Nỗi lo xăng tăng giá

Từ 15h ngày 21/2, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng, dao động từ 961 - 965 đồng/lít so với kỳ tăng trước. Cụ thể: Xăng RON 95 tăng 965 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 961 đồng/lít, vượt đỉnh lịch sử vào năm 2014. Giá xăng xác lập kỷ lục mới trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có những tác động tiêu cực nặng nề, khiến nỗi lo của người dân và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải thêm chồng chất.

Giá xăng liên tục tăng "phi mã"

Giá xăng liên tục tăng "phi mã"

Nhà xe tăng giá

Giá xăng dầu tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến hoạt động của ngành vận tải hành khách. Nhiều lái xe cho biết, đang "tiến thoái lưỡng nan", chạy cũng lỗ mà không chạy càng nguy hiểm hơn. Bởi tiền mua xe đều vay ngân hàng, không chạy xe sẽ không có tiền trả nợ gốc và lãi. Việc điều chỉnh, tăng giá vé là việc làm bắt buộc để các xe dịch vụ duy trì hoạt động trong thời điểm giá xăng không ngừng tăng "phi mã" như hiện nay.

Anh Nguyễn Hồng Tư, thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch - một lái xe chạy dịch vụ cho biết: "Từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại nên rất ít khách. Bình thường, tôi đã phải tính toán rất chi li để có mức giá cước cạnh tranh nhất. Thế nên, mỗi khi thấy thông tin xăng dầu tăng giá là tôi lại đau đầu, bởi nếu tăng giá cước thì không có khách, còn nếu giữ giá thì không có công. Giá xăng dầu hiện nay thực sự đang làm khó những tài xế như tôi".

Cũng theo anh Tư, với mức giá xăng hiện nay, các nhà xe dịch vụ càng thêm lao đao khi chưa kịp khôi phục lại 100% công suất hoạt động do dịch Covid-19. Vì xăng dầu chiếm 30 - 40% đơn giá vận chuyển, nên việc nhiên liệu đầu vào tăng giá chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận tải.

“Giá cước taxi nếu vẫn giữ nguyên ở mức 10.000 đồng/km trong khi giá xăng lại tăng liên tục, chưa kể chi phí điện thoại, chiết khấu, quãng đường đón trả khách khiến tài xế như chúng tôi rất vất vả. Nếu không điều chỉnh giá vé, tôi khẳng định không xe nào dám hoạt động bởi sẽ lỗ nặng”- anh Tư tâm sự.

Khiến người dân lo lắng thắt chặt chi tiêu

Khiến người dân lo lắng thắt chặt chi tiêu

Là một shipper có thâm niên, nhưng mỗi lần nghe thông báo xăng tăng giá, anh Nguyễn Trung Dũng, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên lại thêm một lần lo lắng, bởi với các đơn giao hàng, trung bình chiếc xe Honda Wave của anh đổ xăng 2 lần/tuần. Trước đây đổ 50.000 đồng đã đầy bình, nay phải tăng lên gần 100.000 đồng/lần. Xăng tăng đồng nghĩa với khó khăn tăng, vì mỗi tháng chi phí xăng xe sẽ tăng hơn 200.000 đồng.

Giá xăng dầu tăng lại trùng với thời điểm nhiều doanh nghiệp vận tải đang tái khởi động các hoạt động sau một thời gian dài ngưng trệ, tạm dừng vì dịch bệnh, tạo ra sức ép lớn đối với nhiều đơn vị. Bởi, các doanh nghiệp không thể lập tức điều chỉnh tăng giá vé, thậm chí trong thời điểm này còn phải tìm các phương án giảm chi phí phát sinh, giữ nguyên giá cước để không mất khách hàng.

Anh Nguyễn Văn Quý, nhà xe Hoàng Yến chạy tuyến Lập Thạch-Mỹ Đình-Hà Nội cho biết: "Vận tải bằng xe khách bị ảnh hưởng rất lớn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có thời điểm phải ngừng hẳn để phòng, chống dịch.

Từ khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động vận tải bắt đầu "hồi sinh” thì lại gặp xăng tăng giá. Nếu trước đây mỗi ngày chỉ chạy hết 350 nghìn tiền xăng, dầu, thì hiện nay đã mất 500 nghìn, mùa hè sẽ tăng hơn nữa vì phải bật điều hòa. Thu nhập không đạt vì từ đợt dịch đến nay không có khách khiến nhiều nhà xe phải bỏ nghề. Dù xăng tăng giá không ngừng, nhưng giá vé vẫn không tăng bởi phụ thuộc vào HTX.

“Nếu tăng cũng chỉ được 10-20% không đáng kể so với những trội phí do việc xăng tăng giá mang lại” - anh Quý ngao ngán chia sẻ.

Người dân lo lắng

Xăng dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất, việc giá cả mặt hàng này tăng cao sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến chi phí sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Khi giá nhiên liệu đầu vào tăng sẽ gây áp lực lớn, buộc các nhà sản xuất, kinh doanh phải tăng giá sản phẩm hàng hóa, nhưng điểm đến cuối cùng của hàng hóa là người tiêu dùng. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu những chi phí gia tăng do giá xăng dầu tăng cao.

Đó cũng là lý do khiến mỗi lần xăng, dầu tăng giá là có thêm sự lo lắng của người dân, doanh nghiệp. Bởi, không đơn thuần chỉ là việc phải trả thêm mấy nghìn đồng cho một lít xăng, dầu, mà đằng sau đó là cả nỗi lo về giá cả, lạm phát…

Trao đổi với phóng viên, nhiều tiểu thương ở các chợ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên cho biết, xăng dầu đang ở mức giá cao khiến chi phí vận chuyển tăng lên đáng kể.

Chị Nguyễn Thu Hương, chủ quầy bán rau củ tại chợ Đồng Tâm chia sẻ: "Hai ngày nay, giá cước vận chuyển hàng hóa từ các nơi về đã tăng từ 10.000 - 20.000 đồng/thùng hàng loại 20 kg. Giá tăng khiến chúng tôi cũng không dám nhập hàng về một lần, hết đến đâu nhập về đến đó chứ không dám dự trữ nhiều.

Bên cạnh đó, hàng bán ra cũng phải tăng giá theo để đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên, tôi chỉ dám tăng nhẹ từ 1 - 2 giá so với bình thường, bởi nếu tăng cao quá, người dân không mua hàng hóa sẽ ế ẩm".

Theo ghi nhận của phóng viên, tại các chợ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, đối với hàng hóa sản xuất tại địa phương như rau các loại, thịt lợn, bò thì đến thời điểm này cơ bản vẫn ổn định, nhưng hàng hóa nhập từ ngoài tỉnh về đã tăng nhẹ do giá xăng tăng mạnh, giá cước vận chuyển tăng theo.

Nhiều tiểu thương cho biết, xăng dầu ở mức giá cao khiến việc kinh doanh gặp khó khăn. Giá nhập vào tăng đối với hàng thực phẩm công nghệ, cộng với sức ép từ giá cước vận tải khiến hàng tiêu dùng bán ra khó tránh khỏi việc tăng giá. Đa số tiểu thương đều nỗ lực giữ giá nhưng lượng hàng bán ra không nhiều.

Lo ngại về việc xăng tăng giá sẽ kéo thêm những mặt hàng khác đội giá trong nay mai, chị Nguyễn Thu Hương, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên băn khoăn: "Theo thông lệ, khi xăng tăng giá thì tất cả mọi thứ đều tăng theo, nhưng không tăng theo tỷ lệ với xăng dầu. Điều này khiến người dân khó kiểm soát giá cả các mặt hàng. Đây là hệ lụy bất tương xứng mà người dân thường xuyên phải lo lắng mỗi lần xăng tăng giá.

Để đổi phó với những khó khăn này, gia đình tôi thường hạn chế chi tiêu, mua sắm ít hơn hoặc có xu hướng cắt giảm các khoản chi tiêu để tiết kiệm, tuy nhiên đó cũng chỉ là những giải pháp mang tính tạm thời".

Lo lắng và thực hiện nhiều giải pháp hạn chế tác động của việc xăng tăng giá, đó không chỉ là chuyện của riêng gia đình chị Hương mà là nỗi trăn trở chung của rất nhiều người bởi hiện tại, dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến việc làm, thu nhập của không ít người dân.

Mỗi khoản chi phát sinh thêm một ít, nhưng gộp lại sẽ thành một khoản không nhỏ, tạo nên gánh nặng trong chi tiêu và cuộc sống của mỗi gia đình. Tại thời điểm này, nền kinh tế nói chung đang gặp khó, hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi động lại chưa nhiều, việc xăng tăng giá khiến nỗi lo của người dân và doanh nghiệp càng thêm chồng chất.

Bởi vậy, không khó hiểu khi người dân, doanh nghiệp đều chung mong muốn Chính phủ, chính quyền sớm có các quyết sách, giải pháp ứng phó linh hoạt nhằm "giữ cương” giá xăng dầu cũng như vấn đề lạm phát trong thời gian tới. Sớm triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/74012/noi-lo-xang-tang-gia.html