Nỗi lòng sân khấu truyền thống

Từ nhiều năm nay, bằng những cách làm khác nhau, các đoàn nghệ thuật truyền thống (NTTT) của tỉnh đã cố gắng đưa vở diễn, trích đoạn tuồng, dân ca kịch bài chòi đến với khán giả. Thế nhưng, câu chuyện sân khấu truyền thống vẫn trong tình trạng vắng khách đang để lại những nỗi niềm trăn trở đối với người trong nghề.

Vở tuồng Trịnh Phong do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn.

Vở tuồng Trịnh Phong do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn.

1. Thuở nhỏ, tôi rất thích xem các vở diễn tuồng, chèo, cải lương... Dù đã qua nhiều năm, nhưng tôi vẫn ấn tượng về các lớp tuồng như: Tạ Ôn Đình chém tá, Đổng Kim Lân qua đèo, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Triệu Đình Long cứu chúa, Phương Cơ giả dại qua ải… Cùng với đó là tên tuổi của những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng với Nguyễn Phẩm (Chánh Phẩm), Nguyễn Nho Túy, Ngô Thị Liễu, Lê Quang Hảo (Bốn Hảo), Võ Sĩ Thừa, Nguyễn Dương (Chánh ca Chạng), Nguyễn Lai…

Sân khấu kịch hát bài chòi tuy “sinh sau đẻ muộn” hơn những loại hình sân khấu truyền thống khác, nhưng lại gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng những lời ca mùi mẫn. Chỉ với 4 làn điệu (xuân nữ, xàng xê, cổ bản, hồ quảng), nhưng đào - kép của sân khấu bài chòi chinh phục khán giả, nhất là khán giả khu vực Nam Trung Bộ qua những vở diễn: Thoại Khanh - Châu Tuấn, Mối tình qua Tết Li-boong, Tiếng sấm Tây Nguyên, Thái hậu Dương Vân Nga, Tấm vóc đại hồng, Đô đốc Bùi Thị Xuân... Những nghệ sĩ bài chòi xuất sắc được nhớ đến tận hôm nay như: Lệ Thi, Hoàng Thủ, Thanh Cảnh, Đinh Thái Sơn, Bích Liên, Nguyễn Kiểm...

Nhắc lại để thấy từng có những thế hệ khán giả đã yêu mến sân khấu truyền thống như thế nào. Trong những năm tháng đất nước còn khó khăn, thiếu thốn thì ánh đèn sân khấu truyền thống vẫn chiếu sáng tâm hồn của biết bao người.

2. Gần 15 năm nay, để các loại hình sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi đến gần hơn với khán giả, Nhà hát NTTT tỉnh đã thực hiện hoạt động biểu diễn dưới hình thức nghệ thuật đường phố. Vị trí biểu diễn ban đầu ở bên hông Trung tâm Hội nghị tỉnh phía đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Nha Trang), rồi chuyển qua khoảng sân phía trước trung tâm ở đường Trần Phú. Đến đầu năm 2023, chuyển qua diễn ở sân khấu cạnh Tháp Trầm Hương. Nhìn chung, ở những vị trí biểu diễn đó, lượng khán giả tuy có lúc nhiều, lúc ít, nhưng vẫn thu hút được một số lượng người dân, du khách đi qua, ghé lại xem các nghệ sĩ biểu diễn. Để phù hợp với điều kiện biểu diễn đường phố, các đoàn nghệ thuật của nhà hát cũng cố gắng xây dựng kịch mục có thời lượng vừa phải, nội dung phong phú, vừa đảm bảo việc giới thiệu cơ bản những nét đặc trưng của từng loại hình sân khấu, vừa hấp dẫn được khán giả.

Từ giữa tháng 4 đến nay, thêm một lần các nghệ sĩ của Nhà hát NTTT tỉnh lại phải chuyển địa điểm biểu diễn từ Tháp Trầm Hương đến khu vực công viên đối diện đường Tuệ Tĩnh. Dù không có sự thống kê, nhưng bằng cảm quan cũng có thể nhận thấy lượng khán giả xem các buổi diễn ở địa điểm này chỉ bằng khoảng 70% so với vị trí ở khu vực Tháp Trầm Hương. Vậy là số lượng khán giả xem sân khấu truyền thống vốn đã không được nhiều, nay lại càng ít hơn. Ông Nguyễn Ngọc Quang Trung - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết, ở địa điểm biểu diễn mới không có sân khấu nên cảnh trí được dựng trên nền công viên, có những trích đoạn, vở diễn do ít cảnh trí nên phải sử dụng thùng xe tải để che chỗ trống. Mỗi buổi diễn, đơn vị cũng sắp xếp ghế nhựa để người dân, du khách vào ngồi xem. Mặc dù có những điều ảnh hưởng đến việc biểu diễn nhưng các nghệ sĩ đều cố gắng khắc phục khó khăn để phục vụ khán giả tốt nhất.

3. Sân khấu truyền thống vắng khách là câu chuyện có từ lâu và trở thành bài toán khó trong nhiều năm nay. Khán giả ngày nay, nhất là khán giả trẻ không mặn mà với sân khấu truyền thống bởi loại hình nghệ thuật này không phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ. Trước muôn vàn sự lựa chọn cho việc giải trí, nâng cao đời sống tinh thần ngày nay, sân khấu truyền thống phải chịu sự lép vế. Nhưng sân khấu truyền thống vẫn mang trong mình những giá trị chân - thiện - mỹ, là bản sắc văn hóa dân tộc nên chúng ta vẫn phải giữ gìn và tìm hướng phát huy. Điều quan trọng hiện nay, chúng ta cần phải tiếp tục bồi dưỡng, phát triển đội ngũ tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên của sân khấu truyền thống. Bởi lẽ, muốn có vở diễn hay, trước hết cần có kịch bản hay, đạo diễn giỏi, diễn viên tài năng. Nếu một trong các thành tố đó bị hạn chế thì không thể nào làm nên một vở diễn hay. Để làm được điều này cần có sự kiên trì, bền bỉ mới mong có ngày thu hoạch trái ngọt.

Lâu nay, chúng ta chỉ mới quan tâm đến việc đào tạo diễn viên, còn tác giả kịch bản, đạo diễn chủ yếu vẫn phát triển mang tính tự thân của cá nhân, nên sân khấu tuồng, dân ca kịch bài chòi chủ yếu là tác giả chuyển thể, chứ tác giả viết kịch bản cho hai loại hình này ngày càng ít. Về đạo diễn, cũng ngày càng ít những người tài năng. Cả khu vực Nam Trung Bộ quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy gương mặt quen thuộc thực sự làm đúng vai trò đạo diễn. Ngoài yếu tố nhân sự, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ hoạt động biểu diễn cũng đóng vai trò quan trọng. Muốn làm công nghiệp văn hóa biểu diễn, muốn NTTT thu hút được khán giả, trong đó có khách du lịch thì không thể mãi cứ đi diễn ở những địa điểm tạm thời.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202406/noi-long-san-khau-truyen-thong-7c37276/