thông qua website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua trung gian. Khi quảng cáo thì dùng hình ảnh hàng thật, chính hãng nhưng lúc giao hàng là hàng nhái, không có nguồn gốc chứng từ. Trong khi, các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát cũng như xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Tình trạng hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường internet nhưng ngành chức năng lại không có chế tài đủ mạnh để khắc chế. Trong khi, 100% giao dịch trên mạng không có hóa đơn chứng từ nên xử lý hàng giả, hàng lậu càng khó khăn vì khó tìm ra ai cung cấp hàng hóa, gây thất thu thuế rất lớn cho nền kinh tế. Đây là mối nguy lớn với ngành thương mại Việt Nam, nếu không sớm có giải pháp quản lý chặt và hiệu quả, thương mại điện tử sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho những kẻ lừa đảo trục lợi người tiêu dùng, đồng thời phá hoại nền sản xuất cũng như thị trường trong nước.
Để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp cụ thể trong phòng, chống việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại... Bên cạnh đó, các cấp và ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật. Cho tạm ngừng, ngưng hoạt động, thậm chí thu hồi giấy phép đối với các website, mạng xã hội... vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử; phối hợp áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản để ngăn chặn việc thanh toán, chuyển tiền đối với các trường hợp vi phạm…
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/noi-lo-tu-thuong-mai-dien-tu-335714