Nỗi lòng của 'vua voi' Đàng Năng Long

Ông Đàng Năng Long sinh năm 1962, người dân tộc Mnông, sống ở thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk (Đắk Lắk), được bà con nơi đây xem như 'vua voi'.

Không chỉ nổi danh với số lượng voi đang sở hữu nhiều nhất vùng mà những ai gặp ông còn nhớ mãi bởi những trăn trở, day dứt của ông về bảo tồn và phát triển voi Tây Nguyên. Trong nhà ông Long, thời điểm đông nhất có đến gần 20 con voi. Nhưng hiện tại, số lượng voi chỉ còn 6 con, có tên H’Luân, H’Túk, H’Bok Khăm, Khăm Sen, Y Măm, Thông Răng. Trong đó, H’Bok Khăm, Khăm Sen, H’Túk cùng sinh năm 1984 nên còn khả năng sinh sản tốt.

Ông Đàng Năng Long bên chú voi Khăm Sen.

Ông Đàng Năng Long bên chú voi Khăm Sen.

Số voi còn lại đã già trên 50 tuổi nên khả năng sinh sản không còn. Nói chuyện về voi, ông Long kể rành rọt, lưu loát như một bác sĩ chuyên khoa về chăm sóc, bảo tồn voi. Ông Đàng Năng Long cho biết: “Những con đực thì luôn thể hiện khả năng giao phối mạnh mẽ ở mọi lứa tuổi, còn voi cái khả năng sinh sản tốt nhất là trước 50 tuổi. Tuy nhiên, điều kiện là trước 50 tuổi voi cái phải được giao phối và đẻ con, chứ để đến 50 tuổi mới cho giao phối thì rất khó mang thai và đẻ con, do những tập tính sinh lý bị đứt quãng quá lâu nên khả năng rụng trứng, thụ tinh kém. Thực trạng ở Tây Nguyên chuyện voi giao phối, có bầu là cực khó, cực hiếm, nhưng đến lúc có bầu, chửa đẻ cũng không giữ được. Trước đây, đã có 3 con voi đẻ ra 3 con to đẹp, nhưng đều bị chết”.

Ông Đàng Năng Long cũng đi nhiều nơi để xem cách chăm sóc và bảo tồn voi. Ông cho biết, voi ở đất nước Thái Lan được xem như quốc bảo. Ấn Độ tuy không có nhiều voi nhưng người dân tôn thờ như vị thần. Đồng bào Tây Nguyên tự hào về voi, xem voi như biểu tượng sức mạnh, là linh vật của Tây Nguyên. Người nuôi voi xem chúng như người thân trong gia đình. Ai cũng mong voi đẻ. Đó là thực tế, là một thế mạnh để làm công tác bảo tồn và phát triển voi. Nhà nước chưa tạo được một sinh cảnh chung để voi giao phối, sinh sản. Như tại huyện Lắk còn 14 con voi nhưng chưa có khu rừng nào để tập trung voi nên 6 con voi nhà ông Long mỗi con xích một nơi, các nhà khác xích một nơi. Mà voi nhà ông A muốn giao phối với nhà ông B thì phải có rừng. Rừng đó phải tách ra khỏi lợi ích của người dân, chứ đụng vào lợi ích của người dân là khó. Việc voi phá cà phê, phá hoa màu của họ thì cái được chưa có mà cái mất đã hiện hữu. Người dân còn nghèo nên người ta phải suy bì giữa được và mất...

Ông Đàng Năng Long trăn trở: “Nghề dệt thổ cẩm hay đẽo tượng đều có người đứng ra tổ chức, thuê nghệ nhân về giảng dạy để phục vụ phục dựng văn hóa. Với voi cũng phải sớm có chương trình đào tạo để người nuôi biết chăm sóc cho khoa học. Phát triển du lịch voi thân thiện là xu hướng, là chủ trương đúng đắn. Voi được giải phóng, được vui chơi trong khu vườn sinh cảnh, được tự do kết đôi. Nếu có trường lớp đào tạo cơ bản thì việc bảo tồn và phát triển đàn voi cũng như du lịch voi sẽ phong phú và tốt hơn. Tại sao voi Tây Nguyên không đẻ được? Đó là do hướng đi, cách làm, có lẽ cần phải nghiên cứu, xem xét lại. Muốn thay đổi đầu tiên phải có rừng, sinh cảnh là cái cần nhất”.

Bài và ảnh: TRƯƠNG NHẤT VƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/noi-long-cua-vua-voi-dang-nang-long-726889