Nỗi lòng Xa Mang
Gần 6 giờ chiều mùa đông, cả bản đã chìm vào bóng tối, chỉ le lói vài ánh đèn dầu yếu ớt lọt qua khung cửa sổ trên những ngôi nhà sàn co ro bên bờ suối. Bao đời nay người dân bản Xa Mang cháy bỏng một ước mơ đến ngày được xem ti vi, được ngồi trước cây quạt điện, con trẻ học bài không phải cắm cúi trong ánh đèn dầu tù mù…
Điện chưa về nên nghèo chưa đi
Từ một lời rủ của bạn đồng nghiệp mà tôi háo hức cho chuyến trở lại bản Xa Mang, xã Sơn Điện (Quan Sơn) đến cả tuần trời với những mường tượng, hoan hỉ gặp lại cảnh cũ, người xưa. Hơn 10 năm trước, tôi nối ti-ô vào ống thông hơi xe máy, buộc vắt về phía sau lần đường vượt suối cùng Đội Chiếu bóng số 6, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thanh Hóa mang “ánh sáng văn hóa” vào bản.
Ngày ấy, con đường đất dẫn từ Quốc lộ 217 vào Xa Mang nhỏ hẹp, lúc vắt vẻo trên lưng đồi, khi tụt xuống vực sâu hun hút, rồi băng qua tràn qua suối. Vỏn vẹn 6 cây số, nhưng con đường có tới 18 đoạn bị suối cắt ngang, vào mùa mưa có hôm nước dữ, người xe không tài nào qua nổi. Đêm ấy, Xa Mang vui như mở hội, già trẻ, gái trai lũ lượt, bồng bế nhau đến sân rộng gần nhà trưởng bản xem những thước phim trên màn ảnh rộng. Với họ, đó là cả một ước mơ xa xỉ.
Tôi trở lại Xa Mang một ngày cuối năm trong cái hanh hao phủ khắp đại ngàn Quan Sơn hùng vĩ. Con đường vào bản đã thênh thang, với những khối bê tông kiên cố vượt qua dòng suối sâu.
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Xa Mang Phạm Bá Tiệp khoe chiếc ti vi được tổ chức từ thiện tặng nhưng không thể sử dụng do không có điện lưới.
Nhà Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Xa Mang Phạm Bá Tiệp ở lưng chừng con dốc, còn thơm mùi gỗ mới. Trong căn nhà ấy đã có một chiếc ti vi đen trắng được phủ một tấm vải von mỏng, đặt ở vị trí trang trọng. Tôi chưa kịp vui khi nghĩ bà con chắc không còn thèm khát những thước phim màn ảnh rộng nữa, thì Phạm Văn Tiệp đã vỗ bồm bộp vào cái ti vi ấy: “Ti vi cảnh ấy thôi, chứ mấy khi được xem. Khi có điện tua bin hoặc bình ắc quy thì không có sóng, khi bắt được sóng thì hết điện”.
Nói rồi, Bí thư Tiệp đi về phía buồng tối lôi ra một cái ti vi màn hình phẳng cỡ lớn còn nguyên hộp nhưng đã bị mạng nhện quấn quanh, nói: “Ti vi do một tổ chức từ thiện tặng cho bà con xem chung từ 2 năm trước. Không có điện lưới nên vẫn cứ xếp xó vậy thôi. Tiếc lắm nhưng không làm gì được”.
Theo Bí thư Tiệp, trước đây bà con dùng dầu thắp sáng, sau chuyển sang bình ắc quy, gần đây một số hộ có điều kiện đã lắp tua pin điện nước, nhưng rồi cũng phải dùng đèn dầu.
“Dùng điện tua pin mùa khô thì cái bóng điện lập lòe đủ thời gian cho ăn bữa cơm, dăm bữa nửa tháng thì cháy bóng. Mùa mưa, suối nhiều nước, tua pin quay mạnh, cái quạt điện chạy được số thấp nhất. Nhiều hôm nước chảy xiết, đàn ông trong bản lại phải ra đắp lại bờ dẫn nước vào tua bin. Có hôm bì bõm cả đêm ở ngoài suối vì điện sáng”, Bí thư Tiệp thở dài, nói.
Không có điện lưới, đời sống sản xuất của người dân bản Xa Mang cũng gặp nhiều khó khăn. Anh Vi Văn Luyến, người dân trong bản, cho biết: “Điện chưa về nên nghèo chưa đi. Cũng làm cây nứa, cây vầu, nhưng nhà có cưa điện mỗi ngày được 500 đến 600 nghìn đồng, còn dân bản cưa tay chỉ được 200 đến 300 nghìn đồng”.
Trẻ em ở bản Xa Mang phải học tập trong điều kiện thiếu ánh sáng.
Ở bản Xa Mang có 3 hộ bán hàng tạp hóa. Ngoài lương thực, thực phẩm thì xăng, dầu là mặt hàng được bà con tiêu thụ nhiều nhất. Xăng để chạy xe máy, dầu để thắp đèn, chạy máy xát gạo, máy nghiền bột cho gia súc, gia cầm…
Tôi đến thăm điểm lẻ Trường Mầm non Sơn Điện 1 lúc gần 3 giờ chiều nhưng bên trong phòng học đã tối sầm. Điểm trường gồm 2 phòng học được chia cho 3 nhóm lớp theo độ tuổi, với đầy đủ công năng, tiện ích để dạy học mầm non, như điện sáng, quạt mát… nhưng không phát huy được hết, bởi lý do đơn giản là không có điện lưới. Phía bên kia đường là điểm lẻ Trường Tiểu học Sơn Điện 1, bức tường đã cũ, phòng học tối đen.
Cô giáo mầm non Trương Hồng Quan, chia sẻ: “Những hôm trời thiếu ánh sáng hay thời tiết nóng bức, học sinh của cả hai điểm trường đều phải ra sân học bài. Thương các cháu, nhưng chúng tôi cũng chẳng làm được gì hơn”.
Ánh sáng từ điện lưới là nỗi lòng, khát mong của người dân Xa Mang, đã được họ nhiều lần gửi đến các cấp chính quyền, ngành chức năng, nhưng chưa bao giờ sáng. Thành ra từ bao đời nay, người dân nơi đây cũng chỉ ước mơ đến một ngày được xem ti vi để biết về thế giới bên ngoài, được ngồi đón gió trước cây quạt điện, trẻ con học bài không phải chúi đầu trong ánh đèn dầu.
3 điểm có sóng điện thoại là nơi người dân bản Xa Mang liên lạc với bên ngoài.
Một hình ảnh khác khiến tôi nhớ mãi, đó là lúc ở trong nhà Bí thư Tiệp, nghe tiếng chuông, dù đang uống dở chén nước nhưng Phó bản Hà Văn Xuất phải chạy nhanh như tên bắn sang bên kia đường rồi cầm chiếc “cục gạch” a lô. Trở vào nhà, anh nhờ người gọi chị Luyến 20 phút sau đến nghe điện thoại của con trai gọi về. Anh nói với tôi: “Sóng điện thoại chập chờn lắm. Cả bản tìm trớn mắt mới phát hiện được 3 điểm có sóng. Đến đúng điểm, nhưng đưa điện thoại xuống ngang miệng để nói chuyện bằng loa ngoài cũng mất sóng. Phải đặt đúng ngang tầm tai”.
Nỗi lòng phòng hộ
Theo Địa chí huyện Quan Sơn, bản Xa Mang hình thành từ lâu đời, nhưng hợp rồi lại tách. Từ năm 1994 bản bắt đầu phát triển ổn định với 18 hộ dân của Lâm trường Na Mèo (nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn) được giao đất sản xuất theo tinh thần Quyết định 327-CT ngày 15-9-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về đây sinh sống trên những dải đất dọc theo con suối Xa Mang. Đến nay bản đã có 33 hộ với 165 nhân khẩu, nhưng tất cả đều là hộ nghèo.
Phân tích về nguyên nhân đói nghèo của người dân bản Xa Mang, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Điện Lương Văn Chiên cho rằng: “Ngoài thiếu điện, sóng vô tuyến, sóng điện thoại, một nguyên nhân khác là đất sản xuất của bà con chưa ổn định”.
Theo ông Chiên, trước đây bà con có đất canh tác bình thường, nhưng đến khoảng năm 2010, khi hoàn thành quy hoạch 3 loại rừng, không hiểu do vô tình hay tắc trách, người ta đã đưa toàn bộ diện tích đất tự nhiên của Xa Mang vào quy hoạch rừng phòng hộ. Đang yên lành thì cả bản thành rừng phòng hộ, nhà phòng hộ, ao phòng hộ, vườn phòng hộ, đường phòng hộ… nên bà con gặp nhiều khó khăn.
Mãi đến năm 2017, sau nhiều lần đề nghị, diện tích này được trả lại cho người dân bản Xa Mang sản xuất, nhưng phải nộp sản cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Quan Sơn.
Hiện UBND huyện Quan Sơn đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi hơn 146 ha đất này cho huyện quản lý, làm nguồn sinh kế lâu dài cho bà con Xa Mang.
Xa Mang có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, nhưng không có điện lưới nên 100% hộ dân trong bản vẫn là hộ nghèo.
“Mong thời gian tới bà con có điện sáng, có đất canh tác hợp pháp, để có thêm động lực chiến thắng đói nghèo và cùng nhau bảo vệ gần 2 km đường biên giới qua bản”, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Xa Mang Phạm Bá Tiệp mong mỏi.
Tôi ra Quốc lộ 217 lúc gần 6 giờ chiều, phía sau là Xa Mang chỉ còn le lói vài ánh đèn dầu yếu ớt lọt qua khung cửa sổ trên những ngôi nhà sàn co ro bên bờ suối. Nhưng đường về phố huyện đã sáng trưng với lung linh ánh điện bên lá cờ đỏ sao vàng chờ đón một xuân mới sắp về. Tôi tin ngày mai Xa Mang sẽ khác.
Theo UBND huyện Quan Sơn, trên địa bàn huyện còn 3 bản chưa có lưới điện lưới gồm: Xa Mang (Sơn Điện), Khà, Xía Nọi (Sơn Thủy). Để đưa lưới điện đến 3 bản này cần nguồn vốn khoảng 20 tỷ đồng. UBND huyện Quan Sơn đang đề nghị các cấp, ngành quan tâm đầu tư, mang điện sáng về cho bà con.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/noi-long-xa-mang/22569.htm