Nỗi lòng người dân ở Đồng Cây Dâu

Cuộc sống khó khăn của người dân ở xóm Đồng Cây Dâu, thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm (Ba Tơ) cứ nối dài ngày này qua tháng nọ. Mong mỏi có đường, có điện, thống nhất trong quản lý hộ tịch, hộ khẩu và đất đai... để ổn định cuộc sống là nguyện vọng thiết thực của gần 100 người dân mà vẫn chưa thành hiện thực.

Đường về xóm Đồng Cây Dâu, thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm (Ba Tơ).

Đường về xóm Đồng Cây Dâu, thôn Nước Giáp, xã Ba Khâm (Ba Tơ).

Thắm thiết tình người

Xóm Đồng Cây Dâu cách Quốc lộ 24 chỉ chừng 2km đường chim bay. Vậy mà phải mất khoảng 1 giờ đi xe máy từ Quốc lộ 24 rẽ vào xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ), qua cầu Ba Liên, rồi đi theo hướng núi mới đến xóm Đồng Cây Dâu. Nơi đây có 23 hộ dân là người Hrê, với gần 100 nhân khẩu, chia thành 2 cụm dân cư sinh sống quần tụ từ bao đời nay. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ba Khâm Phạm Văn Thia cho biết, ngày trước tôi đến đây trồng keo, trồng mía cho người dân trong làng để đổi lấy lúa, gạo mang về quê ở xã Ba Chùa (nay sáp nhập vào thị trấn Ba Tơ) phụ giúp gia đình. Và rồi, tôi lập gia đình, sinh sống ở xóm Đồng Cây Dâu. “Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân ở đây luôn yêu thương, xem nhau như ruột thịt. Chính vì thế, mình không thể rời bỏ mảnh đất này mà đi đâu được”, anh Thia tâm sự. Vợ chồng anh Thia đã cưu mang, nuôi dạy một bé gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là em Phạm Thị Loan. Khi Loan lớn lên, anh Thia gả chồng, dựng nhà riêng cho vợ chồng Loan ở gần nhà mình để sớm tối có nhau. Vợ chồng Loan hiện đã có 2 đứa con.

Khu vực sinh hoạt cộng đồng của người dân xóm Đồng Cây Dâu.

Khu vực sinh hoạt cộng đồng của người dân xóm Đồng Cây Dâu.

Ở xóm Đồng Cây Dâu bao đời nay vẫn chưa có điện. Vì thế, người dân ở đây, từ già đến trẻ đều chung một mong ước là có điện. Thế mà, khi có một đơn vị tặng tấm pin năng lượng mặt trời thì 5 hộ đã từ chối. Họ bảo sẽ bán keo lấy tiền tự mua sắm được, phần quà này nên dành tặng các hộ neo đơn, già yếu, không có thu nhập. Thế là cả làng đã cùng có điện mặt trời, đủ sáng vào ban đêm, xóa đi cảnh tịch liêu của thung lũng giữa núi rừng. Ở xóm Đồng Cây Dâu, học sinh đều đã được đưa về trung tâm xã để học bán trú. Cứ đầu tuần, các em được cha mẹ hoặc người cùng làng đưa đến trường, cuối tuần đón về. Khi có người đau ốm phải nằm viện, người dân trong xóm giúp khai thác keo, chăn bò, phát rẫy... Họ cứ như thế đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ cùng nhau vươn lên trong cuộc sống!. “Tôi bị đau nặng, gặp lúc trời mưa lớn. Bà con hàng xóm khiêng tôi đi bệnh viện, rồi vài người ở lại bệnh viện chăm tôi hơn 10 ngày. Khi tôi khỏe lại, được bà con đưa về nhà, lại được cho thêm gạo, đường, sữa nữa”, bà Phạm Thị Khế, ở xóm Đồng Cây Dâu, xúc động nói.

Mong có đường, có điện

Người dân ở xóm Đồng Cây Dâu kể, trước đây vùng này gọi là xóm Bà Báy. Gọi như thế để tỏ lòng biết ơn bà Phạm Thị Báy, người đến đây sinh sống, lập làng từ những năm 1970. Sau đó, nhiều người cùng theo bà Báy về đây sinh sống. Thế là thành xóm Bà Báy. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xóm Bà Báy là vùng căn cứ, nhiều bộ đội đã được dân làng che chở, giúp đỡ. Ngày hòa bình, xóm Bà Báy được đổi tên thành Đồng Cây Dâu, thuộc thôn Nước Giáp, xã Ba Trang (Ba Tơ). Đến năm 1991, xã Ba Trang tách thành 2 xã Ba Trang và Ba Khâm, xóm Đồng Cây Dâu thuộc về xã Ba Khâm. Nhiều hộ gia đình ở đây đã được cấp giấy tờ nhà đất, thuộc địa bàn xã Ba Khâm.

"Vào tháng 10/2022, huyện đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Ba Khâm giải quyết kiến nghị của người dân Đồng Cây Dâu, trong đó có việc cấp giấy tờ đất, với khoảng 74 nghìn mét vuông. Đây là nơi người dân sinh sống, sản xuất, sử dụng đất ổn định, liên tục, không có tranh chấp từ bao đời nay nên việc bà con kiến nghị cấp giấy tờ đất là chính đáng. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích này đều thuộc địa giới hành chính của xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ). Huyện đã chỉ đạo UBND xã Ba Khâm chủ động phối hợp làm việc với UBND xã Phổ Nhơn để giải quyết. Riêng việc đầu tư kéo điện về Đồng Cây Dâu, huyện đã giao cho phòng chuyên môn tham mưu, đề xuất, nếu đủ điều kiện sẽ triển khai ngay để người dân nơi đây sớm có điện quốc gia, ổn định cuộc sống".
Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ
PHẠM XUÂN VINH

Tuy nhiên, vào những năm 2000, khi đo đạc lại bản đồ địa chính, toàn bộ đất đai ở xóm Đồng Cây Dâu lại được xác lập thuộc về xã Phổ Nhơn. Kể từ đó, cuộc sống người dân ở đây gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, hộ tịch, hộ khẩu của người dân xóm Đồng Cây Dâu do phía huyện Ba Tơ quản lý. Còn đất đai, nhà ở lại thuộc TX.Đức Phổ quản lý. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người dân ở đây rơi vào thế khó, phải sống trong cảnh không đường giao thông, không điện quốc gia mấy chục năm qua. “Không phải vùng đất này bị bỏ quên, mà do bất nhất trong phân chia quản lý hộ tịch, hộ khẩu, đất đai. Huyện Ba Tơ nhiều lần về khảo sát làm hệ thống điện, đường giao thông nhưng sau đó nói là không làm được vì đất đai không do địa phương quản lý. Còn TX.Đức Phổ về khảo sát thì bảo đất là do thị xã quản lý, nhưng dân cư do huyện Ba Tơ quản lý nên không có cơ sở để lập dự án đầu tư. Chính vì vậy mà người dân Đồng Cây Dâu phải chịu thiệt, chịu khổ”, anh Phạm Văn Thia thở dài.

Người dân xóm Đồng Cây Dâu sử dụng pin năng lượng phát điện thắp sáng.

Người dân xóm Đồng Cây Dâu sử dụng pin năng lượng phát điện thắp sáng.

Đường về xóm Đồng Cây Dâu hiện nay là đường đất, do người dân tự mở để vận chuyển keo, chỉ đi xe máy được trong mùa nắng. Còn mùa mưa thì phải đi bằng lối mòn vắt từ quả đồi này sang đồi khác để ra đường lớn đi chợ, đến trường... Lối mòn ấy người dân đi lại mấy chục năm mà đến nay vẫn chưa thành đường. Cũng vì không có đường, không có điện mà gia đình anh Phạm Cà Rốt phải bỏ lại căn nhà to đẹp để đi nơi khác sinh sống, thuận lợi cho việc làm ăn. Anh Thia bảo, tất cả các chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho người đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở đây đều được hưởng đầy đủ. Ở đây chỉ thiếu con đường sạch đẹp, thiếu lưới điện quốc gia, người dân mong đợi từng ngày.

Lãnh đạo xã Ba Khâm cho biết, mỗi lần tiếp xúc cử tri người dân ở xóm Đồng Cây Dâu đều kiến nghị đầu tư xây dựng đường, điện thắp sáng nhưng đến nay chưa được giải quyết. Có lần huyện Ba Tơ và TX.Đức Phổ họp bàn chuyển 23 hộ dân Đồng Cây Dâu về xã Phổ Nhơn sinh sống để thống nhất quản lý. Tuy nhiên, người dân ở đây cho rằng họ là người dân tộc thiểu số, sống dựa vào rẫy, giờ chuyển về xã Phổ Nhơn sinh sống sẽ rất khó. Người dân mong được điều chỉnh bản đồ địa chính để hộ khẩu, hộ tịch, đất đai của họ đều do huyện Ba Tơ quản lý. Thế nhưng, mong mỏi chính đáng này của các hộ dân bao năm qua vẫn chưa thành hiện thực.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202407/noi-long-nguoi-dan-o-dong-cay-dau-4030e88/