Nỗi lo về phụ cấp thâm niên
Điều 76 Luật Giáo dục 2019 quy định: Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ. Theo đó, phụ cấp thâm niên nhà giáo không còn khi giáo viên được xếp lương theo vị trí việc làm. Dự kiến, chế độ tiền lương mới xếp theo vị trí việc làm sẽ thực hiện từ 1/7/2024, đồng nghĩa với việc nhà giáo sẽ bị cắt thâm niên vào thời gian ấy.
Chuyển xếp lương theo Thông tư 01, 04 và 08
Thời gian vừa qua, ngành giáo dục đã và đang thực hiện việc bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và chuyển xếp lương theo Thông tư số 01, 04 và 08 sửa đổi, bổ sung một số điều. Có một số ít thầy cô giáo trẻ đang hưởng bậc lương 3,0; 3,33; 3,66 được chuyển xếp ngay lên bậc lương 4.0 nên mức tăng chênh lệch khá cao so với lương cũ (có giáo viên đã tăng gần 1.500.000 đồng/tháng). Tuy nhiên, chỉ số ít giáo viên được hưởng lợi như vậy còn phần đông, sau điều chỉnh hệ số lương theo Thông tư 01, 04 và 08 bổ sung sửa đổi lương của các thầy cô gần như không thay đổi là bao.
Đơn cử, một giáo viên ở hạng II cũ từ bậc 6 (hệ số 3,99) sang bậc 1 (hệ số 4,0), thì mức tăng chỉ 0,01, đồng nghĩa mỗi tháng, nhà giáo được tăng lương thêm 15.000 đồng. Hoặc khi chuyển từ bậc 8 (hệ số 4.65) sang bậc 3 (hệ số 4.68), thì hệ số lương chỉ tăng 0.03, tương đương 44.000 đồng; khi chuyển từ bậc 9 (hệ số 4,98) sang bậc 4 (hệ số 5,02), thì hệ số lương chỉ tăng 0,04, tương đương 59.000 đồng. Mức tăng như thế, gần như là không tăng.
Lương nhà giáo có “tụt dốc?”
Lương tăng gần như không đáng kể nhưng nếu mất thâm niên thì sẽ mất một khoản tiền không hề nhỏ đối với những thầy cô giáo có thâm niên 30 năm trong nghề. Một nhà giáo đang có phụ cấp thâm niên 30%, mỗi tháng sẽ nhận được số tiền khoảng 2.000.000 đồng. Nhà giáo có 33% phụ cấp thâm niên thì 1 tháng sẽ nhận được khoảng 2.500.000 đồng. Khi không còn phụ cấp thâm niên, đồng nghĩa mỗi tháng những nhà giáo này sẽ mất đi số tiền bằng ấy.
Một gia đình có 2 vợ chồng giáo viên có trên 30 năm công tác thì số tiền mất đi hàng tháng sẽ gần 5 triệu đồng. Đây là, khoản tiền không hề nhỏ đối với nhiều nhà giáo hiện nay. Không ít thầy cô giáo lo lắng, trăn trở. Cuộc sống của nhiều nhà giáo vốn đã khó khăn, nếu lương theo vị trí việc làm không cao hơn mức lương hiện hưởng (đang có thâm niên) mà thâm niên lại bị cắt thì khó khăn lại càng bủa vây.
Hy vọng lương sẽ không giảm khi không còn thâm niên
Hiện tại, lương của nhiều nhà giáo đang ở mức rất thấp. Một giáo viên mới ra trường, tổng thu nhập mỗi tháng chỉ hơn 4 triệu đồng. Nếu trừ các khoản tiền phải đóng như bảo hiểm, công đoàn, đảng phí, một số khoản ủng hộ (chưa nói tiền xăng xe, tiền thuê nhà ở khi dạy ở xa) thì mỗi tháng, số tiền thực nhận chỉ khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.
Theo tinh thần của Nghị quyết 27, lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Thực hiện chế độ tiền lương mới, xếp lương theo vị trí việc làm để nâng cao thu nhập cho người lao động là việc nên làm, cũng là động lực để thu hút người tài và giữ chân người trẻ. Tuy nhiên, hậu đãi lớp trẻ cũng mong rằng lớp già sẽ không bị bạc đãi. Nhiều thầy cô giáo chia sẻ, lương có thể không tăng nhưng sau khi cắt thâm niên, thực hiện lương mới thì tổng thu nhập nhà giáo nhận được cũng không thay đổi.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/noi-lo-ve-phu-cap-tham-nien-116305.html